Khẩn cấp tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ

Mai Phương 10/08/2022 10:49

Tính đến thời điểm hiện tại, số người mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới đã vượt qua mốc 25.000 ca, được ghi nhận tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với ít nhất 10 ca tử vong. Nhanh chóng triển khai tiêm vaccine phòng bệnh đang là biện pháp hiệu quả được các chuyên gia y tế khuyến cáo.

Nhiều nước đang triển khai tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho các đối tượng có nguy cơ cao. Ảnh: AP.

Ban bố tình trạng khẩn cấp

Tuần trước, Ghana công bố đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này. Cùng thời điểm đó, 4 ca tử vong cũng được ghi nhận ở Tây Ban Nha (2 ca), Brazil (1) và Ấn Độ (1). Mới đây nhất, ngày 9/8, giới chức y tế Ecuador thông báo quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó, ngày 23/7 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và kêu gọi sự phản ứng quyết liệt hơn từ các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.

Ngày 4/8, Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tuyên bố này sẽ kích hoạt những khoản ngân sách mới, công tác hỗ trợ thu thập dữ liệu và cho phép triển khai nhân lực bổ sung cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Tuyên bố của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) ban đầu sẽ có hiệu lực trong 90 ngày nhưng có thể được gia hạn thêm, được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ cùng ngày ghi nhận tổng cộng hơn 6.600 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, với khoảng 25% trong số này được phát hiện ở bang New York.

Cho đến nay, nhiều bang và thành phố ở Mỹ đã bắt đầu ban bố tình trạng khẩn cấp khi số ca mắc đậu mùa khỉ tăng cao. Hiện đã có 48/50 bang ở Mỹ ghi nhận sự hiện diện của virus đậu mùa khỉ.

Mỹ đã đặt hàng số lượng lớn vaccine đậu mùa khỉ mà chính phủ sở hữu và lưu trữ ở Đan Mạch. CDC Mỹ ban đầu thông báo, hiện nay, vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ đã được xuất xưởng từ Kho dự trữ chiến lược quốc gia và được cung cấp cho những người tiếp xúc “có nguy cơ cao” với bệnh nhân đậu mùa khỉ, cũng như các nhân viên y tế đang điều trị cho họ.

Khởi động chiến dịch tiêm vaccine

Được tung ra thị trường với cái tên Jynneos ở Mỹ và Imvanex tại châu Âu, vaccine MBA-BN ban đầu được chế tạo để ngăn ngừa bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy vaccine này cũng đạt hiệu quả trong việc phòng ngừa đậu mùa khỉ do hai loại virus gây ra hai bệnh đều thuộc họ orthopoxvirus.

Theo WHO, thế giới hiện có tổng cộng khoảng 16 triệu liều vaccine. Tuy nhiên, số vaccine này chưa được phân liều, đồng nghĩa với việc sẽ mất vài tháng trước khi chúng sẵn sàng sử dụng. Hiện rất khó để xác định chính xác tỷ lệ vaccine mà các quốc gia nắm giữ vì các quốc gia này từ chối tiết lộ con số.

Về phần mình, hãng dược Bavarian Nordic cho biết, hãng có thể sản xuất tới 30 triệu liều vaccine mỗi năm.Ngoài ra, hai loại vaccine đậu mùa khác là ACAM2000 và LC16 đang được nghiên cứu để xác định mức độ hiệu quả trước bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 9/8, Italy đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, khi số ca mắc căn bệnh này gia tăng vào thời điểm các cơ quan y tế cảnh báo tình trạng thiếu vaccine trên toàn thế giới.

Theo Bộ Y tế Italy, nước này đã ghi nhận 545 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và chiến dịch tiêm chủng của họ được bắt đầu chậm hơn 1 tháng so với các quốc gia khác có số ca mắc cao hơn, trong đó có Mỹ, Anh và Tây Ban Nha.

Số đối tượng được tiêm vaccine là những người đồng tính nam, song tính nam và những người chuyển giới gần đây đã có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, các nhân viên y tế chuyên chữa trị các ca bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh viện Spallanzani ở Rome cho biết sẽ tiêm những liều vaccine đầu tiên cho 200 người bắt đầu từ ngày 9/8 và đã có 600 người đã đặt lịch. Sau đó, thành phố Milan cũng sẽ bắt đầu thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 11/8. Tuy nhiên, Italy hiện không có kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Tương tự, kể từ ngày 9/8, bang New South Wales của Australia bắt đầu triển khai tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ đợt đầu tiên và là đợt tiêm sớm nhất so với các bang khác trên cả nước, trong bối cảnh số ca mắc mới căn bệnh này tiếp tục gia tăng. Tính đến sáng 5/8, Australia ghi nhận tổng cộng 58 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có tới 33 ca tại New South Wales.

Nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế đang leo thang, bà Kerry Chant - người đứng đầu Cơ quan Y tế bang New South Wales cho biết, những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được tiêm phòng trong đợt tiêm đầu tiên với tổng cộng 5.500 liều vaccine được triển khai từ đầu tuần sau.

Số vaccine trên thuộc lô 22.000 liều vaccine sẽ được chuyển đến Australia trong những ngày tới. Ngoài ra, theo kế hoạch, vào tháng 9 sẽ có thêm 30.000 liều vaccine được chuyển đến bang New South Wales. Năm 2023, dự kiến Australia sẽ tiếp nhận thêm hàng trăm nghìn liều. Tính tổng cộng, Chính phủ liên bang Australia đã đặt mua 450.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ từ công ty sản xuất dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch.

Mặc dù vậy, bà Chant cảnh báo rằng, cho dù vaccine có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhưng không thể hoàn toàn bảo vệ người tiêm tránh khỏi việc nhiễm virus gây bệnh. Do đó, quan chức này khuyến nghị người dân, đặc biệt là những người gần đây từng xuất ngoại sang Anh, châu Âu và Bắc Mỹ, nên chú ý tới các triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đổ mồ hôi, ớn lạnh, ho và đau họng.

WHO đã kêu gọi các quốc gia có vaccine chia sẻ, kêu gọi thế giới không lặp lại tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng Covid-19 giữa các quốc gia giàu và nghèo trước đây. Trong khi đó, ông Meg Doherty - Giám đốc chương trình toàn cầu về HIV, viêm gan và các bệnh lây truyền qua đường tình dục của WHO cho biết, cho tới cuối tháng 7, đã có 35 quốc gia đã yêu cầu tiếp cận với vaccine đậu mùa khỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn cấp tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO