Khẳng định vai trò từ những 'sản phẩm' cụ thể

Hải Nhi - Lê Minh  (thực hiện) 01/11/2018 08:30

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nam Tiến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế  trong cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề chuẩn bị Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Khẳng định vai trò  từ những 'sản phẩm' cụ thể

Ông Nguyễn Nam Tiến.

PV:Thưa ông, xin ông cho biết công tác chuẩn bị Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế cho tới thời điểm này?

Ông Nguyễn Nam Tiến: Với Thừa Thiên-Huế, kế hoạch Đại hội đã được ban hành và triển khai theo các Chỉ thị của Ban Bí thư, Ban Thường vụ, các Thông tri hướng dẫn, đề án kế hoạch của Mặt trận Trung ương. Nhìn chung đến thời điểm này, các bước trong công tác chỉ đạo Đại hội cơ bản đúng tiến độ. Với tổ chức Đại hội các cấp, theo kế hoạch hết quý I/2019 sẽ hoàn thành, đến hết tháng 12/1018 có 71 xã phường Đại hội xong. 81 đơn vị còn lại sẽ tổ chức Đại hội trong quý I/2019, cấp huyện khoảng tháng 4/2019 sẽ hoàn thành. Còn Đại hội cấp tỉnh sẽ diễn ra vào tháng 6/2019.

Được biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể góp phần ngày càng khẳng định vị trí và vai trò của Mặt trận trong đời sống chính trị - xã hội. Ông có thể cho biết một vài hoạt động tiêu biểu?

- Có thể nói, MTTQ tỉnh Thừa Thiên-Huế trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực hơn, có “sản phẩm” cụ thể hơn, có tính định lượng nhiều hơn, không còn chung chung như thời gian trước đây. Ví dụ, với Cuộc Vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã có sự phối hợp một cách trách nhiệm giữa các đoàn thể, hệ thống các tổ chức thành viên với chính quyền địa phương để vai trò của Mặt trận được thể hiện rõ hơn.

Có những công trình, phần việc do Mặt trận chủ trì, các đoàn thể phối hợp như làm điểm các đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, trật tự trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Đến nay cơ bản các nơi làm điểm đã hình thành, nhất là ở nông thôn đã có điện thắp sáng, đường làng vệ sinh, trồng cây xanh, hàng rào xanh... Thực tế đây là hình thức xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu do Mặt trận tổ chức vận động nhân dân làm.

Bên cạnh đó, công tác giám sát cũng có những hoạt động rất cụ thể. Chúng tôi có các cuộc giám sát, có kiến nghị sau giám sát, có giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát... những điều này thể hiện vai trò, vị trí của Mặt trận rất rõ ràng trong đời sống chính trị - xã hội chung của địa phương. Đáng chú ý, các hoạt động của Mặt trận ở địa bàn dân cư hiện nay bắt đầu có những chuyển động khá tích cực. Hiện Mặt trận tỉnh cũng đang làm đề án tổ chức hoạt động tự quản ở địa bàn dân cư với hơn 2.000 mô hình, loại hình hoạt động tự quản.

Thời gian qua, việc giải quyết bức xúc, điểm nóng ở cơ sở được Mặt trận tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai ra sao? Ông có thể đưa ra một vài kinh nghiệm?

- Thời gian qua, hệ thống tổ chức của Mặt trận từ tỉnh đến địa bàn dân cư được củng cố, cán bộ được tập huấn nâng cao khả năng vận động quần chúng tập hợp đoàn kết. Đặc biệt là việc giải quyết vấn đề phát sinh tại địa bàn dân cư đã được thực hiện khá tốt. Tình hình khiếu kiện, tập trung đông người, điểm nóng được giải quyết ngay tại địa bàn dân cư. Ví dụ, khi dân ở gần bãi rác Nam Phước bức xúc, lúc đầu người dân có một số biểu hiện như ra chặn xe, gây ách tách giao thông nhưng cho đến nay qua tuyên truyền, vận động từ phía Mặt trận, tinh thần tư tưởng của nhân dân dần thay đổi và có ý thức trách nhiệm khá tốt. Nhiều năm qua, khiếu kiện tập trung đông người từ cơ sở kéo lên tỉnh không có. Nhất là vào thời điểm tháng 6/2016 xảy ra vụ việc Formosa, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế hầu như không có khiếu kiện, chỉ có khiếu nại.

Cách giải quyết của chúng tôi, trước hết Mặt trận cấp xã phải chủ trì tập hợp các tổ chức thành viên, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống của mình thành các đoàn đi nắm tình hình ở từng xóm, từng thôn. Đặc biệt là việc giám sát và thống kê đối tượng do Mặt trận chịu trách nhiệm.

Muốn thực hiện tốt thì Trưởng ban Công tác Mặt trận rất quan trọng, vì chính họ là người gần dân. Cho nên đối tượng được thống kê ở Thừa Thiên - Huế hầu như không có sai sót Cùng với đó, khi tiến hành chi trả tiền bồi thường cho dân, Mặt trận cũng giám sát việc chi trả.

Đến đầu năm 2018, tỉnh hoàn tất việc chi trả các đối tượng phát sinh. Công tác tuyên truyền được thực hiện từ địa bàn dân cư trở lên, như vậy mới tạo được sự đồng thuận của người dân.

Thưa ông, hiện nay, câu chuyện đang được xã hội đặc biệt quan tâm là tỉnh Thừa Thiên - Huế lập đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế”. Trong đó, giai đoạn 1 (2019-2021) dự kiến di dời 2.938 hộ với gần 11.000 nhân khẩu. Vậy vai trò của Mặt trận được thể hiện như thế nào trong đề án này?

- Đây là câu chuyện rất lớn và phải có sự đồng ý của Chính phủ. Chúng tôi đang làm bước tuyên truyền rất tích cực để chia sẻ với nhân dân về chủ trương, trách nhiệm của nhà nước đối với người dân từ đó người dân thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình là gì.

Tỉnh đã quy hoạch 73ha đất để di dời, bước đầu là 2.938 hộ, phần lớn đối tượng là những người có hoàn cảnh khó khăn. Cho nên khi chúng tôi xuống với dân để tuyên truyền về các chủ trương chính sách là nói rất cụ thể như: Hỗ trợ tiền di dời, cấp đất, lo sinh kế... trong đó, đối tượng đặc biệt sẽ được hỗ trợ thêm tiền để xây dựng nhà ở. Qua tiếp xúc với nhân dân, có thể nói, dư luận chung đang tích cực ủng hộ chủ trương này.

Về phía Mặt trận đã có chỉ đạo đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó Mặt trận tỉnh và Mặt trận thành phố phải góp sức trong việc xây nhà Đại đoàn kết.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẳng định vai trò từ những 'sản phẩm' cụ thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO