Khí chất của Hồ Phình

Thanh Hà 25/06/2023 09:02

Hồ Phình là một trong những người Mã Liềng đầu tiên vào Đảng, cũng là người mạnh dạn đứng ra vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo...

Ông Hồ Phình bên đàn bò của mình.

Tiên phong làm kinh tế

Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi có dịp lên bản Kè (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), nơi sinh sống của đồng bào Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt). Đường lên bản Kè nay đã được bê tông, phương tiện đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Bản Kè ngày nay đã khởi sắc nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tuy nhiên đời sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

“Hỏi nhà ông Phình phải không? Đi thẳng một đoạn khoảng 300m có ngôi nhà sàn dưới tán cây là nhà của ông Phình đó” - một người dân cho biết.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi cũng tìm được nhà của ông Hồ Phình (47 tuổi, trú tại bản Kè, xã Lâm Hóa). Trong ngôi nhà sàn đơn sơ dựng bằng gỗ, ông Phình tâm sự: “Tôi cưới vợ từ năm 16 tuổi, 2 vợ chồng có với nhau 4 mặt con. Cả gia đình có 6 người nhưng chỉ có 2 sào đất trồng hoa màu và 1 sào đất trồng lúa. Cây trồng nông nghiệp bên rìa sông, không có phân bón nên sản lượng thấp, nhiều năm còn mất mùa. Hai vợ chồng phải vào rừng tìm kiếm măng, đào củ để sống và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Trước đây, gia đình ông Hồ Phình là một trong những hộ nghèo của xã Lâm Hóa. Trong suy nghĩ, ông Phình luôn trăn trở tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế ở nhiều địa phương khác có địa hình và thổ nhưỡng tương tự với bản Kè để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của gia đình.

Nghĩ là làm, năm 2020, tích góp được 30 triệu đồng, ông đã vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 8 con bò, 4 con lợn, nuôi 10 đàn ong lấy mật và cây giống để trồng rừng.

“Sau 3 năm, đàn bò của gia đình đã phát triển thành 13 con, đàn lợn đã bán và tái đầu tư 5 con khác, diện tích 5ha rừng trồng keo tràm phát triển thuận lợi. Gia đình tôi còn trồng thêm lạc, ngô ở vùng đất rẫy khai hoang ở bãi bồi ven sông, suối. Vụ mùa năm 2023, đất bãi bồi ven sông mấy gia đình ra canh tác trồng lạc, trong đó gia đình tôi trồng nhiều nhất. Lạc trồng được đất phù sa màu mỡ của sông bồi đắp hằng năng suất rất cao” - ông Phình cho biết.

Từ trồng hoa màu và lúa, gia đình ông Hồ Phình có đủ lương thực để ăn và chăn nuôi gia cầm, cuộc sống gia đình được cải thiện rõ rệt. Vào năm 2022, cuộc sống khá hơn, ông Phình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để nhường nguồn hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn.

“Viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo là cách để tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn của gia đình. Tôi vẫn luôn tâm sự với vợ rằng: thấy trên tivi, nhiều gia đình, nhiều địa phương có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, mình ra khỏi hộ nghèo để nhường suất đó cho những gia đình khó khăn hơn” - ông Phình chia sẻ.

Nhắc đến ông Hồ Phình, bà con tại bản Kè luôn nhớ đến một người cán bộ năng nổ, hoạt bát với nụ cười rất hiền. Người bản Kè cũng nhớ đến Phó Bí thư Chi bộ bản với một câu nói mà ông đã viết trong lá đơn xin vào Đảng: “Tôi Hồ Phình, xin làm hết mình”.

Người đảng viên gương mẫu

Ở bản Kè, ông Hồ Phình là một trong những người Mã Liềng đầu tiên được kết nạp vào Đảng. Là một đảng viên, ông luôn gương mẫu, hết mình vì công việc, tích cực hướng dẫn bà con dân bản làm kinh tế, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để bà con dân bản hiểu và tin tưởng, đảng viên Hồ Phình phải làm trước, phải thoát nghèo trước, nói đi đôi với làm.

“Tôi vào Đảng cũng gần 20 năm rồi. Đó là vinh dự và trách nhiệm cao cả nên tôi luôn cố gắng làm ăn, làm gương để bà con noi theo. Giờ cuộc sống của tôi khá giả rồi, nên viết đơn xin thoát nghèo thôi”- ông Hồ Phình vui vẻ nói.

Đã từ lâu, người dân bản Kè theo tập quán mưu sinh dựa vào rừng, nên việc khai thác gỗ rừng đã thành nguồn thu nhập chính của họ. Từ bỏ thói quen và nguồn mưu sinh của dân bản là một việc rất khó, không thể thay đổi suy nghĩ và cách làm của người dân chỉ dựa vào ngày một ngày hai, mà phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của chính những người dân trong bản.

Để làm được điều đó, ông Hồ Phình đã tích cực tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân lợi ích của việc bảo vệ rừng, ai phá rừng, bản sẽ báo kiểm lâm, công an và xử lý nghiêm theo quy định. Từ đó, người dân bản nghe theo, không còn khai thác gỗ, rừng cộng đồng của bản cũng được bảo vệ tốt.

Được sự tín nhiệm của người dân, ông Hồ Phình được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ bản Kè. Trên cương vị mới, ông Phình luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm cách giúp người dân bản Kè ngày càng phát triển, đổi thay từng ngày, bà con dân bản ấm no hạnh phúc hơn. Ông cùng các đảng viên tại bản Kè luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Gia đình ông được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã 5 năm liền. Năm 2022, ông là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khi những tia nắng tắt vội nhường chỗ cho hoàng hôn buông xuống, những ngôi nhà bắt đầu lên đèn cũng là lúc chúng tôi rời bản Kè. Giờ đây, bản Kè đã khoác lên mình một bộ áo mới với điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, đời sống của người dân ngày càng khởi sắc hơn.

Xóa bỏ các hủ tục

Xã Lâm Hóa có hơn 150 hộ với khoảng 650 nhân khẩu là người Mã Liềng. Nhờ sự trợ giúp từ các chương trình, dự án, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Mã Liềng đang từng bước đổi thay. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại.

Năm 1992, ông Phình lấy vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn, con gái đầu lòng sinh ra chưa làm được giấy khai sinh. Bởi vậy, từ chính bản thân mình, ông đã biết về các quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân gia đình và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền cho người dân được hiểu.

Nhiều người dân bản Kè quan niệm khi bị đau, ốm là do ma, quỷ nhập vào người làm tội, quấy phá. Những người đi rừng bị đau là do cơ thể yếu nên bị ma rừng nhập vào rồi bị đau ốm. Ở nhà đau thì do ma xó, ma nhà nhập vào. Để đuổi ma, người dân phải giết gà, mổ lợn bày biện làm lễ rồi mời thầy mo về cúng. Nhiều trường hợp bệnh tình không thuyên giảm mà còn bị nặng thêm.

Một lần, vợ ông Hồ Phình là bà Cao Thị Thìu (51 tuổi) bị đau ốm, ông đã mời thầy mo về cúng 2 ngày nhưng tình trạng của bà không khá hơn.

Sau đó, ông phải nhờ người thân chở đi trạm xá rồi đưa xuống Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa điều trị. “Tại đây, các bác sĩ khám và kết luận vợ tôi bị u tuyến giáp ở cổ và phải chuyển viện lên tuyến trên. Khi đưa vợ vào Bệnh viện trung ương Huế để điều trị và mổ, lo lắng vì không biết xoay ở đâu ra tiền để lo chi phí thuốc thang và tiền ăn, ở nên tôi đã gọi điện thoại về nhà, nhờ người thân bán đi 2 con bò cái để lấy tiền gửi vào Huế. Gần 20 ngày chữa trị, vợ tôi cũng được ra viện và hiện đã khỏi bệnh. Giờ ngồi nhớ lại, nếu nghe lời thầy mo, thì vợ tôi không biết sẽ ra sao” - ông Phình nhớ lại.

“Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân Mã Liềng ngày càng được nâng cao lên cả về vật chất và tinh thần. Các hủ tục lạc hậu vì thế cũng dần được bãi bỏ, không còn nặng nề như trước” - ông Phình cho hay.

Ông Cao Văn Nam - Bí thư Chi bộ bản Kè cho biết, ông Hồ Phình là một người tiên phong trong phát triển kinh tế. Từ một hộ nghèo, bằng nghị lực của mình ông Phình đã vươn lên và viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Ông chính là tấm gương mà mọi người dân trong bản Kè luôn học hỏi và noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khí chất của Hồ Phình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO