Khắc phục sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Kỳ vọng giải quyết dứt điểm

Thành Luân (thực hiện) 04/07/2019 07:30

Dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm triển khai dang dở với nhiều hệ lụy, sai phạm kéo dài hơn 20 năm qua. PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ XI (2019-2024), Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, đến nay đang có triển vọng được giải quyết dứt điểm những tồn tại ở Thủ Thiêm nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ.

Khắc phục sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Kỳ vọng  giải quyết dứt điểm

Phối cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

PV: Ông đánh giá thế nào về Kết luận thanh tra mới nhất của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố về Thủ Thiêm?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Chúng tôi rất hoan nghênh một số điểm mới của Kết luận thanh tra này so với trước đây. Có thể đánh giá gọn là rõ ràng, mạch lạc hơn, cứng rắn, đi vào bản chất vấn đề của Thủ Thiêm hơn. Chúng tôi cũng đồng quan điểm với LS Trần Quốc Thuận- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi đánh giá Kết luận thanh tra đã chỉ ra được nhiều lãnh đạo cấp sở, ngành, thành phố cho đến lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có trách nhiệm khi để xảy ra hàng loạt sai phạm ở KĐTM Thủ Thiêm. Kết luận cũng đã kiến nghị các cơ quan, tổ chức xử lý những người chịu trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong dự án này. Do đó, việc hoàn trả ngân sách, bồi thường cho người dân Thủ Thiêm phải được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật là kỳ vọng rất lớn của người dân cả nước hiện nay. Đặc biệt, đối với việc bồi thường cho người dân, nếu có thể trả được bằng tiền thì phải trả theo thời giá hiện nay.

Với vị trí thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM có vai trò giám sát, ý kiến của ông xung quanh việc khiếu kiện kéo dài của người dân Thủ Thiêm?

- Vai trò của MTTQ là giám sát, phản biện và mỗi Ủy viên của Mặt trận đều nhận thức rất rõ trách nhiệm cá nhân của mình trong đó. Cần nhớ là khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm vào năm 1996 và siêu dự án này được UBND TP HCM quy hoạch 1/2000 vào năm 2005 thì người dân ở Thủ Thiêm đã sớm phát hiện bất cập, bức xúc, khiếu kiện, khiếu nại đến các cơ quan chính quyền thành phố. Và, nơi đầu tiên mà họ muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình chính là Ủy ban MTTQ của Q.2 và cấp thành phố. Lãnh đạo các nhiệm kỳ của MTTQ Việt Nam TP HCM đã nỗ lực với trọng trách được người dân Thủ Thiêm gửi gắm. Chúng tôi cũng biết là lãnh đạo và phóng viên tại Ban Đại diện miền Nam báo Đại Đoàn Kết, cơ quan của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã vào cuộc quyết liệt, mang tính xây dựng từ rất sớm, từ thời nhà báo Lý Tiến Dũng, và cũng từng có phóng viên của báo bị chính quyền địa phương bắt tạm giữ khi tác nghiệp ở Thủ Thiêm. Chúng tôi xin nhắc lại một chút lịch sử vấn đề như vậy để thấy rằng, MTTQ cũng như tờ báo tiếng nói của Mặt trận đã gắn liền với quá trình khiếu nại, khiếu kiện kéo dài hơn hai thập niên qua của người Thủ Thiêm. Còn cảm nhận về tình cảnh của họ, chúng tôi xin nói ngắn gọn rằng, dự án KĐTM Thủ Thiêm đáng ra phải tạo viễn cảnh tốt đẹp, bảo đảm lợi ích hài hòa cho cộng đồng, thế nhưng quá trình triển khai thực hiện dự án này đã lấy đi kế sinh nhai, lấy đi làng xóm, láng giềng, thậm chí lấy đi các giá trị lịch sử, văn hóa ở một khu vực rộng lớn bao gồm 5 phường của Q.2 từ khi chia tách địa giới hành chính. Hơn hai thập kỷ qua, một bộ phận không nhỏ người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và đối xử trái luật, trái đạo lý.

Có phải vì vậy mà sau khi TTCP thông báo (số 1041/TB-TTCP) kết luận về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại KĐTM thì ông đã có quan điểm ngay rằng phải ưu tiên giải quyết thỏa đáng các vấn đề về bồi thường, đền bù cho người dân ở Thủ Thiêm, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Chúng ta cần nhớ là trong Kết luận thanh tra mới nhất của TTCP có nêu rất võ về thời điểm “giờ G”, có thể tạm gọi là “tối hậu thư” mà nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì sự việc ở Thủ Thiêm sẽ được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xem xét, xử lý. Thứ hai là thông báo kết luận cũng nêu rất rõ UBND TP HCM và các Sở, ngành liên quan thuộc nhiều thời kỳ có nhiều khuyết điểm, vi phạm tại dự án KĐTM Thủ Thiêm. Đây chẳng khác nào là một mệnh lệnh với chính quyền, đã đến lúc phải xử tận gốc ngay cả các cá nhân sai phạm đã về hưu, kể cả trách nhiệm của tập thể nếu dính dáng đến sai phạm. Thế nhưng, như chúng tôi đã nhấn mạnh, trong hai vấn đề trên chắc chắn UBND TP HCM phải thực hiện song song với quá trình đền bù, bồi thường thật thỏa đáng cho các oan ức của người dân Thủ Thiêm đã kéo dài suốt hơn hai thập kỷ rồi.

Khắc phục sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Kỳ vọng  giải quyết dứt điểm - 1

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh.

Liệu có thể sẽ giải ngân từng phần cho nhiều vấn đề khắc phục các sai phạm ở KĐTM Thủ Thiêm theo các đề nghị từ TTCP, thưa ông?

- Có thể vậy. Bởi vì hiện nay TP HCM với vai trò là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của khu vực phía Nam và cả nước, đang gánh trách nhiệm hết sức nặng nề về chỉ tiêu ngân sách. Như chúng ta biết là hiện tổng thu ngân sách nhà nước tại TP HCM (không tính các khoản thu quản lý qua ngân sách) thực hiện (năm 2018) vào khoảng trên dưới 378.500 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán. Thế nhưng, mỗi năm thành phố phải đóng góp 27% thu ngân sách quốc gia nhưng cũng chỉ được dùng 5,2%. Như vậy là phần nộp ngân sách quá lớn, phần giữ lại thì ít quá. Do đó, có thể nói rằng yêu cầu của TTCP đề nghị TP HCM phải hoàn ngân sách hơn 26.000 tỷ đồng do sai phạm ở Thủ Thiêm rất khó thực hiện được trong ngắn hạn đến trung hạn. Rõ ràng khả thi nhất nếu vụ việc ở Thủ Thiêm được cả Trung ương và TP HCM quan tâm vào cuộc giải quyết dứt.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong từng nhấn mạnh vấn đề Thủ Thiêm đã không thể chậm trễ thêm được nữa. Ông đánh giá khả năng giải quyết dứt điểm những tồn tại ở KĐTM Thủ Thiêm như thế nào?

-Rõ ràng là chúng ta có nhiều kỳ vọng ở lần này. Nếu đọc kỹ Kết luận thanh tra mới nhất của TTCP, chúng ta thấy là có các đề mục, đề nghị rất cụ thể, rõ ràng về con số, ngày tháng “tối hậu thư” đối với chính quyền TP HCM. Chẳng hạn, chúng ta thấy là ngày 31/12/2019 là thời điểm cụ thể mà TTCP yêu cầu TP HCM cần phải giải quyết dứt điểm vụ việc ở dự án này, nếu không thì cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra. Lúc này, nhiều khả năng vụ việc ở Thủ Thiêm sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Bên cạnh đó, TTCP cũng chuyển hồ sơ đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xử lý theo thẩm quyền thì cũng có nghĩa là nhiều cán bộ, lãnh đạo thuộc Trung ương quản lý cũng sẽ bị đưa ra xử lý. Như chúng ta biết, thời gian qua, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã bắt tay thực sự vào cuộc chiến chống tham nhũng và chắc chắn sẽ không có “vùng cấm” nào trong vấn đề ở Thủ Thiêm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thưa ông, nguồn tiền cho bồi thường cho người dân bị giải tỏa lấy ở đâu, trong khi Kết luận thanh tra của TTCP cũng đồng thời đề nghị TPHCM phải hoàn ngân sách hơn 26.000 tỷ đồng do sai phạm ở Thủ Thiêm?

- Chúng tôi cho rằng, việc phân bổ nguồn tiền khắc phục sai phạm thế nào thì Trung ương và TPHCM phải ngồi lại bàn bạc, thống nhất với nhau. Còn về nguyên tắc, khi là cơ quan đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “công bộc” của dân, thì trước tiên chính quyền phải ưu tiên việc xử lý, khắc phục hậu quả cho quyền và lợi ích của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Kỳ vọng giải quyết dứt điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO