Khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân: Cần thời gian để thay đổi thói quen

Đức Trân 08/12/2022 08:44

Việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bằng giấy mà ngành y tế đã triển khai thời gian qua được đánh giá là đem lại nhiều tiện ích cho người dân và cơ sở y tế. Tuy nhiên, sau 9 tháng triển khai, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh qua CCCD gắn chip còn thấp.

Người dân đi khám tại Bệnh viện đa khoa Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: TL.

Đảm bảo lợi ích cho người bệnh bảo hiểm y tế

Tại Hà Nội, nhiều người bệnh đã chia sẻ về những tiện ích khi đi khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip. Bà Nguyễn Thị Nhuần (quận Đống Đa) cho hay, tới khám bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn, sau khi thực hiện một số yêu cầu của bác sĩ về việc kiểm tra các chỉ số máu, chụp XQ…, bà tuân thủ theo hướng dẫn đến bộ phận làm hồ sơ, thủ tục nhập viện. Chỉ sau vài phút, bộ phận đón tiếp của bệnh viện đã hoàn tất thủ tục nhập viện cho bà. Cả một quá trình từ khi vào thăm khám cho đến lúc nhận hồ sơ nhập viện, bà Nhuần không phải xuất trình bất cứ giấy tờ gì ngoài CCCD.

Theo thông tin từ Sở Y tế Thái Nguyên, sau 3 tháng bắt đầu thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD (từ tháng 7 đến tháng 10/2022), 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp điện tử. Đi đầu trong việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD là một số cơ sở khám chữa bệnh lớn như: Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên...

Với những lợi ích mang lại, nhiều đơn vị y tế tại tỉnh Quảng Bình cũng đã triển khai việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), hiện nay khi đi khám, điều trị bệnh BHYT tại đơn vị này, người dân chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip để thực hiện quét mã.

Tỷ lệ người khám bệnh bằng CCCD chưa cao

Báo cáo từ BHXH Việt Nam, tính đến ngày 18/11/2022, toàn quốc đã có hơn 11.700 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp (đạt tỷ lệ 92% tổng số cơ sở khám, chữa BHYT trong toàn quốc), với hơn 4,7 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD khi tiếp đón người bệnh đến khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có trên 2,9 triệu lượt tra cứu thành công.

Tỷ lệ tra cứu thành công đạt 61,33% trên tổng số lượt được tra cứu. Tỷ lệ lượt khám, chữa bệnh có tra cứu bằng CCCD gắn chip trên tổng số lượt khám, chữa bệnh (tính từ ngày 1/3/2022 đến 18/11/2022 có khoảng 110 triệu lượt) mới chỉ đạt khoảng 4,36%.

Theo nhận định của Bộ Y tế, từ các số liệu báo cáo nêu trên có thể thấy qua gần 9 tháng triển khai thí điểm, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh BHYT được cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chíp còn rất thấp, tỷ lệ tra cứu thành công cũng rất thấp.

Theo BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang: Lợi ích của việc người dân tham gia khám, chữa bệnh BHYT qua CCCD gắn chíp là dễ dàng nhìn thấy được. Đơn cử như thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Thực tế, trước đây, khi vào khám, chữa bệnh người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân. Số khác có thể hỏng hoặc mất thẻ bảo hiểm khiến việc đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT gặp không ít khó khăn. Khi áp dụng thẻ CCCD vào khám, chữa bệnh BHYT, cả người dân và nhân viên y tế đã tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục. Nhờ đó, đảm bảo được tính nhanh chóng, thuận tiện, phần nào giúp chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao.

Nhằm khắc phục tình trạng người dân khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp còn thấp, Bộ Y tế đề nghị, các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip với 20% người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT có thực hiện tra cứu thông tin BHYT qua căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân được biết và hiểu về những tiện lợi, lợi ích mang lại, từ đó dần dần thay đổi thói quen sử dụng CCCD gắn chíp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh khi đi khám, chữa bệnh BHYT.

Theo BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, dù có nhiều tiện ích nhưng tỷ lệ người dân đi khám, chữa bệnh qua CCCD gắn chíp còn thấp, một phần nguyên nhân ở đây là do thói quen của người dân còn chưa thay đổi, bộ phận người dân vẫn chưa được nắm được thông tin về việc sử dụng CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là về hệ thống, có không ít trường hợp lỗi khi tra cứu thông tin qua CCCD gắn chíp, khi đó người dân lại phải bổ sung lại giấy tờ theo cách cũ, khiến người dân cảm thấy mất thời gian hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân: Cần thời gian để thay đổi thói quen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO