Khi âm nhạc chiều tai nghe khán giả

An Vũ (thực hiện) 25/02/2023 08:00

Âm nhạc có tác dụng gây cảm giác trực tiếp đến người nghe suy nghĩ tích cực hay tiêu cực. Điều gì xảy ra khi trong thời gian này, âm nhạc đang chạy theo chiều chuộng tai nghe khán giả? Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã trò chuyện với nhà văn Hoàng Anh Tú, tác giả của nhiều đầu sách “ăn khách”, chuyên gia tư vấn tâm lý và là tác giả vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhà văn Hoàng Anh Tú.

PV: Âm nhạc ảnh hưởng đến giới trẻ ra sao, thưa anh?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Giới trẻ hiện nay khác chúng ta ở việc chúng là thế hệ nghe nhìn nên những hình ảnh tác động đến chúng nhiều khi mạnh hơn ca từ hay âm nhạc. Đó là lý do mà nhiều đứa trẻ thích các ban nhạc Hàn Quốc dù chẳng hiểu họ hát cái gì, không như thời chúng ta, dịch từng ca khúc tiếng Anh ra tiếng Việt để hiểu ca sĩ họ đang hát gì. Với lũ trẻ gen Z ngày nay, hình ảnh bắt mắt có tác động mạnh hơn cả âm nhạc. Đó là lý do mà các ca sĩ luôn phải ra MV đầu tiên để thu hút thay vì hát bài đó trên sóng phát thanh hoặc ra CD, MP3... như trước đây. Tất cả những bản hit được giới trẻ gen Z yêu thích đều là bởi những MV bắt mắt.

Chia sẻ suy nghĩ của anh về những ca khúc “oán giận, buồn thảm, thất tình” hoặc ăn chơi đua đòi... đang xuất hiện ngày càng nhiều?

- Nếu chúng ta nhớ lại hồi chúng ta 15,16 tuổi, luôn tò mò và quan tâm đến sự quằn quại, cô đơn, thất tình. Khi mà lũ trẻ mới lớn chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống, chúng sẽ nương nhờ trải nghiệm của người khác. Có câu: Tuổi 16 tập làm thơ là thế. Không chỉ giới trẻ Việt Nam đâu và cũng không phải là giới trẻ bây giờ đâu. Xem phim teen của Mỹ chúng ta cũng thấy vậy, đứa trẻ nào cũng “ông cụ non”, quan tâm đến những thứ khác với những thứ tươi đẹp mà cha mẹ hướng cho chúng.

Như 100 đứa trẻ tuổi teen thì có đến 70 đứa thích áo đen cho ngầu. Là cái tuổi bắt đầu học làm người lớn nên chúng quan tâm nhiều đến những thứ khác với thứ chúng được học ở trường. Đó còn chưa kể tâm lý nổi loạn, muốn khẳng định bản thân, thuở “xước măng rô cũng hóa trọng thương buồn”, một hờn giận nhỏ của người ta thầm mến thích cũng thành đất trời đổ sụp. Những ca khúc càng quằn quại càng khiến chúng nghêu ngao vì chúng thấy phiên bản khác của chúng. Tâm lý thất thường của tuổi teen nên càng nhiều cảm xúc khác nhau, mới lạ đều khiến chúng quan tâm. Đó cũng là lý do chúng đua xe để tìm cảm giác mới lạ.

“Đêm nhạc trên mây” tại Đà Lạt thu hút nhiều khán giả trẻ. Nguồn: VH.

Lựa chọn thưởng thức âm nhạc là quyết định từ nhận thức mỗi cá nhân, nhưng làm cha mẹ, chúng ta cần giáo dục con như thế nào?

- Ngày xưa, khi tôi còn làm báo Hoa Học Trò, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Hoa Học Trò toàn vẽ lên một cuộc sống màu hồng? Làm vậy liệu lũ trẻ có bị lạc quan tếu, mơ mộng, xa rời thực tế? Sau này lớn lên khi đối mặt với những sự thực nghiệt ngã, chúng có đổ sụp?

Nhiều người muốn Hoa Học Trò phải có thêm nhiều bài học cảnh giác, đưa tin về ma túy, cờ bạc thậm chí mại dâm hút chích để lũ trẻ sợ mà tránh, biết mà phòng. Nhưng chúng tôi không làm vậy. Bởi thứ mà chúng ta cần trang bị cho lũ trẻ không phải là những bài học cảnh giác mà phải là một tâm thế tích cực.

Những nghiên cứu khoa học về tâm lý cho thấy những đứa trẻ thành công lại là những đứa trẻ có tuổi thơ tích cực chứ không phải ngay từ bé đã nhìn cuộc đời u ám, nghi ngờ hay chỉ thấy toàn tệ nạn. Chúng ta cần xây dựng một đời sống tinh thần tích cực để mỗi đứa trẻ đều “có 1 số vốn” để vượt qua những cú sốc đầu đời. Chỉ khi đứa trẻ cảm nhận cuộc sống tươi đẹp, nhiều hy vọng thì chúng mới trưởng thành bớt đớn đau, không bị suy sụp, mất hết sạch lòng tin. Người mạnh mẽ vốn không phải là người đã trải qua nhiều đau đớn mà lại chính là những người yêu thương cuộc sống và được yêu thương, có nhiều hy vọng trong họ. Đó cũng là cách mà tôi đang dạy 3 đứa nhỏ nhà mình.

Anh thích thưởng thức âm nhạc thể loại gì? Vì sao?

- Mỗi độ tuổi tôi lại có những lựa chọn âm nhạc riêng của mình. Như hồi tuổi 15,16 tôi cũng nghe nhạc vàng, bolero vì thời đó không nhiều lựa chọn, nghe theo cha mẹ. Khi đã có thể lựa chọn thể loại âm nhạc cho riêng mình, tôi đã theo trào lưu mà nghe Rock, nghe những ca khúc của Trịnh Công Sơn, của Phú Quang, Thanh Tùng.

Lớn hơn, tôi dùng âm nhạc cho cảm xúc của mình khi đó. Và bây giờ, như mọi trung niên 7X, tôi nghe nhạc bằng ký ức. Nhưng ở thời nào cũng vậy, âm nhạc không bao giờ được cơ hội khiến tâm trạng tôi xấu đi. Điều này cũng là do tôi tự nhận thức sau nhiều trải nghiệm trong đời. Tôi không phải là nhà nghiên cứu âm nhạc nên tôi sẽ lựa chọn thứ mình thích nghe chứ không lựa chọn thứ âm nhạc phản ánh thực tế cuộc sống. Muốn tìm hiểu cuộc sống, tôi sẽ chọn báo chí thời sự hoặc văn học.

Lựa chọn thưởng thức âm nhạc hướng về sự tích cực, nên cuộc sống của anh cũng luôn tích cực và vui?

- Tôi vẫn tin rằng âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp tôi luôn tích cực và vui vẻ. Tôi không sầu bi vật vã, dù có thể đã từng rơi vào những khoảng thời gian thất tình hồi trẻ, cái thời mà nhiều người tìm đến âm nhạc để chữa lành thì tôi lại tránh né. Bởi tôi biết mình có thể chịu đựng được điều gì và không thể chịu đựng được điều gì. Tôi sợ những thứ âm nhạc khiến tôi u uất thêm. Kiểu đang thất tình mà nói chuyện với một kẻ thất bại sẽ càng khiến tôi sụp đổ hơn, không còn gượng dậy được nữa.

Trân trọng cảm ơn anh!

“Nhiều người cho rằng nhạc là nhạc, cuộc sống là cuộc sống, mà quên rằng nhiều đứa trẻ quyết định hút thuốc, nổi loạn, đập phá sau khi cảm xúc tiêu cực trong chúng bị gia tăng bởi âm nhạc. Khi nghe một bản nhạc vui, chúng ta cũng nhún nhảy đó sao? Vậy nên điều đó cũng sẽ xảy ra với những bản nhạc u ám” - nhà văn Hoàng Anh Tú phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi âm nhạc chiều tai nghe khán giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO