Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9

N. Quốc - T. Tùng - Q.Khánh 30/10/2020 09:09

Bão số 9 đi qua gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Ngay khi bão tan, công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân đang được khẩn trương triển khai.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng tham gia san gạt hàng trăm m3 cát bị sóng biển đánh lên trục đường du lịch ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, Trường Sa. Ảnh Thanh Tùng.

Quảng Ngãi vẫn chưa cấp điện trở lại

Nằm trong vùng tâm bão đi qua nên Quảng Ngãi là một trong những địa phương được đánh giá là chịu nhiều thiệt hại nhất do bão số 9 gây ra. Theo thống kê sơ bộ, bão số 9 đã làm gần 1.000 ngôi nhà của người dân, trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn tỉnh bị tốc mái hư hỏng nặng gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi bị mất điện và hiện vẫn chưa có điện trở lại.

Ngay sau khi bão có dấu hiệu suy yếu, các lực lượng chức năng địa phương đã khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chia làm nhiều nhóm về các địa phương nắm tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục để mau chóng ổn định đời sống của người dân.

Nam Đông và A Lưới thiệt hại nặng nề

Tính đến ngày 29/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có 14 người bị thương trong lúc chằng chống nhà cửa và 1.259 nhà dân bị tốc mái, 5 nhà bị sập, gần 40 điểm trường học, trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hại; hệ thống giao thông, đường dân sinh, cầu cống bị sạt lở nhiều điểm ảnh hưởng đến đi lại và sản xuất của người dân. Trong đó, chịu thiệt hại nặng nề nhất là 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, theo thống kê ban đầu, trên địa huyện có hơn 400 nhà dân tốc mái, 5 nhà bị sập, 5 trường học và công sở đóng trên địa bàn huyện bị tốc mái và hư hại nặng. Hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng. Toàn huyện Nam Đông cũng có hơn 2.500 ha rừng trồng keo và khoảng hơn 1.500 ha cao su đang khai thác bị gãy đổ; gần 30 ha rau màu các loại; hơn 25 ha cây hàng năm; hơn 10 ha cây ăn quả bị bị thiệt hại

Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 9, triều cường, sóng lớn làm cho bờ biển Thừa Thiên-Huế tiếp tục bị xói lở nặng nề với chiều dài hơn 14km, tập trung ở các đoạn xung yếu thuộc huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Đáng chú ý, đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc tiếp tục bị xói lở dài hơn 4km sâu vào 7-10 m làm hư hại Tỉnh lộ 21 và một số nhà cửa, mất rừng phòng hộ, bờ biển bị xói lở, xâm thực.

Ngày 29/10, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn 20% người dùng bị mất điện. Trong đó, huyện A Lưới và huyện Nam Đông đang bị mất điện hoàn toàn.

Đà Nẵng đang dần trở lại bình thường

Bão số 9 đổ bộ vào TP Đà Nẵng đã làm cho nhiều nhà cửa tốc mái, nhiều công trình công cộng và dân sinh bị hư hại, cây xanh (trong đó có nhiều cây cổ thụ) ở hầu hết các tuyến đường bị ngã đổ, tuy nhiên cả TP chỉ có 1 trường hợp người dân (sinh sống tại quận Sơn Trà) bị thương nhẹ.

Sáng 29/10, Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiên sĩ cùng phương tiện chuyên dùng, san gạt lớp cát dày bị sóng biển hất lên trên chiều dài hơn 10 km đường Hoàng Sa và đường Võ Nguyên Giáp.

Về sự cố mất điện trên diện rộng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Điện lực Đà Nẵng phải khôi phục hệ thống điện chiếu sáng công cộng toàn TP trước 17h ngày 2/11; khắc phục sự cố điện bị hư hỏng, (ưu tiên các khu vực quan trọng) trong ngày 29/10.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến 16g ngày 29/10, sự cố về điện và dịch vụ viễn thông trên địa bàn Đà Nẵng đã cơ bản được khôi phục; các hoạt động kinh tế - xã hội, dân sinh trở lại bình thường.

14 ngư dân mất tích đã an toàn

Bão số 9 tuy không đổ bộ trực tiếp nhưng đã gây thiệt hại khá nặng nề cho tỉnh Bình Định. Hiện lãnh đạo tỉnh cùng chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng đang dồn mọi nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 9 tại một số địa phương; yêu cầu UBND các huyện, thị xã xuất kinh phí dự phòng để mua lương thực, mì tôm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị thương, nhà bị sập, tốc mái; tuyệt đối không để hộ gia đình nào bị đói, rét. Bên cạnh đó, kịp thời huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.

Công tác tìm kiếm, cứu nạn 2 tàu cá cùng 26 ngư dân mất tích vẫn tiếp tục được tăng cường, phối hợp từ nhiều mũi, với sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng. Lực lượng Kiểm ngư thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4 đã điều 2 tàu kiểm ngư lên đường tìm kiếm ngư dân mất tích. Hai tàu của lực lượng Hải quân cũng xuất phát lên đường cứu nạn cũng đã tiếp cận được khu vực 2 tàu cá gặp nạn.

Theo thông tin từ Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Vùng 4 Hải Quân, rạng sáng 29/10 đã tiếp được với tàu BĐ 98658TS và 14 ngư dân bị sự cố (trước đó tàu này tham gia tìm kiếm ngư dân của 2 tàu mất tích), sức khỏe thuyền viên trên tàu ổn định. Hiện tàu Kiểm ngư 467 lai dắt tàu cá 98658 TS và 11 thuyền viên về bờ. 3 thuyền viên khác tự nguyện sang tàu Kiểm ngư 473 hỗ trợ lực lượng chức năng.

Sáng 29/10, máy bay DHC-6 của lực lượng Hải quân đã tiếp tục thực hiện bay tìm kiếm. Theo Ban Tuyên huấn Vùng 4 Hải quân, nhiều phương tiện khác như máy bay trực thăng, thủy phi cơ, tàu hải quân... cũng đang túc trực tại Cam Ranh (Khánh Hòa) sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn. Hiện các đơn vị đã khoanh vùng các vị trí, khu vực ngư dân có thể trôi dạt để tập trung tiếp cận, tìm kiếm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO