Khi nghệ thuật tham gia chống dịch

Thanh Xuân 29/08/2021 14:00

Không đứng ngoài cuộc, giới nghệ sĩ trong thời gian qua đã có nhiều cách để chung sức chống dịch. Ở mỗi lĩnh vực lại có sự dấn thân, cống hiến bằng việc làm cụ thể hay qua tác phẩm để tiếp sức, lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng…

1. Hoạt động khá tích cực có lẽ là giới âm nhạc. Bên cạnh các ca sĩ - nghệ sĩ như Phương Thanh, Thái Thùy Linh, Trần Mạnh Tuấn, Quyền Linh… thường xuyên có hoạt động hỗ trợ bà con gặp khó khăn hoặc kêu gọi hỗ trợ một số nơi thiếu trang thiết bị y tế thì các ca sĩ khác lại tham gia những chương trình nghệ thuật trực tuyến (online) hay ngẫu hứng biểu diễn online qua mạng xã hội để đem đến cho khán thính giả những phút giây thư giãn trong mùa dịch.

Đáng chú ý, các nhạc sĩ cũng tích cực nhập cuộc. Không phải đợi tới khi nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam có thư gửi các hội viên kêu gọi mọi người dùng cùng sáng tác, để âm nhạc góp phần cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19, trước đó, nhiều nhạc sĩ đã cho ra đời những bài hát mới.

Đơn cử như nhạc sĩ An Hiếu, ngay từ hồi tháng 4/2020 đã viết và phổ biến bài “Ánh sao nơi đầu tuyến”. Hay nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ở TP HCM cũng tung ra 2 ca khúc ấn tượng, đó là “Bài ca khu cách ly” và “Mong sao hết dịch”.

Đặc biệt, video vũ đạo rửa tay “Ghen Cô Vy” của nghệ sĩ trẻ Quang Đăng ra đời từ năm ngoái, đến nay lan tỏa khắp diễn đàn nhờ tinh thần lạc quan, vui tươi và tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng. Điệu nhảy này còn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vinh danh và UNICEF, Bộ Y tế Việt Nam mời Quang Đăng làm đại sứ trong chiến dịch truyền thông về phòng chống virus Corona…

Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 2020, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, chỉ trong một thời gian ngắn giới âm nhạc đã có những đóng góp hiệu quả bằng tác phẩm của mình cùng cả nước chống dịch qua tập ca khúc “Niềm tin” và chương trình Concert online đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì thực hiện đã được công chúng cả nước đón nhận với những tình cảm quý trọng.

Ở thời điểm nay, khi tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay trên khắp cả nước và đặc biệt là đồng bào ta ở TP HCM và các tỉnh thành Nam Bộ, âm nhạc cất lên từ trái tim của mỗi người sẽ là món ăn tinh thần giúp nhau vượt qua khó khăn, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

“Các nhạc sĩ, nghệ sĩ cả nước đang muốn đóng góp tiếng nói âm nhạc của mình chia sẻ với mỗi người dân trong các vùng tâm dịch, cảm thông và động viên các lực lượng trên tuyến đầu cuộc chiến cam go chống đại dịch. Tất cả vì một Việt Nam tươi đẹp, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng dịch”- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng phối hợp phát động cuộc thi sáng tác ca khúc chủ đề “Giai điệu tuyến đầu” và cuộc thi sáng tác video với chủ đề “Thời khắc khó quên”.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thấy rằng tổ chức sáng tác ca khúc, nhất là những ca khúc về chính những người trong cuộc đầy những chất liệu, những cảm xúc thì sẽ có tác dụng rất lớn trong cổ vũ phong trào truyền cảm hững, lan tỏa quyết tâm cùng nhau chống dịch. Những tác phẩm nghệ thuật này đôi khi có giá trị động viên trong chính đội ngũ, lực lượng tuyến đầu trong những ngày họ đang chiến đấu, giành giật cuộc sống cho người dân…”.

Cảnh trong vở kịch “Người trong mắt bão”.

2. Ở lĩnh vực mỹ thuật, các hoạt động đấu giá tranh để ủng hộ những nơi gặp khó khăn liên tục được các họa sĩ, các nhóm thiện nguyện đứng ra tổ chức.

Tối 22/8 vừa qua, phiên đấu giá cuối cùng để mua gường hồi sức và máy thở tặng Bệnh viện dã chiến số 5 do một nhóm nghệ sĩ - nhà báo đứng ra tổ chức tại TP HCM đã kết thúc. Cụ thể, phiên đấu giá cuối kết thúc với 28 tranh được bán.

Hai phiên trước đó, Ban tổ chức bán được 47 bức, tổng 3 phiên thu về hơn một tỷ đồng. Số tiền thu được đã đổi thành 20 chiếc giường hồi sức, 2 chiếc máy thở, 10 chiếc xe lăn tặng bệnh viện dã chiến. Số tiền còn lại dùng làm học bổng tặng học sinh nghèo hiếu học, bệnh nhân Covid-19.

Các họa sĩ lâu nay vốn âm thầm vẽ, nên trong những ngày giãn cách này ít bị ảnh hưởng. Và nhiều họa sĩ, đã sẵn sàng gửi tặng tác phẩm mới để đấu giá hỗ trợ các hoạt động đẩy lùi dịch bệnh. Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của một tờ báo, 12 họa sĩ gồm Đặng Xuân Hòa, Phạm Luận, Đào Hải Phong, Đặng Tiến, Trịnh Tú… đã gửi tặng 12 tác phẩm mỹ thuật để thực hiện cuộc đấu giá diễn ra trong 24 giờ, bắt đầu từ 11h00 ngày 28/8 đến 11h00 ngày 29/8.

Ở “nhánh” điêu khắc, gần đây họa sĩ Lê Huy - giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cùng nhóm của mình đã cho ra mắt bức tượng “Em bé Điện Biên” và nhận được nhiều tình cảm và những phản hồi tích cực. Sau đó, hơn 130 phiên bản của “Em bé Điện Biên” được làm từ chất liệu đá ép đã được bán hết với số tiền thu được gần 100 triệu đồng đã được họa sĩ chuyển cho các quỹ từ thiện để ủng hộ miền Nam chống dịch.

Hiện tại, họa sĩ Lê Huy và các cộng sự vẫn tiếp tục với việc bán các phiên bản của bức tượng “Em bé Điện Biên” với giá 680 ngàn đồng/bức, trong đó số tiền 350 ngàn đồng sẽ được họa sĩ hướng dẫn “khách hàng” chuyển khoản thẳng vào các tài khoản ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; 330 ngàn đồng còn lại chuyển cho nhóm sáng tạo.

3. Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã khiến các hoạt động biểu diễn phải dừng lại. Tuy vậy, các nghệ sĩ sân khâu vẫn tranh thủ những khoảng thời gian vàng khi dịch yên ắng để dựng vở mới. Tiên phong trong việc dàn dựng các vở diễn phòng chống Covid-19 có thể nhắc tới sân khấu Lệ Ngọc với vở kịch “Cuộc chiến Covid”.

Vở diễn được dàn dựng vào cuối năm 2020, đã có được mấy chục suất diễn khi tình hình dịch bệnh ổn định nên đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải đặc biệt năm 2020.

Ngoài ra, Nhà hát Tuổi trẻ với vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” hay vở kịch “Người trong mắt bão” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng cũng được đầu tư dàn dựng công phu.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều cuộc vận động sáng tác đã được phát động rộng rãi, tạo ra sự khích lệ, động viên đối với các sáng tạo của văn nghệ sĩ. Hồi cuối tháng 7, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phát động “Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Còn tại TP HCM, cuộc vận động sáng tác, dàn dựng, phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng” do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM phát động đã nhận bài thi từ ngày 1/8 với 7 lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật...

Tất cả những nỗ lực trên cho thấy, trước đại dịch Covid-19, các nghệ sĩ và các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã có nhiều trăn trở, cố gắng nhập cuộc, và bước đầu có đóng góp để lan tỏa năng lượng tích cực vào cuộc sống. Hy vọng, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa để “thực đơn tinh thần” của người dân trong mùa dịch này phong phú, có thêm những lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nghệ thuật tham gia chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO