Khi nào nhà trường chấm dứt lạm thu?

PHƯƠNG CHI 04/12/2022 08:18

Tình trạng lạm thu trong trường học vẫn diễn ra dù ngay từ đầu năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm. Qua xác minh, tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chấn chỉnh lần thứ 2 từ đầu năm học với ngành giáo dục địa phương khi nhận được phản ánh từ phía phụ huynh học sinh. Tại các tỉnh, thành phố khác, hình thức lạm thu vẫn âm thầm diễn ra với nhiều hình thức khác nhau khiến dư luận đặt câu hỏi khi nào các khoản thu “vô tội vạ” của nhà trường mới chấm dứt? 

Trường THCS-THPT Tân Lộc xã hội hóa nhiều khoản thu không đúng, tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Cà Mau chấn chỉnh lạm thu 2 lần từ đầu năm học

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo; Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau chấn chỉnh việc thu các khoản thu không đúng quy định trong các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các khoản thu tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo đúng quy định hiện hành. Tăng cường công khai, minh bạch các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về các mức thu, khoản thu trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở giáo dục, người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng thu không đúng quy định.

Theo đó, mới đây người dân có đơn gửi đến UBND tỉnh Cà Mau, phản ánh Trường THCS-THPT Tân Lộc (huyện Thới Bình, Cà Mau) vận động tiền xã hội hóa năm học 2020-2021, 2021-2022 để mua sắm camera, ti vi và một số trang thiết bị. Hiệu trưởng giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm thu mỗi lớp trên 10 triệu đồng. Kết quả xác minh thể hiện, trường này thực hiện vận động xã hội hóa khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong 2 năm học đã vận động hơn 1,1 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 2 kể từ khi năm học 2022 - 2023 diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn về việc chấn chỉnh lạm thu, thu các khoản thu không đúng quy định trong các cơ sở giáo dục. Công văn trước đó được phát đi vào tháng 10 khi Trường Tiểu học Tân Lợi (huyện Thới Bình, Cà Mau) bị phản ánh lạm thu. Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau xác nhận thông tin phản ánh là đúng và đã chỉ đạo Trường Tiểu học Tân Lợi trả lại 282 triệu đồng cho phụ huynh.

Không riêng tỉnh Cà Mau, từ đầu năm học đến nay, tình trạng lạm thu được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó gây bức xúc không ít cho phụ huynh bởi nhiều khoản thu vô lý, trong khi “gánh nặng” đầu năm học đã quá lớn đối với mỗi gia đình. Điểm lại một số vụ việc lạm thu học đường hồi đầu năm học. Phụ huynh có con học tại trường THPT dân lập Văn Lang (Hà Nội) phản ánh việc nhà trường yêu cầu học sinh nộp 1,5 triệu đồng/tháng tiền học phí và thêm 4,5 triệu đồng/học kì cho các khoản thu như: Phí phát triển trường hàng kỳ (2,5 triệu đồng); quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); quỹ phụ huynh lớp (1 triệu đồng)… Ngoài ra còn có các loại phí phát triển trường. Hay phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Thạch Linh (phường Thạch Linh, Hà Tĩnh) phản ánh nhà trường thông báo mỗi học sinh phải đóng 1.680.000 đồng bao gồm tiền bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng, tivi, tủ đựng tài liệu của giáo viên... Ngoài ra, mỗi em đóng 28.000 đồng/ngày tiền ăn bán trú và 200.000 đồng/tháng tiền phục vụ ăn bán trú. Tổng các khoản bao gồm quỹ lớp là 2 triệu đồng, trừ học sinh nhà nghèo đóng ít hơn.

Cần xử lý hình sự để "làm gương"

Trả lời câu hỏi, đã có hiệu trưởng nào bị kỷ luật vì lạm thu chưa, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM cho rằng, việc kỷ luật phải xử lý theo đúng quy trình về quản lý cán bộ - công chức - viên chức chứ không thể làm một cách cảm tính. Hiện sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn về thu - chi, ngay cả hoạt động thu tài trợ cũng đã có hướng dẫn rõ ràng. Việc để xảy ra tình trạng lạm thu là trách nhiệm của hiệu trưởng, có thể vì buông lỏng quản lý nên không kiểm soát hết, cũng có thể vì muốn thu cho đủ, thu cho bằng được. Ví dụ, khi dư luận bức xúc về cách thu các khoản phí đầu năm của một trường THPT, Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố đã ra văn bản nghiêm khắc phê bình hiệu trưởng trường này vì chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý tài chính và hướng dẫn thu chi đầu năm học 2022-2023.

Nhìn nhận vấn đề lạm thu trong trường học, GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, tình trạng lạm thu gây mất uy tín lớn cho ngành giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự để "làm gương". Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phải đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu và yêu cầu nhà trường, giáo viên minh bạch, công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện sẽ được chi vào việc gì.

Theo GS Trần Hông Quân, đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng nhưng Ban đại diện phụ huynh phải căn cứ vào tình hình chung của lớp để đưa ra mức thu đồng thuận. Nếu đề xuất mức thu quá cao hoặc cào bằng theo đầu người sẽ khó cho những gia đình khó khăn, có mức thu nhập trung bình.

Để giảm tình trạng lạm thu trong trường học, GS Trần Hồng Quân mong muốn ngành giáo dục phải chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh. Tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm dẫn đến phản ứng của phụ huynh học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nào nhà trường chấm dứt lạm thu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO