Khẩn cấp 'giải khát' cho Đà Nẵng

Thanh Tùng 23/08/2019 01:00

Đà Nẵng được coi là thành phố đáng sống nhưng hơn 1 triệu dân cư TP này đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Căng thẳng nước sinh hoạt ở Đà Nẵng, có nguyên nhân chủ yếu từ hệ thống thủy điện dày đặc trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn.

Chiều 22/8, trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Hồ Hương-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, nước được xả từ các hồ chứa thủy điện đã về đến sông Cầu Đỏ vào 7h sáng cùng ngày nhưng độ mặn ở sông vẫn rất cao, không thể sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt.

Khẩn cấp 'giải khát' cho Đà Nẵng

Người dân quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng lấy nước từ các bồn chứa nước tạm. Ảnh: nld.com.vn.

Lao đao vì thiếu nước

Ngày 22/8, tại các khu vực được Dawaco bố trí bồn chứa lưu động trên địa bàn quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn, người dân vẫn phải xếp hàng, mệt mỏi chờ lấy nước. Bất cứ thứ gì có thể chứa nước đều được người dân tận dụng để hứng nước. Người dân phường An Hải Tây, An Hải Đông, Phước Mỹ, Mân Thái, Thọ Quang cho biết, xô nhựa lớn từ 60 đến 200 lít bình thường bày bán tràn lan ở các chợ nhưng đã trở nên khan hiếm trong những ngày qua, buộc họ phải dùng đến cả nồi, xoong để lấy nước. Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất là ở quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn. Đêm 21/8, sau cơn mưa lớn, rất nhiều gia đình ở quận Sơn Trà dắt díu nhau đi tìm khách sạn lưu trú vì không có nước sinh hoạt. Trong khi hàng ngàn du khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn quận này lại phải rời khách sạn ra đường vì thiếu nước và mất điện.

Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt khiến người quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn lao đao. Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, tình trạng đó là do nước ở Hồ Xanh trên bán đảo Sơn Trà cạn kiệt, chỉ còn hơn 1.000 m3, trong khi nhu cầu sử dụng lên đến trên 50.000 m3/ngày. Trong ngày 22/8, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra ở hầu hết các khu vực dân cư của quạn Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và một phần của huyện Hòa Vang. Dạo qua các chợ ở quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, chúng tôi gặp nhiều người dân tìm mua ống nước và máy bơm về khoan giếng.

Bất ổn an ninh nguồn nước

Hơn 10 năm trước, giới khoa học và các chuyên gia đã cảnh báo về hệ lụy từ các công trình thủy điện thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn đối với khu vực hạ du rộng lớn bao gồm TP Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam. Tất cả các công trình, hồ chứa thủy điện thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đều nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Từ năm 2008 đến năm 2012, Quảng Nam có 42 công trình, hồ chứa thủy điện lớn nhỏ. Đến năm 2018, tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 44 công trình, hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn. Tranh chấp nguồn nước có nguyên nhân từ thủy điện giữa TP Đà Nẵng và Quảng Nam đã từng diễn ra và còn giằng dai chưa có hồi kết bởi tự thân 2 địa phương này không thể loại bỏ bất cứ công trình thủy điện nào trong số 44 công trình, hồ chứa thủy điện đang tồn tại, gây nên nhiều hệ lụy cho khu vực hạ du rộng lớn.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 chuyên đề Môi trường nước các lưu vực sông của Bộ Tài nguyên và Môi trường (công bố đầu tháng 8/2019) cũng đề cập: Thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn làm tình trạng nhiễm mặn ở vùng hạ lưu đã trở nên gay gắt. Tranh chấp nguồn nước giữa tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng với các chủ đầu tư thủy điện diễn ra trong nhiều năm - đặc biệt là vào mùa khô.

Khẩn cấp 'giải khát' cho Đà Nẵng - 1

Người dân chờ đợi lấy nước tại các điểm cung cấp nước lưu động. Ảnh Thanh Tùng.

Căng thẳng về thiếu nước sinh hoạt những ngày qua, một lần nữa buộc chính quyền TP Đà Nẵng phải đưa ra những phương án cấp bách. Tại cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan vào sáng ngày 21/8; ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP và Dawaco cùng các công trình thủy điện thượng nguồn (gồm A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4) có phương án vận hành phù hợp từ nay đến ngày 15/9. Trước mắt, đề nghị thủy điện Đak Mi 4 xả 25 m3 nước/giây; A Vương xả 70 m3 nước /giây về Đà Nẵng. Đây không phải là lần đầu tiên TP Đà Nẵng phải họp khẩn, đưa ra giải pháp ứng phó với tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn do thủy điện tích nước, dẫn đến nhiễm mặn ở khu vực cửa lấy nước Nhà máy nước sông Cầu Đỏ.

Ngày 22/8, thông tin từ Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết trước đề nghị của Đà Nẵng, thủy điện A Vương và thủy điện Đắk Mi 4 đã vận hành xả hồ chứa. Mực nước tại trạm bơm An Trạch được nâng lên 2 m vào 7 giờ sáng cùng ngày nhưng vẫn không đủ đẩy mặn xâm nhập. Theo ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Dawaco, dù thủy điện xả nước nhưng Nhà máy nước Cầu Đỏ vẫn thiếu hụt từ 40.000 đến 50.000 m3 nước/ngày đêm. Thiếu nước trên diện rộng vẫn diễn ra. Ngoài việc bố trí gần 20 khu vực cấp nước lưu động, Dawaco vẫn phải huy động cả xe chữa cháy cung cấp nước cho các bệnh viện và cả các khu chung cư trên địa bàn thành phố.

Dày đặc thông báo cắt nước

Thiếu nước hoặc không có nước sinh hoạt, có nguyên nhân chủ yếu từ thủy điện, nhưng nguyên nhân được dư luận lo lắng, quan tâm nhiều nhất, chính là việc có hay không sự độc quyền, độc tôn của doanh nghiệp khai thác, cung cấp nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, website của Dawaco (doanh nghiệp duy nhất sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt ở Đà Nẵng) dày đặc thông báo cúp nước. Đằng sau các thông báo cúp nước vô cảm, là sự im lặng nhẫn nhịn của vài trăm ngàn hộ gia đình hàng tháng đều đặn đóng tiền mua nước sinh hoạt.

Tháng 11/2018, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản gửi Đảng đoàn HĐND TP và Ban Cán sự Đảng UBND TP yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; báo cáo về đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước; báo cáo về hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn và nhân sự chủ chốt của Cty cổ phần cấp nước Đà Nẵng sau khi được cổ phần hóa.

Cũng trong tháng 11/2018, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, tiếp tục ký văn bản gửi các sở ngành liên quan - đặc biệt là Dawaco, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo, giải trình về nguyên nhân thiếu nước sạch trên địa bàn thành phố; xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, vận hành hệ thống nước sinh hoạt. Ông Đặng Việt Dũng đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chủ hồ thủy điện và Công ty cấp nước thống nhất quy trình vận hành. Trước mắt, thống nhất hồ Đăk Mi 4 xả lượng nước 25 m3/s, hồ A Vương xả lượng nước 70m3/s, tổng cộng là 95m3/s trong 24 giờ, đảm bảo giảm mặn hiệu quả cho Nhà máy nước Cầu Đỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn cấp 'giải khát' cho Đà Nẵng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO