'Kẻ thù' của các VĐV Olympic: Người sợ chết, kẻ ngồi xe lăn rời sân

31/07/2021 18:43

Có không ít vận động viên (VĐV) đã thực sự gục ngã trước cái nóng khủng khiếp ở Tokyo trong thời gian diễn ra Olympic.

VĐV bắn cung người Nga, Svetlana Gomboeva ngất xỉu vì say nắng.

"Tôi có thể kết thúc trận đấu nhưng cũng có thể chết" - Daniil Medvedev phàn nàn với trọng tài vì sức nóng khủng khiếp ở Tokyo khi tham gia trận đấu quần vợt diễn ra vào giữa buổi trưa nắng nóng.

Tất nhiên, Daniil Medvedev không phải là VĐV duy nhất "không chịu nổi nhiệt" vì thời tiết quá khắc nghiệt ở Nhật Bản. Ngay trong ngày đầu tiên, VĐV bắn cung người Nga, Svetlana Gomboeva đã ngất xỉu ngay trong lúc thi đấu. Nguyên nhân là do cô bị say nắng.

Những người theo dõi cũng không khỏi đau lòng khi chứng kiến tay vợt người Tây Ban Nha, Paula Badosa buộc phải bỏ cuộc và rời sân trên xe lăn vì say nắng. Mới nhất, VĐV chạy đường dài người Australia, Patrick Tiernan đã chạy lảo đảo, gục xuống đường piste trong những mét cuối cùng trên đường đua.

Trong khi đó, ngay cả tay vợt số 1 thế giới, Novak Djokovic (người đã quá quen với lịch trình thi đấu dày đặc) cũng mô tả rằng điều kiện thi đấu ở Olympic 2020 thực sự… "tàn bạo".

Olympic không chỉ là nơi tranh tài thể thao đơn thuần, mà còn là nơi để thử thách ý chí, sự kiên cường của con người. Thế nhưng, thời tiết quá nắng nóng ở Tokyo chính là "kẻ thù" các VĐV. Bởi lẽ, sức người có hạn, không phải ai cũng vượt qua nổi điều kiện khắc nghiệt này (nhất là những VĐV phải thi đấu ngoài trời, vào giữa trưa nắng.

Trước giải đấu, tình trạng nắng nóng ở Tokyo được chỉ là nguyên nhân lớn nhất có thể khiến các VĐV đột quỵ trong khi thi đấu. Nhiệt độ ở thành phố này được ghi nhận rơi vào khoảng 35-40 độ C, với độ ẩm từ 66-84% (tùy từng thời điểm). Việc thi đấu dưới tình trạng này khiến cho những VĐV cảm thấy nóng hơn và đổ mồ hôi hơn nhiều so với điều kiện thường.

VĐV quần vợt, Paula Badosa bỏ cuộc và phải ngồi xe lăn rời khỏi sân thi đấu.

Makoto Yokohari, giáo sư về môi trường và quy hoạch đô thị ở trường đại học Tokyo, đã thừa nhận thực tế này. Còn nhớ, trong đợt nắng nóng vào năm 2018, Nhật Bản đã ghi nhận 1000 trường hợp tử vong. Trong năm nay, theo thống kê từ ngày 19-25/7, hơn 8.000 trường hợp phải nhập viện vì dấu hiệu đột quỵ (ở mức độ nặng nhẹ khác nhau), do nắng nóng.

Ủy ban Olympic Quốc tế đã tính tới điều này. Họ đối phó bằng cách đặt nhiều chai nước và nơi có bóng râm cho các VĐV. Trong tuyên bố với CNN, cơ quan này khẳng định rằng sức khỏe của các VĐV là "mối quan tâm lớn nhất" ở Olympic 2020.

Vào năm 2019, Nhật Bản đã chuyển các cuộc chạy marathon (đòi hỏi rất nhiều sức) ở Olympic đến Sapporo để tránh thời tiết khắc nghiệt ở Tokyo. Thế nhưng, những VĐV ở các môn thể thao khác phải thi đấu ở thủ đô Nhật Bản.

VĐV điền kinh người Nhật Bản, Natsue Koikawa, từng bị ngất xỉu và suýt mất mạng khi tham gia sự kiện marathon ở Tokyo năm 1995. Cô đã mất hơn 1 năm rưỡi để phục hồi vì bị đột quỵ. Kể từ đó tới nay, cô không tham gia bất kỳ sự kiện marathon nào nữa.

Cô chia sẻ: "Đột quỵ do thi đấu ở nhiệt độ cao có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đó là nguyên nhân tử vong phổ biến".

Sau khi giải nghệ, Natsue Koikawa đã trở thành giáo sư nghiên cứu về thể thao. Trong đó, cô nhấn mạnh rằng không phải VĐV nào (kể cả những người khỏe mạnh nhất) có thể nhận ra dấu hiệu của đột quỵ.

"Việc bỏ cuộc là điều vô cùng khó khăn với các VĐV bởi họ đại diện cho cả quốc gia, với niềm hy vọng cháy bỏng. Thế nhưng, tôi vẫn khuyên các VĐV hãy can đảm bỏ cuộc đúng lúc, để tránh nguy cơ bị đột quỵ”, Natsue Koikawa chia sẻ.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà các VĐV có ít thời gian tập luyện ở địa điểm thi đấu, để thích nghi với điều kiện thời tiết. Họ phải ở trong làng Olympic ở thời điểm 5 ngày trước khi thi đấu và phải rời đi trong 2 ngày sau khi kết thúc nội dung thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Kẻ thù' của các VĐV Olympic: Người sợ chết, kẻ ngồi xe lăn rời sân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO