Khẩn trương đưa chính sách đến người dân

Lan Hương 26/07/2021 10:53

Theo Bộ LĐTB&XH sau hơn 20 ngày Chính phủ ban hành hướng dẫn thủ tục, đã có nhiều tỉnh thành báo cáo về kế hoạch hỗ trợ theo Nghị quyết số 68. Nhiều địa phương đã đưa ra chính sách hỗ trợ riêng cho lao động tự do, tuy nhiên bên cạnh đó việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khác vẫn còn chậm.

“Liều thuốc” cho nhiều doanh nghiệp và NLĐ

Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đã khiến 200/300 xe ô tô làm dịch vụ vận tải của Công ty TNHH HaLan, TP Thái Nguyên nằm bãi không hoạt động, kéo theo đó là hơn 400 công nhân buộc phải nghỉ việc trong tháng 7.

Đang đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động thì bà Nguyễn Thị Minh Thọ, Giám đốc công ty nhận được thông báo về chính sách cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động từ gói 26 nghìn tỷ đồng của Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Sau 3 ngày làm thủ tục và được hướng dẫn của Ngân hàng chính sách tỉnh, ngày 15/7 công ty đã được vay hơn 3 tỷ đồng để tiếp tục phát triển sản xuất và trả lương cho 260 lao động. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đã hoàn thiện hồ sơ và được giải ngân nguồn vốn vay trên 3 tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho 600 lao động. Nếu tính cả việc miễn đóng và chậm đóng bảo hiểm xã hội thì công ty này có thể nhận được hơn 10 tỷ đồng.

“Từ khi có dịch Covid-19, công ty đã rất vất vả để tồn tại và phát triển nhưng đến làn sóng thứ 4 này thực sự rất khó có thể cầm cự. Dù không muốn nhưng trong tháng 7, công ty buộc phải cho 400 lao động nghỉ việc, đang đứng trước khó khăn thì nhận được gói vay ưu đãi. Đây sẽ là động lực để doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19” – bà Nguyễn Thị Minh Thọ chia sẻ.

Cũng đang lâm vào tình cảnh cầm cự vì dịch, Công ty TNHH mầm non Hoa Trạng Nguyên, TP Thái Nguyên đã được UBND tỉnh phê duyệt số tiền 133 triệu đồng từ Nghị quyết 68 để hỗ trợ 33 người lao động (thuộc diện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, theo tinh thần Nghị Quyết 68/NQ-CP).

Chia sẻ về những khó khăn của công ty, bà Hà Thị Tuyết, Giám đốc công ty cho biết: Công ty cũng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, với 70% trong số 133 lao động phải ngừng và giãn việc. Thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động giảm từ 4,7 triệu đồng/người (năm 2020) xuống còn 2,3 triệu đồng/người (năm 2021).

“Giáo dục mầm non nói chung và giáo viên mầm non tư thục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi so với mầm non công lập cũng như giáo viên trong biên chế Nhà nước. Tuy nhiên với sự hỗ trợ kịp thời từ Nghị quyết 68 không chỉ giúp giáo viên tư thục vượt khó mà còn là liệu pháp tinh thần rất lớn cho giáo viên mầm non. Điều này cho thấy, các chính sách của Nhà nước luôn công bằng và không để lại ai ở phía sau”, Giám đốc Hà Thị Tuyết, chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23, dự kiến đến ngày 25/7, tỉnh Thái Nguyên sẽ hoàn thành công tác rà soát các đối tượng và có văn bản gửi Bộ Tài chính để hỗ trợ kinh phí theo quy định.

Cùng với được vay vốn để trả lương, doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xuống còn 0%. Và chính sách này sau 20 ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn tất.

Theo đó Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc giảm mức đóng bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375.000 doanh nghiệp, số tiền giảm đóng tạm tính khoảng 4.300 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh địa phương giảm mức đóng lớn nhất cả nước với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu lao động, tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Hà Nội có trên 87.000 doanh nghiệp, 1,4 triệu lao động, kinh phí hơn 640 tỷ đồng…

Không để “ngâm” hồ sơ hỗ trợ

Mặc dù đã hoàn tất chính sách giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động nhưng trong ngày 22/7, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 722/QĐ-BHXH về việc thành lập Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại dịch Covid-19 trong thực hiện Nghị quyết số 68 trong đó yêu cầu quy trình giải quyết hồ sơ tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định số 23; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần

Có thể thấy đến thời điểm hiện tại việc triển khai gói hỗ trợ đã được Bộ, ngành, địa phương vào cuộc tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều địa phương vẫn chưa ban hành được kế hoạch triển khai. Trước sự chậm trễ này từ các địa phương, mới đây Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã gửi công điện số 05 “đốc thúc” các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai ngay Quyết định số 23 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đặc thù của địa phương; chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương và chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn.

“Tình hình diễn biến dịch vô cùng phức tạp do đó các địa phương phải triển khai cần khẩn trương nhất, bảo đảm chính sách đến người lao động, người sử dụng lao động và người dân kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đánh giá nhân tố quyết định cho thành công Nghị quyết 68, ông Lê Duy Bình, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu, địa phương là yếu tố quan trọng, mang tính chất uyết định đối với tốc độ giải ngân của gói 26.000 tỷ đồng này.

Theo đó, cần gắn trách nhiệm và đánh giá kết quả thực hiện công việc cuối năm của các bộ ngành, của các địa phương, của người đứng đầu các đơn vị này vào kết quả của giải ngân mà phần vốn đã được giao. Chỉ khi làm như vậy thì các đơn vị được giao mới có nỗ lực cao nhất, có tinh thần trách nhiệm cao nhất để tìm ra biện pháp, cách thức sáng tạo để có thể mang được nguồn vốn này đến tay người lao động, doanh nghiệp đang rất cần nguồn hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương đưa chính sách đến người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO