Khi Mỹ 'rút chân' khỏi nhiều hiệp ước

Thế Tuấn 12/07/2020 08:30

Những ngày qua, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khởi động tiến trình đưa nước Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho dù không thật bất ngờ nhưng vẫn là cú sốc cho nhiều bên; nhất là trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở nhiều nơi.

Động thái mới nhất này khiến giới quan sát lật lại hồ sơ những lần ông Trump rút nước Mỹ khỏi những hiệp ước, thỏa thuận khác. Qua đó càng thấy rằng mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” vẫn được ông Trump áp dụng triệt để, nhất là khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang nóng lên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan, ngày 28/11/2019. Ảnh: AFP.

Ngày 7/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau những cảnh báo hoãn khoản tài trợ 400 triệu USD hằng năm của Mỹ cho WHO và thông báo sẽ rút khỏi tổ chức này, Nhà Trắng đã gửi thông báo chính thức tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (ngày 6/7).

Thông tin này ngay lập tức được người phát ngôn của WHO xác nhận, rằng “Chúng tôi đã nhận được các báo cáo rằng Mỹ đã gửi thông báo chính thức tới Tổng Thư ký LHQ về việc nước này rút khỏi WHO”. Tuy nhiên, WHO đã không cho biết chi tiết. Bằng chứng là Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phản ứng chỉ bằng một chữ trên Twitter là “Together!” (tạm dịch là Cùng nhau!), với hàm ý (được hiểu là) các quốc gia còn lại trong WHO vẫn cùng nhau hợp tác cho dù không có Mỹ.

1. Như vậy, tuân thủ các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có 1 năm để hoàn tất quá trình rút khỏi cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Điều này có nghĩa là ngày 6/7/2021 Mỹ chính thức không còn là thành viên của WHO nữa- Hãng tin AFP cho biết.

Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, ông Joe Biden, tuyên bố sẽ đảm bảo nước Mỹ vẫn là thành viên của WHO nếu ông giành chiến thắng và trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng. “Người Mỹ sẽ an toàn hơn khi Mỹ góp sức vào việc tăng cường sức khỏe toàn cầu. Vào ngày đầu tiên làm Tổng thống, tôi sẽ tái gia nhập WHO”- ông Biden viết trên Twitter. Còn Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên đảng Dân chủ tại Ủy ban Quan hệ đối ngoại thì nói rằng: “Điều này sẽ không bảo vệ cuộc sống hay lợi ích của người dân Mỹ, nó chỉ khiến người Mỹ bị bệnh và nước Mỹ trở nên đơn độc”.

Một vụ “rút chân” khác của Mỹ do ông Trump khởi xướng vào ngày 4/11/2019, khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thông báo với LHQ về việc rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Cần nhớ rằng, Thỏa thuận này được thông qua tại hội nghị lần thứ 21 của LHQ tại Paris (Pháp) hồi năm 2015, với mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuống mức 0 vào năm 2050 hoặc muộn hơn. Tổng cộng 187 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào thỏa thuận này, trong đó có Mỹ.

Tuy nhiên, ngay từ tháng 6/2017, có nghĩa là hơn 1 năm làm chủ Nhà Trắng, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi Thỏa thuận vì cho rằng nó không công bằng khi hạn chế việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ.

Theo quy định, tới ngày 4/11 năm nay, quyết định của Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ chính thức có hiệu lực; cũng có nghĩa là nó diễn ra trên thực tế chỉ 1 ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (3/11/2020).

2. Cùng với việc Mỹ rút khỏi “các tổ chức dân sự” thì giới quan sát cũng “điểm lại” những vụ rút chân ra khỏi lĩnh vực quân sự dưới triều đại của ông Trump trong vòng gần 4 năm qua. Mà mới đây nhất là việc Mỹ rút một phần binh sĩ khỏi Đức. Quyết định rút bớt binh lính Mỹ đồn trú lâu nay ở nước Đức đã được ông Trump nhắm đến từ trước, nên cũng không thật bất ngờ. Tuy nhiên cả Đức lẫn NATO đều bực mình khi ông Trump đơn phương đưa ra quyết định mà không hề thương thảo với đối tác đồng minh chiến lược châu Âu.

Ông Trump cho rằng Mỹ không cần NATO cũng như NATO không cần Mỹ. Ông Trump không hài lòng khi đa số thành viên NATO không thực hiện thoả thuận chung trong NATO năm 2014 là dành 2% GDP cho ngân sách quân sự và quốc phòng. Nước Đức thuộc diện này.

Ngay sau đó, ông Trump đã tính chuyện “chuyển quân” từ Đức sang Ba Lan như một thông điệp tìm đồng minh mới.

Ngược dòng thời gian, giữa tháng 5/2018, ông Trump cũng đưa nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Vụ này lập tức gây chấn động. Các đồng minh như Anh, Pháp, Đức; Tổng Thư ký LHQ, EU... Ngay cả nước Nga cũng lên tiếng phản đối.

Nhưng ông Trump đã đưa ra lý do rằng ngay từ thời tranh cử (2015), ông đã cho rằng JCPOA vô tác dụng và chỉ làm lợi cho Iran. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Trump làm điều đó là muốn gắn kết hơn nữa với Israel và mong muốn xóa bỏ những thành tựu của chính quyền Obama.

Như vậy, với việc phủ quyết Thỏa thuận này, chính quyền của ông Trump sẽ phục hồi tất cả các lệnh trừng phạt đã tạm ngưng trước đó 3 năm. Có nghĩa là các công ty của Mỹ muốn tránh hậu quả thì phải rút khỏi Iran. Trên thực tế, Washington nắm giữ 90% các biện pháp trừng phạt Iran, phần lớn là các giao dịch tài chính, ngân hàng được thực hiện bằng USD. Cho nên, sự phản đối của các đồng minh cũng rất yếu ớt. Nói như Jacques Hogard - người điều hành một công ty tư vấn quốc tế thì các công ty châu Âu có lợi ích liên quan tới Mỹ “khó có thể cưỡng được”.

Đến đầu tháng 10/2018, ông Trump lại đột ngột rút hết lực lượng khỏi Syria. Mà điều đó, theo giới quan sát, khoảng trống Mỹ để lại sẽ tạo nên nhiều hỗn loạn tại khu vực. Giải thích điều này, ông Trump cho rằng mình phải có trách nhiệm đưa nước Mỹ thoát khỏi “những cuộc chiến tranh bất tận vô lý”. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng, việc gấp gáp rút lực lượng Mỹ khỏi phía bắc Syria có nguy cơ phá hủy hầu như mọi mục tiêu Washington đặt ra ở Trung Đông. Và điều đó đã trở thành thực tế khi mà phiến quân IS nhờ vào sự hỗn loạn đã “tái sinh trên cát”- bình luận viên Nick Paton Walsh của CNN.

Binh sĩ thuộc Trung đoàn kỵ binh số 2 Lục quân Mỹ đồn trú tại miền nam nước Đức.

Trong một động thái “rút chân” khác, cuối tháng 5/2020, Nhà Trắng đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước “Bầu trời mở”- Open Skies Treaty (OST), cũng có nghĩa là rời bỏ mục tiêu nỗ lực kiểm soát vũ khí. Lúc ấy, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo ý định rút lui tới tất cả 34 nước đã phê chuẩn hiệp ước và bắt đầu quá trình chính thức rút khỏi Hiệp ước trong vòng 6 tháng.

Ngay sau đó, 10 quốc gia châu Âu đã ra thông cáo chung bày tỏ sự hối tiếc trước quyết định này của Mỹ và khẳng định Hiệp ước là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tin từ nhiều thập kỷ vừa qua nhằm tăng cường sự minh bạch và an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Còn các nhà lập pháp của đảng Dân chủ Mỹ thì mô tả, động thái này của ông Trump khiến quan hệ giữa Washington và các đồng minh châu Âu ngày càng xa cách và chính sách đối ngoại Nhà Trắng ngày một trở nên bất ổn.

Xin được nhắc lại, OST là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Donald Trump loại trừ vai trò của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017. Trước đó, ông đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô (cũ) năm 1988.

Riêng với trường hợp OST, nó được coi là “đứa con tinh thần” của hai Tổng thống Mỹ. Vào năm 1955, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đề xuất khái niệm “quan sát lẫn nhau trên không” để “chọc thủng” bức màn bí mật xung quan các chương trình quân sự của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Tổng thống George H.W.Bush đã quay lại với ý tưởng này và hiệp ước mang tính bước ngoặt cuối cùng cũng đã được ký kết vào năm 1992 giữa các thành viên NATO và các nước thuộc Khối Warsaw cũ, chính thức có hiệu lực năm 2002. Hiện đang có 35 quốc gia đã ký kết OST, trong đó có Nga, Mỹ và một số nước thành viên NATO.

Theo tờ The Hill, quyết định rút khỏi hiệp ước này đi ngược lại các lợi ích của Mỹ và gây tổn hại tới quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu.

Như vậy, điểm lại việc rút khỏi một số hiệp ước, thỏa thuận, người ta cho rằng càng rõ ràng hơn chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, “phải chăng ông Trump đang chứng minh cho cử tri Mỹ thấy rằng về mặt đối ngoại ông cũng rất khác biệt. Và nhìn chung, vẫn là mục tiêu “nước Mỹ trên hết”- bình luận từ Fox News.

Hiệp ước Bầu trời mở (OST) là gì?

Hiệp ước OST cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các hoạt động và lực lượng quân sự, theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Các quốc gia thành viên cần phải thông báo thực hiện chuyến bay trinh sát 72 giờ trước khi đi vào không phận của quốc gia thành viên khác. Tất cả thông tin thu thập được, như tập trận quân sự, triển khai tên lửa phải được chia sẻ rộng rãi với 34 quốc gia thành viên. Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở châu Âu. Mục đích chính của văn kiện này là theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hóa giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.
Kể từ khi OST có hiệu lực vào năm 2002, hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của Hiệp ước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi Mỹ 'rút chân' khỏi nhiều hiệp ước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO