Khách sạn hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng rao bán cắt lỗ tràn lan nhưng vì sao rất ít người mua

Nhật Ánh 08/08/2021 16:45

Từ căn hộ khách sạn vài tỷ đồng, tới khách sạn mini vài chục tỷ đồng cho tới các khách sạn lớn giá trị hàng trăm tỷ đồng được rao bán. Tuy nhiên, thực tế giao dịch thành công lại rất ít. Vì sao?

Từ các quận trung tâm TPHCM đến phố cổ Hà Nội; các thủ phủ du lịch như Đà Lạt, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Ninh…, nơi nào cũng thấy thông tin rao bán khách sạn với giá hạ.

Một khách sạn tại Đà Lạt được rao bán trên các trang sàn giao dịch bất động sản

Trên trang Facebook của Công ty Thiên Minh đăng thông tin chào bán gần 20 khách sạn có giá từ vài chục tỷ đến gần 1.000 tỷ đồng tại TPHCM. Theo một nhân viên môi giới bất động sản của Công ty Thiên Minh, công ty có danh sách và thông tin tất cả khách sạn đang cần bán ở các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Lê Thị Riêng, Bùi Viện, Lý Tự Trọng, Thi Sách... Đây là điều chưa từng xảy ra, vì ở những tuyến đường như Bùi Thị Xuân… trước năm 2020 gần như không có nhà nào được rao bán ra thị trường…

Một chủ khách sạn ở thành phố Nha Trang cũng rao bán khách sạn ở mặt đường Trần Phú với giá 245 tỷ đồng. Theo chủ khách sạn này, việc rao bán là bất đắc dĩ, vì với giá 245 tỷ đồng, anh đã chịu lỗ rất nhiều so với vốn đầu tư ban đầu.

Nhận định về làn sóng rao bán khách sạn, ông Eric A. Baumgartner, sáng lập và CEO của Dome Hospitality, đơn vị chuyên kết nối đầu tư ngành khách sạn cho rằng nguyên nhân chính là bơi anh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài giảm mạnh. Hiện tại, các khách sạn Việt Nam cũng không thể nào dựa vào khách nội địa. Bên cạnh đó, nhiều khách sạn còn tương đối mới, chưa hoạt động đủ lâu để có tỷ suất hoàn vốn cao, do đó họ đang ở tình thế "mong manh" hơn bao giờ hết.

Trước hàng nghìn căn hộ khách sạn, khách sạn đang được rao bán, CEO của Dome Hospitality cho rằng cần phân loại các chủ nhân. Thứ nhất, nếu chủ sở hữu khách sạn là doanh nghiệp gia đình lâu năm, và họ có nhiều nguồn thu khác nhau, thì họ sẽ không sẵn sàng bán với mức giá thấp.Thứ hai, đối với khách sạn mới và chủ khách sạn thường đầu tư từ tiền vay vốn ngân hàng, đồng nghĩa với việc nguồn thu chính của chủ khách sạn là từ khách sạn, thì họ buộc phải bán với mức giá rẻ bèo lúc này.

“Nhiều nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng sẽ đạt được các khoản lợi nhuận trong việc mua lại các khách sạn đang gặp khó khăn với mức giá thấp. Tuy nhiên, các chủ khách sạn không muốn giảm giá hay thậm chí bán với mức giá trên các thị trường quốc tế khác”, CEO Dome Hospitality nói.

Trong khi đó, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên mua lại các dự án bất động sản trong đó có phân khúc khách sạn cao cấp cho rằng, hiện nay phổ biến là các chủ khách sạn mới chỉ hình thành trong 2 đến 3 năm nay và đầu tư kinh doanh bằng vốn vay ngân hàng thì họ cũng đã kiệt sức, tuy nhiên họ vẫn gắng chịu ít nhất 6 tháng nữa với hy vọng dịch bệnh kiểm soát, du lịch phục hồi.

“Theo tôi nhìn nhận số này chiếm tới 70 đến 80% các tin rao bán khách sạn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế giá họ đưa ra theo khảo sát của bộ phận thị trường của công ty cũng không hề rẻ, giá ngang bằng thời điểm trước dịch. Ngoài ra, về phía người mua, không phải họ không có tiền mà họ chờ đợi giá sẽ giảm về đúng giá trị thực của khách sạn trong mùa dịch. Tình thế giằng co này có thể kéo dài 3 đến 6 tháng tiếp theo”, vị này nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khách sạn hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng rao bán cắt lỗ tràn lan nhưng vì sao rất ít người mua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO