Khi EVFTA chính thức có hiệu lực

Bắc Phong 31/07/2020 10:00

Chiều 29/7, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với bà Ursula von der Leyen- Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), trao đổi về triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và quan hệ hợp tác Việt Nam - EU (Liên minh châu Âu). Cuộc điện đàm của Thủ tướng với bà Chủ tịch EC vào thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và cũng là dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam - EU thiết lập quan hệ ngoại giao (1990-2020).

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là sự kỳ vọng của cả hai bên.

Trước đó, với nhiều thời gian đàm phán, Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đã đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của EU trong ASEAN và là một trong những nước châu Á -Thái Bình Dương mà EU có quan hệ sâu rộng nhất cả về chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, môi trường, năng lượng bền vững và an ninh quốc phòng.

Tới nay, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4, thị trường xuất khẩu thứ 2 và là nhà đầu tư thứ 5 của Việt Nam. Trên nền tảng đó, EVFTA được coi là cơ hội vàng giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển.

Thời điểm EVFTA chính thức có hiệu lực (ngày 1/8) cũng rơi vào thời điểm hết sức đặc biệt khi mà cả Việt Nam và EU cũng như toàn thế giới đang phải áp dụng nhiều biện pháp hạn chế xã hội để ứng phó với đại dịch Covid-19. Trên thực tế, cả hai bên đều gặp khó khăn rất lớn khi mà sản xuất, đầu tư, đặc biệt là việc xuất nhập khẩu hàng hóa cùng suy giảm. Bằng rất nhiều nỗ lực và các biện pháp quyết liệt, Việt Nam đã trải qua 99 ngày không có ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến ngày 25/7 đã xuất hiện ca lây nhiễm đầu tiên, và sau đó xuất hiện thêm những ca lây nhiễm mới.

Kể từ đó, cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam bước vào thời kỳ mới, đầy gian nan với những phức tạp mới. Trong khi đó, nhiều quốc gia EU vẫn đang phải vật lộn với virus corona chủng mới. Vì thế, cũng không thể tránh khỏi suy giảm kinh tế, dẫn tới giao thương khó khăn.

Vì vậy, khi EVFTA chính thức có hiệu lực thì cũng là lúc cả hai bên đều phải nỗ lực hết sức mình để vừa chống chọi Covid-19 vừa tìm cách phát triển kinh tế. Nói một cách hình ảnh thì xa lộ đã rộng mở nhưng những chuyến xe chưa thể tăng tốc.

Từ lâu, EU đã là bạn hàng lớn, uy tín của Việt Nam. Hàng hóa hai bên thâm nhập thị trường của nhau được người tiêu dùng cả hai bên chấp nhận, ủng hộ và tin tưởng. Tới nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt ở thị trường gần 500 triệu dân EU. Trong đó nhiều mặt hàng đã quen thuộc với người tiêu dùng châu Âu, trong đó có các sản phẩm may mặc, da giày, trái cây, gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su. Nhưng, theo nhận xét của giới chuyên gia thì hàng hóa của Việt nam hoàn toàn có thể xâm nhập vào EU nhiều hơn rất nhiều, nếu như chúng ta có tâm thế tốt, chuẩn bị căn cơ, kỹ lưỡng.

Có ý kiến cho rằng dường như doanh nghiệp Việt vẫn chưa mặn mà để đi trên “đường cao tốc nối liền Việt Nam với EU”. Ý kiến đó không phải không có căn cứ. Nói như một lãnh đạo của Bộ Công thương thì có tới 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết gì về các thông tin cơ bản trong Hiệp định này. Một cách khác, theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương thì “sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định (EVFTA) là tương đối ít”.

Phải chăng do doanh nghiệp Việt Nam “choáng” trước một thị trường lớn và khó tính như EU? Về điểm này, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn cao tại châu Âu.

Những điều đó có thể đã tồn tại, nhưng nay cần phải thay đổi. Cần phải chuẩn bị tâm thế mới, vững vàng, tự tin và chủ động khi thâm nhập vào EU cũng như vào các thị trường khó tính khác. Thực tế cho thấy, chỉ riêng với mặt hàng trái cây, khi vào thị trường cực khắt khe là Nhật Bản thì xoài, vải thiều… của Việt Nam đã rất được ưa chuộng. Hay là với thị trường Hoa Kỳ, cá tra, tôm của Việt Nam đã gây dựng được thương hiệu một cách vững vàng.

Nhìn chung, với bất cứ hiệp định thương mại tự do nào dù được cho là có lợi cho Việt Nam nhất thì mấu chốt vẫn là chất lượng hàng hóa. Chúng ta từng nói nhiều và chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ “made in Vietnam”, thì nay điều đó càng phải được củng cố. Đại dịch Covid-19 làm nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội ngưng trệ, thì cũng phải là lúc nghiền ngẫm kỹ lưỡng hơn con đường phía trước. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp của Việt Nam ở bậc 101/140 của thế giới. Điều đó cho thấy độ sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý với quá trình hội nhập vẫn còn thấp.

Đó là vấn đề rất cần phải khắc phục khi mà EVFTA đã chính thức có hiệu lực, đặc biệt phải là tâm thế chủ động khi mà đại dịch Covid-19 đi qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi EVFTA chính thức có hiệu lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO