Khai thác khoáng sản, núi đồi tan hoang

Đức Sơn - Anh Tuấn 29/05/2016 09:15

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp, cá nhân đua nhau “xẻo thịt” núi rừng tại xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) để “moi” khoáng sản đem đi bán. Tình trạng khai thác diễn ra khá bát nháo, công khai nhưng có vẻ như chính quyền và ngành chức năng địa phương rất thờ ơ. Người dân chỉ còn biết bất lực nhìn núi đồi quê hương ngày càng tan hoang.

Khai thác khoáng sản, núi đồi tan hoang

“Xẻo thịt” núi rừng tìm khoáng sản

Bao đời nay, khu vực Đỉnh Đa - Dốc Đỏ thuộc địa bàn xã Thạch Khoán vốn là vùng núi đồi trùng điệp với những vạt đồi rừng xanh bạt ngàn. Gần đây bỗng dưng rộ lên thông tin có khoáng sản nên nhiều tổ chức, cá nhân kéo nhau đến vùng này khảo sát. Người ta đã tự ý san ủi một con đường dài mấy cây số xuyên rừng lên tận đỉnh Đỉnh Đa - Dốc Đỏ. Chính nhờ con đường “chui” này, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đua nhau đưa máy móc lên rừng xúc đất tìm khoáng sản.

Để moi được khoáng sản ở tầng dưới, họ đã không ngần ngại chặt hạ hàng loạt cây xanh, dùng máy xúc bóc số lượng lớp đất đá bề mặt đi đổ nơi khác. Khi tìm thấy khoáng sản, họ lại xúc lên xe tải băng qua đường rừng về các điểm tập kết phía dưới bìa rừng. Từ đây quặng nguyên liệu được sơ chế rồi hợp thức hoá vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ. Theo tìm hiểu chúng tôi, được biết doanh nghiệp thường đứng ra thu mua là Công ty Thu Thịnh.

Hậu quả của việc ồ ạt khai thác khoáng sản trái phép là cả vùng rộng lớn núi rừng khu Đỉnh Đa - Dốc Đỏ bị phá nham nhở, tan hoang.

Ông Phùng Văn Việt- Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán xác nhận, khu vực Đỉnh Đa - Dốc Đỏ là diện tích trồng cây lâm nghiệp của các hộ dân.

Còn theo thông tin từ Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn cho biết, trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, Cty Thu Thịnh chỉ hoạt động kinh doanh buôn bán, không hề có bất cứ diện tích đất nào được cấp phép cả. Còn theo Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn thì việc máy móc mở đường hay đào bới vận chuyển khoáng sản là có và không được sự cho phép của chính quyền địa phương.

Vấn đề đặt ra là, nếu hoạt động khai thác khoáng sản, tàn phá đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Sơn bị nghiêm cấm thì những các doanh nghiệp lấy đâu ra tài nguyên để kinh doanh?

Khi trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn hồn nhiên “phủi” trách nhiệm: Tài nguyên khoáng sản khi đã lên khỏi mặt đất rồi là thành hàng hóa, trách nhiệm không thuộc về Phòng TN&MT nữa (!)

Khai thác khoáng sản, núi đồi tan hoang - 1

Đồi rừng ở xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn bị “xẻo thịt” không thương tiếc.

Dự án trá hình?

Tương tự, trước đây hai bên Tỉnh lộ 316 chạy các xã Thạch Khoán, Giáp Lai của huyện Thanh Sơn là những đồi rừng xanh bát ngát. Đa phần là đất lâm nghiệp được giao khoán cho người dân để trồng rừng, phát triển sản xuất. Khi khảo sát nơi đây có khoáng sản, ngành chức năng cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác.

Những cánh rừng bạt ngàn bị “xẻo thịt” không thương tiếc và những quả đồi đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất bỗng dưng biến mất. Họ đua nhau lập dự án, thậm chí có trường hợp còn lập dự án “biến tướng” để khai thác khoáng sản.

Trường hợp Cty cổ phần đầu tư và thương mại Huy Hoàng (Cty Huy Hoàng) là một ví dụ. Theo Quyết định số 986/QĐ-UBND ngày 14/5/2015, UBND tỉnh Phú Thọ cấp cho Cty Huy Hoàng thuê để đầu tư xây dựng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung kết hợp với trồng rừng tại xã Thạch Khoán.

Theo quyết định này, Cty Huy Hoàng được thuê 9,9 ha đất lâm nghiệp với thời hạn 49 năm tại khu vực thôn Đồng Bung để thực hiện dự án. Trong các báo cáo trình ngành chức năng, Công ty Huy Hoàng nhấn mạnh, dự án được thực hiện sẽ tập trung các mục tiêu bảo tồn đa dạng khu rừng trồng địa phương, góp phần phát triển chăn nuôi…Quy mô dự án sẽ trồng 7ha rừng nguyên liệu, chăn nuôi 3.000 con lợn lai tạo đặc biệt, 5000 con gà cựa, 500 con dê….

Được biết, trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Cty Huy Hoàng ghi rõ, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác đá, cát sỏi, cao lanh, bán buôn kim loại, khai thác quặng sắt, sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét…

Không hiểu, khi chấp thuận dự án và giao đất cho Cty Huy Hoàng, các cơ quan chức năng liên quan ở tỉnh Phú Thọ có nghiên cứu kỹ lĩnh vực kinh doanh của Cty này hay không mà nhanh chóng đồng thuận cho dự án được thực hiện. 9,9 ha đất lâm nghiệp nhanh chóng được ký biên bản xác nhận thực địa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Khi có “lá bùa” trong tay, thay vì làm dự án trồng rừng, chăn nuôi, Cty Huy Hoàng đã ồ ạt đưa máy móc san ủi mặt bằng và khai thác, tập kết một số lượng lớn cao lanh tại khu vực.

Mặc dù, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ là ông Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo rõ ràng: “Đầu tư dự án theo đúng nội dung quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đưa dự án vào hoạt động khi đã chấp hành đầy đủ các thủ tục theo quy định”. Tuy nhiên có vẻ như, doanh nghiệp đã phớt lờ những chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ.

Thực tế quan sát tại khu vực Đồng Bung, xã Thạch Khoán, chúng tôi không hề thấy có bất cứ một dấu hiệu nào của việc chủ đầu tư thực hiện dự án trồng rừng và chăn nuôi. Thay vào đó, là một “đại công trường” khai thác với những máy móc, những điểm tập kết khoáng sản chất cao như núi và những quả đồi đã bị múc tan hoang.

Trao đổi về vấn đề trên, cả chính quyền xã Thạch Khoán và huyện Thanh Sơn đều xác nhận Cty Huy Hoàng được cho thuê đất để thực hiện dự án trồng rừng, chăn nuôi và số khoảng sản tập kết tại Đồng Bung là của chính Cty này.

Ông Phùng Văn Việt- Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán xác nhận, nguồn gốc đất của dự án này thuộc các hộ dân trồng rừng sản xuất. Khi doanh nghiệp triển khai dự án có phát hiện ra cao lanh, bên công an cũng có vào lập biên bản yêu cầu dừng việc khai thác. Phía UBND xã chỉ nhận được mỗi quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, còn lại không có thêm hồ sơ, thủ tục, văn bản gì.

Còn theo Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Sơn Nguyễn Hữu Tám thì trong quá trình san lấp mặt bằng để thực hiện dự án, Cty Huy Hoàng phát hiện có quặng nên đã báo cáo UBND tỉnh đề xuất Bộ TN&MT xin được phép tận thu. Nghe nói đã được đồng ý, chứ giấy phép tận thu có hay chưa thì Phòng TN&MT huyện không được biết.

Chỉ thị của UBND huyện Thanh Sơn về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn nêu rõ, đối với những địa bàn có nguy cơ xảy ra hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển kinh doanh khoáng sản trái phép, chủ tịch UBND xã, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện nếu để xảy ra vi phạm về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn mình quản lý.

Vậy để xảy ra tình trạng khai phá đồi rừng, khai thác khoáng sản ồ ạt tại xã Thạch Khoán như hiện nay, liệu lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn có tổ chức kiểm tra, truy trách nhiệm của UBND xã Thạch Khoán và các đơn vị liên quan hay chưa?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác khoáng sản, núi đồi tan hoang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO