Khi kiểm lâm bị hành hung

Lê Anh Đức 28/04/2020 08:00

Mới đây, một nhóm người đã ngang nhiên cầm dao xông vào Trạm Kiểm lâm Cù Đinh (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) hành hung khiến kiểm lâm viên Mạc Quý Hùng phải nhập viện. Đây không phải lần đầu tiên kiểm lâm viên bị các đối tượng lâm tặc tấn công. Song, việc vác dao xông vào tận trạm kiểm lâm để gây thương tích cho người thi hành công vụ thì có lẽ là không nhiều. Điều đó cho thấy nhóm người này lộng hành, coi thường pháp luật. Và khi kiểm lâm bị hành hung, không được bảo vệ thì rừng vẫn còn bị bị tàn phá.

Khi kiểm lâm bị hành hung

Nhiều cánh rừng bị tàn phá.

Trước đó, Tổ tuần tra của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai tiến hành kiểm tra rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 119 (ấp 4, xã Hiếu Liêm), phát hiện một xe máy vô chủ trong rừng, nên đã bàn giao cho Trạm Kiểm lâm Cù Đinh bảo quản chờ xử lý. Sau đó có hai người đàn ông đến xin nhận lại xe máy, lực lượng kiểm lâm yêu cầu họ chứng minh là chủ nhân của chiếc xe, nhưng cả hai không thực hiện mà bỏ đi. Vài ngày sau, 16 người vác dao xông vào Trạm Kiểm lâm Cù Đinh hành hung khiến anh Hùng bị thương phải đưa vào viện cấp cứu.

Chưa thể xác định chiếc xe máy là của ai, song dù cho nó đúng là của nhóm người nói trên thì họ cũng cần phải chứng minh để Trạm Kiểm lâm Cù Đinh có căn cứ mà trả. Vậy nhưng thay vì chứng minh nhân thân và nguồn gốc chiếc xe thì nhóm người này lại chọn cách hành hung nhân viên kiểm lâm, cố ý gây thương tích. Qua đó có thể thấy bên cạnh sự hung hăng, lộng hành của nhóm người coi thường kỷ cương phép nước, còn phải nói đến sự yếu thế của lực lượng kiểm lâm khi không thể tự bảo vệ mình.

Đã có biết bao trường hợp kiểm lâm viên sau khi bắt giữ gỗ lậu đã bị lâm tặc hành hung một cách dã man, thậm chí tước đi mạng sống. Cách đây chưa lâu, hồi đầu tháng 2/2020, hai kiểm lâm viên (thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk) trong khi bắt giữ những người khai thác gỗ lậu đã bị các đối tượng lâm tặc dùng dao và gậy hành hung gây thương tích. Hay như cuối năm 2019, một kiểm lâm viên của Hạt Kiểm lâm thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cũng đã phải vào viện cấp cứu vì bị lâm tặc tấn công khi bị truy đuổi.

Cũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Công an huyện Tuyên Hóa đã khởi tố Phạm Xuân Ngư vì có hành vi ngông cuồng lái xe ô tô xông vào trụ sở kiểm lâm hành hung Hạt trưởng kiểm lâm Nguyễn Thế Sơn. Trước đó, Ngư cũng đã có hành vi cầm hung khí xông vào Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình). Tuy nhiên, sau đó Ngư chỉ bị phạt hành chính hơn 8 triệu đồng nên không biết sợ, tiếp tục có hành vi xông vào Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa để hành hung.

Đỉnh điểm của việc lộng hành, coi thường pháp luật là các đối tượng lâm tặc đã dùng súng chống trả và bắn chết các cán bộ kiểm lâm. Còn nhớ, vào cuối năm 2016, các cán bộ kiểm lâm (ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã bị các đối tượng lâm tặc dùng súng hoa cải bắn, khiến 3 kiểm lâm viên thiệt mạng. Cùng thời điểm, một kiểm lâm viên ở huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) bị lâm tặc đánh dập lá lách phải nhập viện cấp cứu, may mắn sau đó anh này đã qua khỏi.

Trên địa bàn cả nước liên tục có những kiểm lâm viên bị lâm tặc hành hung gây thương tích, thậm chí bị tàn phế hoặc tử vong. Cơ quan công an cũng đã khởi tố nhiều đối tượng có liên quan đến các vụ hành hung kiểm lâm, song có vẻ như việc xử phạt chưa khiến cho lâm tặc biết sợ mà chùn bước. Dư luận cho rằng, mức chế tài đối với lâm tặc còn quá nhẹ, trong khi lợi nhuận thu về từ hành vi khai thác gỗ lậu rất lớn, nên có nhiều kẻ bất chấp pháp luật, ngông nghênh coi thường kỷ cương phép nước.

Bên cạnh đó, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thực trạng trên là các cán bộ kiểm lâm đang không thể tự bảo vệ mình trước những đối tượng khai thác gỗ lậu hết sức hung hãn. Theo quy định, kiểm lâm viên cũng được trang bị súng trong quá trình thi hành nhiệm vụ bảo vệ rừng. Song, việc sử dụng súng có những quy định khắt khe ràng buộc khiến các kiểm lâm viên không dám sử dụng. Không sử dụng súng có khi chỉ bị lâm tặc đánh gây thương tích. Nếu dùng súng không cẩn thận lại bị kết tội sử dụng vượt quá tình huống cho phép dẫn đến mất hết sự nghiệp, phải ngồi tù.

Điều đó giải thích vì sao dù mang súng bên người mà nhiều kiểm lâm viên vẫn bị lâm tặc hành hung một cách dã man phải nhập viện, hoặc bỏ mạng. Tại một số kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu cũng đã lên tiếng về việc phải có biện pháp nào đó hữu hiệu để bảo vệ cán bộ kiểm lâm. Song, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có bất cứ giải pháp nào khả dĩ có thể chặn đứng được nạn bạo hành của các đối tượng lâm tặc với kiểm lâm viên. Do vậy, thỉnh thoảng ở đâu đó trên khắp cả nước vẫn có những cán bộ kiểm lâm bị hành hung gây thương tích hoặc tước đi mạng sống.

Khi và chỉ khi cơ quan chức năng có giải pháp toàn diện để bảo vệ, hoặc để cán bộ kiểm lâm tự bảo vệ thì mới có thể hạn chế được các sự việc đáng tiếc nêu trên. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần phải siết chặt kiểm soát việc vận chuyển và tiêu thụ gỗ, để gỗ lậu không có cơ hội tuồn ra thị trường. Từ việc chặn nguồn cầu sẽ có tác dụng ngăn nguồn cung, không còn cảnh tàn phá rừng, cũng không còn cán bộ kiểm lâm phải đổ máu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi kiểm lâm bị hành hung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO