Khát vọng thịnh vượng

H.VŨ 01/02/2022 08:00

Nhân dịp đầu Xuân mới, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết về các yếu tố để biến khát vọng thành thịnh vượng.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

PV:Thưa ông, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra những mục tiêu, kỳ vọng về phát triển đất nước gắn với các mốc năm 2030 (100 năm thành lập Đảng), và năm 2045 (100 năm thành lập Nước). Ông cảm nhận như thế nào về khát vọng thịnh vượng của đất nước?

Ông Trần Văn Lâm: Đại hội XIII đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chúng ta đặt ra mục tiêu này trong bối cảnh hiện nay là phù hợp. Đến nay chúng ta đã có đầy đủ các điều kiện, tiềm lực để thoát khỏi bẫy “thu nhập trung bình”, trở thành nước công nghiệp hóa phát triển theo hướng hiện đại. Nền tảng cơ cở vật chất đến giai đoạn này đã được nâng cấp. Nền tảng chính trị đã từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ này. Nhân lực không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng phát triển nâng cao. Các yếu tố để thực hiện mục tiêu khát vọng kể trên là khả thi.

Trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ông nhận thấy chúng ta triển khai để thực hiện khát vọng này như thế nào?

- Sau Đại hội XIII, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ để thực hiện khát vọng phồn vinh của đất nước. Như Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Quốc hội đã sửa đổi nhiều luật cho phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế để “cởi trói”, tạo tiền đề phát triển đất nước. Những cái đó dựa trên nền tảng chúng ta tạo dựng được trong suốt thời gian qua; xây dựng một hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất, vững mạnh; triển khai các đường lối nghị quyết của Đảng một cách thông suốt. Từ chủ trương của Đảng, các cơ quan lập pháp, hành pháp theo chức năng nhiệm vụ của mình đã tiến hành triển khai thực hiện nhiệm vụ, triển khai thực hiện Nghị quyết. Bởi chủ trương đường lối muốn đi vào thực tiễn phải trở thành luật pháp. Cho nên Quốc hội đã ngay lập tức vào cuộc để xây dựng hệ thống luật pháp theo định hướng XHCN. Còn Chính phủ là cơ quan thừa hành luật pháp đã tham gia vào quá trình khởi thảo xây dựng luật pháp. Và sau này Chính phủ cũng chính là cơ quan tổ chức triển khai thực hiện và điều hành. Khi Chính phủ triển khai, thì Quốc hội và cả hệ thống chính trị lại tham gia giám sát, hỗ trợ tổ chức triển khai luật pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Đó chính là quá trình cụ thể hóa mục tiêu, định hướng chiến lược mà Đảng đã vạch ra để chúng ta đi tới đích.

Ông Trần Văn Lâm.

Năm 2022 là năm vượt khó, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ông đánh giá thế nào về những triển vọng của năm 2022?

- Trong vấn đề phát triển hạ tầng, chúng ta đã có chiến lược xây dựng các dự án trọng điểm tạo sự lan tỏa. Ví như sân bay Long Thành; đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các đường vành đai. Đây là quá trình tịnh tiến vì vấn đề hạ tầng không thể một lúc mà hoàn thiện ngay được, nó phải từng bước. Ngay vấn đề thể chế cũng vậy, phải đi theo từng bước phát triển của đất nước. Mỗi giai đoạn đều có sự phát triển khác nhau, trình độ kinh tế, trình độ quản lý khác nhau, trình độ cán bộ, trình độ dân trí khác nhau thì phải có hệ thống thể chế luật pháp từng bước phát triển theo tiệm cận đó...

Tất cả các yếu tố để phát triển đất nước phải có mối quan hệ hỗ trợ, gắn bó hữu cơ với nhau, từng bước đi lên chứ không thể chú trọng một cái nào vượt hẳn lên, hoặc để cái nào yếu quá lại không được. Phải đồng bộ từng bước. Quá trình hội nhập cũng là để chúng ta tiếp cận với các nguồn lực, các điều kiện bên ngoài. Đến nay ba đột phá chiến lược chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu, tạo tiền đề cho quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển.

Là người trưởng thành từ cơ sở, cá nhân ông thấy đâu đang là “nút thắt”, rào cản trong quá trình phát triển đi lên của đất nước?

- Rào cản lớn nhất của chúng ta hiện nay nằm ở hai yếu tố. Thứ nhất là thể chế, thứ hai là nguồn nhân lực quản lý. Dù đã từng bước được nâng lên nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì chúng ta chưa xây dựng được một nền thể chế tối ưu, vẫn bị chậm hơn so với đòi hỏi của nhu cầu thực tiễn.

Tiếp đến là con người thực thi trong hệ thống chính trị. Vì thế Đảng đang tập trung quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để loại bỏ những con người tư lợi, không có trách nhiệm trong hệ thống.

Để đất nước phát triển nhanh, bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung cho đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào những lĩnh vực phát triển nhanh như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây sẽ là “chìa khóa” cho chúng ta, thưa ông?

- Đây là những vấn đề đã nằm trong chủ trương đường lối của Đảng. Khoa học công nghệ là đột phá. Muốn phát triển nhanh cần “đi tắt đón đầu” và muốn đột phá thì phải trông vào khoa học công nghệ và giáo dục. Đảng đã xác định khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Do đó để phát triển nhanh, chúng ta phải ưu tiên đầu tư, đi trước một bước so với trình độ phát triển của nền kinh tế.

Nghị quyết của Đảng cũng xác định “ưu tiên đi trước một bước”. Đây chính là cho phép chúng ta đột phá, “đi tắt đón đầu” để đi kịp với xu thế phát triển của thế giới. Hiện cuộc cách mạng không phải là cơ khí hóa, tự động hóa mà là cuộc cách mạng về số hóa, cách mạng xanh, thân thiện với môi trường chính là kinh tế tuần hoàn để phát triển nhưng đi đôi với bảo vệ môi trường. Đó là phát triển bền vững.

Tăng trưởng là kinh tế đi lên, nhưng nếu phá vỡ môi trường, lạm dụng tài nguyên sẽ để lại hậu quả to lớn. Do đó mục tiêu của Đảng là phát triển chứ không phải đơn thuần là tăng trưởng nữa. Kinh tế đi với xã hội chứ không phải kinh tế tăng trưởng mà xã hội suy đồi về văn hóa, mất an ninh trật tự.

Tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển để giải quyết các vấn đề xã hội. Bởi ba yếu tố: Kinh tế - xã hội - môi trường là trụ cột của phát triển. Môi trường được bảo vệ thì cuộc sống xã hội mới bền vững. Phát triển nhưng phải bảo vệ được các thành quả phát triển, đó mới là phát triển bền vững và con người mới được thụ hưởng. Hiện xu thế của thế giới đặt trọng tâm phát triển gắn với bảo vệ môi trường chính là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo. Đó là xu thế của thế giới và chúng ta muốn “đi tắt đón đầu” bây giờ cần đi vào vấn đề khoa học công nghệ. Đó là đi vào công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn. Chứ phát triển các ngành công nghiệp sử dụng khí công nghệ nhiên liệu hóa thạch, tàn phá môi trường thì đến lúc tạo ra được giá trị tăng trưởng thì tiền đó cũng không đủ bù đắp phục hồi môi trường. Như thế là tăng trưởng chứ không phải phát triển. Phát triển là nâng lên đồng đều cả ba yếu tố như tôi nói ở trên. Bên cạnh đó đi vào số hóa, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khát vọng thịnh vượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO