Khai mạc Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6 (khóa IX)

Vũ Mạnh - Tiến Đạt 30/12/2021 09:32

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6 khóa (IX) chính thức khai mạc. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam tới điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố.

Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.

Tham dự Hội nghị có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam (dự tại điểm cầu Tuyên Quang); ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh); Các Ủy viên Trung ương Đảng: ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (dự tại điểm cầu TP Cần Thơ); ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang (dự tại điểm cầu Tuyên Quang); đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và đại biểu là Ủy viên Ủy ban tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Tạo xung lực mới cho công tác Mặt trận

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiện toàn nhân sự mới.

Song, với tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, công tác Mặt trận từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, nhất là ở khu dân cư, thôn, tổ dân phố đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện; cơ bản hoàn thành chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Trong đó phải kể đến 5 kết quả nổi bật, trước tiên phải kể đến việc MTTQ Việt Nam tham gia công tác chuẩn bị, góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025.

MTTQ Việt Nam các cấp cũng chủ động, tích cực tham gia cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phòng, chống, vượt qua đại dịch Covid-19. Trong đó, công tác vận động xã hội, quyên góp ủng hộ các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng do dịch bệnh và tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Cùng với đó đã phối hợp, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, tổ chức rất thành công Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo và có bài phát biểu rất quan trọng, nâng tầm vị thế MTTQ, tạo xung lực mới cho công tác Mặt trận, là yếu tố nền tảng để MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đánh giá, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, MTTQ các cấp đã kế thừa và nâng tầm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với kỷ niệm Ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11), tổ chức theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều dành thời gian về dự với các khu dân cư, tạo được sức lan tỏa lớn trong xã hội, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với Ngày hội của toàn dân, góp phần củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Cùng với 5 kết quả nổi bật nêu trên, chúng ta đã vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành 114 việc trong tổng số 134 việc theo kế hoạch năm 2021, đạt 85% với chất lượng được nâng lên một bước. Số lượng công việc chưa hoàn thành do phải điều chỉnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Từ những kết quả đạt được, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, trong năm 2022, MTTQ Việt Nam cần bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nội dung chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, thực hiện chương trình toàn khóa đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam thông qua tại Kỳ họp thứ 2.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Hội nghị phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm thảo luận, thống nhất triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, MTTQ các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh phong trào thi đua phục hồi phát triển kinh tế.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo xây dựng 3 Đề án và 1 Chỉ thị trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định: Trình Bộ Chính trị cho ý kiến ban hành Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan MTTQ Việt Nam; Trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến Đề án để ban hành Chỉ thị lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X MTTQ Việt Nam; Trình Ban Bí thư cho ý kiến về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và ban hành Đề án Kết luận của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam; Trình Ban Bí thư cho ý kiến, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ UBTƯ MTTQ Việt Nam tới điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, MTTQ các cấp cần nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị TW 4 khóa XIII số 21-KL/TW; các quy định, quyết định của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đa dạng hóa cách thức lắng nghe được nhiều ý kiến của các tổ chức thành viên; kịp thời tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh tới Đảng và Nhà nước; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, để tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở.

Cùng với triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng nêu rõ, MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình phối hợp, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phát động; Tập trung chuẩn bị tốt nội dung cho Hội nghị Đoàn Chủ tịch, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam và các Hội nghị khác trong năm 2022.

Nhấn mạnh tới ý nghĩa quan trọng của Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, đóng góp thật nhiều ý kiến xác đáng để Hội nghị đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Đổi mới hoạt động, chú trọng hiệu quả, thực chất

Trình bày tờ trình của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, năm 2021, chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam được tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế.

Phương thức hoạt động của Mặt trận có nhiều đổi mới, chú trọng hiệu quả, thực chất, nhằm góp phần nâng cao tính đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Hệ thống Mặt trận không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, có những mặt công tác đạt kết quả nổi bật, tích cực, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, hưởng ứng.

Trong đó, hệ thống MTTQ Việt Nam đã nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tích cực tham gia và góp phần quan trọng vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021- 2026.

Thông qua cuộc bầu cử đã thể hiện vai trò của MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, sự đồng lòng, chung sức và sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, của hệ thống chính trị.

Ngày bầu cử thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân, với số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất từ trước tới nay, được dư luận trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đồng thời, thông qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong vận động, tập hợp sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy mạnh mẽ truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh người lãnh đạo, cán bộ Mặt trận trực tiếp nơi tuyến đầu, trách nhiệm, tận tuỵ, không ngại khó, luôn sẵn sàng, nhiệt huyết, gần dân, sát dân, vì dân, đã trở nên thân thuộc, thiện cảm, tin yêu trong xã hội, cộng đồng dân cư; nhiều cán bộ Mặt trận đã hy sinh cả tính mạng của mình để chăm lo cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, có được những thành công trên, MTTQ Việt Nam đã xác định, lựa chọn, kịp thời điều chỉnh và triển khai đúng hướng, linh hoạt những nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hướng mạnh đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội.

Cùng với đó là sự quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của toàn hệ thống luôn được chú trọng, đề cao, nổi bật là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kế thừa những kết quả, kinh nghiệm trong những nhiệm kỳ qua và trong năm 2020; khơi dậy, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên.

Báo cáo kết quả thực hiện giám sát và phản biện xã hội năm 2021, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp.

Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát đều được chính quyền và các ngành chức năng chỉ đạo xem xét, giải quyết, góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. MTTQ Việt Nam luôn phát huy vao trò của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát, phản biện.

Trong năm qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 6 nội dung giám sát chuyên đề; phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát theo chương trình, quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan. Các tổ chức chính trị-xã hội đều có các hoạt động giám sát dưới nhiều hình thức khác nhau phù hợp theo nhiệm vụ, vai trò của tổ chức.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam 58/63 tỉnh, thành phố, Mặt trận các cấp ở đã tổ chức 21.728 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh: chủ trì giám sát 454 cuộc; cấp huyện giám sát 3.327 cuộc; cấp xã giám sát 17.947 cuộc. Tổng số hoạt động giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan là 29.027 cuộc.

Trong đó có 3 chuyên đề giám sát tiếp công dân, giám sát cán bộ, đảng viên và giám sát Luật Đất đai được triển khai trong hệ thống MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, đã kiến nghị nhiều nội dung xác đáng.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai mạc Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6 (khóa IX)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO