Khi những quả thận được mua bán như đồ vật

Linh Chi 11/10/2015 09:25

Một người mẹ quyết định bán đi một quả thận của mình để mua một ngôi nhà cho những đứa con của bà, một người cha túng quẫn khác cũng có quyết định tương tự chỉ để mua lương thực sống qua ngày… Câu chuyện về những quả thận bị mua bán như một thứ đồ vật tuy không còn lạ lẫm, nhưng vẫn khiến người ta sửng sốt và đau xót.

Khi những quả thận được mua bán như đồ vật

Những người đàn ông sống ở khu ổ chuột Banseco, khu vực
cảng Manila (Philippines) với những vết sẹo phẫu thuật lấy thận. (Nguồn: AP).

Bi kịch cả làng đi bán thận

Có khoảng 7.000 quả thận bị buôn bán trái phép mỗi năm, mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ buôn lậu và môi giới nội tạng- ước tính khoảng gần 1 tỷ USD/năm.

Bà Geeta là một người dân sinh sống tại ngôi làng Hokse, Nepal- nơi được người dân bản xứ đặt cho biệt danh là “Làng thận” bởi gần như toàn bộ dân làng đều đã từng bán đi một quả thận của mình cho những kẻ buôn bán nội tạng.

Bà Geeta, 37 tuổi, đã bị chính người chị họ của mình thuyết phục để rồi bán đi 1 quả thận của mình với giá khoảng 1.800 USD. Ít lâu sau đó, bà đã được dẫn tới Ấn Độ để thực hiện ca phẫu thuật lấy thận.

Số tiền bán thận được Geeta sử dụng để mua một mảnh đất khiêm tốn ở Hokse- cách Kathmandu khoảng 20 km- và dựng một ngôi nhà bằng đá hết sức đơn sở trên mảnh đất đó. Người mẹ của 4 đứa con đã mất đi ngôi nhà trước đây của mình kể từ sau khi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tấn công đất nước Nepal hồi tháng 5 vừa qua.

“Chị họ tôi đã nói với tôi hãy đi bán thận và khẳng định rằng cơ thể tôi chỉ cần một quả thận thôi. Trận động đất đã cướp đi ngôi nhà tôi, còn chị tôi đã cướp đi quả thận của tôi”- Geeta kể lại.

Nhưng Geeta không phải người duy nhất chịu hoàn cảnh éo le ấy. Hầu hết đàn ông và phụ nữ trưởng thành sống tại lại Hokse do hoàn cảnh đưa đẩy mà đều phải bán đi một quả thận khỏe mạnh của mình cho những kẻ được gọi là “môi giới nội tạng” để có tiền trang trải cho cuộc sống.

Những kẻ buôn bán nội tạng thường xuyên tới viếng thăm làng Hokse và những ngôi làng nghèo khó lân cận thuộc khu vực Kavrepalanchowk hòng thuyết phục người dân đi cùng chúng đến miền Nam Ấn Độ để phẫu thuật lấy thận. Những kẻ này sẽ dùng rất nhiều thủ đoạn để mồi chài nạn nhân hiến thận, và một trong số đó chính là nói dối rằng một quả thận mới sẽ mọc lại sau một thời gian.

Đó cũng chính là thủ đoạn lừa đảo mà những kẻ buôn nội tạng đã dùng với Geeta để lừa bà bán thận.

“Suốt 10 năm nay, người ta cứ đến làng này để thuyết phục chúng tôi bán thận nhưng tôi lúc nào cũng nói không”- Geeta kể lại. Nhưng cuối cùng, do quá tuyệt vọng với tình trạng sống hiện tại, Geeta đã đi cùng người chị họ đến Ấn Độ để làm phẫu thuật lấy thận.

Cuộc phẫu thuật chóng vánh chỉ diễn ra trong vòng có nửa tiếng đồng hồ, trong khi Geeta phải ở viện trong suốt 3 tuần lễ sau đó. Geeta được đưa cho 200.000 rupee Nepal (1.800 USD) và về mua một lô đất và nhà ở cho gia đình.

Sau trận động đất kinh hoàng ở Nepal hồi tháng 5 năm nay, đã có rất nhiều người dân mất đi nhà ở, và một lần nữa, họ lại phải tìm đến cái cách kiếm tiền là bán đi quả thận của mình. Số người tuyệt vọng vì mất đi toàn bộ gia sản sau thảm họa ấy tăng lên vùn vụt, biến cả đất nước Nepal thành một “ngân hàng nội tạng” của thế giới, khi giới chuyên gia cảnh báo rằng số người bán thận ở nước này có thể tăng gấp đôi trong những năm tới.

Khi những quả thận được mua bán như đồ vật - 1

Geeta nghèo vẫn hoàn nghèo sau khi bị lừa bán thận.
(Nguồn: DM).

Vô vàn thủ đoạn

“Chị họ tôi đã nói với tôi hãy đi bán thận và khẳng định rằng cơ thể tôi chỉ cần một quả thận thôi. Trận động đất đã cướp đi ngôi nhà tôi, và chị tôi đã cướp đi quả thận của tôi” – Geeta nói.

“Làng thận” không chỉ có ở riêng Nepal mà còn xuất hiện rải rác ở một vài khu vực nghèo đói khác, như ngôi làng Bindol, thuộc bang Bắc Dianjpur của Ấn Độ.

Ở đó, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những đàn ông và phụ nữ gầy guộc thường chỉ ngồi dưới bóng râm của cây cối và chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra…hoặc chờ đợi thần chết đến dắt tay họ đi. Đây được coi là thủ phủ mua bán thận của bang, và không khó hiểu khi trên đường phố bắt gặp những người bán thận để kiếm sống như vậy.

Lakshmiram Hansda, một cư dân của “Làng thận” Bindol và là cha của 3 đứa trẻ, cũng từng phải bán thận với giá 80.000 rupee (1.200 USD) chỉ để có tiền mua chút gạo về nuôi sống cả gia đình.

Hansda mới chỉ 35 tuổi nhưng có bề ngoài như một ông lão 60. Ông kể lại rằng đã từng đến Mumbai hồi năm 2000 để kiếm việc làm như bao trai trẻ khác, nhưng công việc đó không mang lại đủ tiền để nuôi sống gia đình. Thế nên khi có người đưa ra mức giá 80.000 rupee cho quả thận của ông, ông đã nghĩ đó là một thương vụ tốt.

Rất nhiều người đã tìm đến những kẻ môi giới nội tạng ở Bindol. Thê thảm hơn, nhiều người đàn ông đã từng đi hiến thận lại tiếp tục bắt ép vợ con mình đi hiến để có tiền trang trải cho gia đình.

Bi kịch này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi lợi nhuận bán thận thuộc về những kẻ môi giới - thường nhận được số tiền cao gấp 6 lần số tiền mà chúng đưa cho người hiến- trong khi phần ít thuộc về dân làng Bindol, thường chỉ đủ cho họ trang trải cuộc sống trong vài tháng, trong khi lại mất hết sức lao động về sau này do sức khỏe suy giảm nhanh chóng.

Buôn bán thận trái phép còn là hiện tượng phổ biến ở nhiều vùng lãnh thổ của các nước thuộc khu vực châu Á khác, nơi mà những kẻ buôn nội tạng có thể được trả đến 200.000 USD cho mỗi quả thận chúng mang đến, trong khi người hiến lại chỉ được trả trung bình khoảng 5.000 USD.

Đâu đó tại những khu vực này, từng có thông tin về những kẻ môi giới mua bán nội tạng giăng khẩu hiệu: “Bán thận, mua iPad mới”! với giá mua 2.000 USD mỗi quả thận và cam kết chỉ sau 10 ngày là…xong tất.

Mạng lưới buôn bán trái phép nội tạng người hoạt động được nhờ vào vô số các thủ đoạn: Nạn nhân có thể bị bắt cóc và buộc phải hiến nội tạng, một số người tự nguyện bán do tuyệt vọng với tình hình tài chính của bản thân, hoặc bị lừa rằng họ đang mắc bệnh cần được phẫu thuật và bị lấy mất nội tạng lúc nào không hay…

Rủi ro từ những quả thận được ghép

Vào đầu những năm 1980, thế giới lần đầu tiên được biết đến một hình thức buôn bán nội tạng trái phép mới, mà trong đó chuyển những quả thận của người sống có nhu cầu bán đến những người có nhu cầu mua mà phần lớn được gọi tên “những du khách cấy ghép”. Hình thức buôn nội tạng này bắt nguồn từ khu vực Trung Đông, Mỹ Latin và châu Á.

Báo cáo khoa học đầu tiên về hiện tượng này được đăng tải trên Tạp chí y học nổi tiếng “The Lancet” của Anh hồi năm 1990, trong đó nêu 131 trường hợp mua bán nội tạng ở Tiểu các Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Oman. Đa phần những “du khách cấy ghép” này đều đi cùng với bác sỹ riêng đến Mumbai, Ấn Độ, nơi họ được ghép thận từ “nhưng người hiến tặng” mà những kẻ môi giới giới thiệu. Thời điểm đó, “người hiến tặng” thường được trả khoảng từ 2.000 - 3.000 USD cho mỗi quả thận của họ.

Ngày nay, mua bán thận chiếm tới 75% thị trường mua bán nội tạng tại “chợ đen” của thế giới. Tỷ lệ các loại bệnh như tiểu đường, huyết áp cao hay các bệnh vê tim…ngày càng gia tăng khiến cho nhu cầu cấy ghép thận dần áp đảo lượng cung. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Mỹ mỗi năm có khoảng 4.000 người chết trong khi chờ đợi được cấy ghép thận và con số này còn có thể tăng cao. Điều này đã khiến những người giàu có buộc phải tìm đến “chợ đen” để được cấy ghép thận một cách nhanh chóng nhất.

Theo tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI), hiện nay có đến 7.000 quả thận bị buôn bán trái phép mỗi năm, mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ buôn lậu và môi giới nội tạng- ước tính khoảng gần 1 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, cả những người hiến tặng và người được cấy ghép thận đều không bao giờ được thông báo rõ ràng về những rủi ro sức khỏe mà họ phải chịu. Đối với những người hiến tặng hoặc nạn nhân của những kẻ buôn nội tạng, thì đó là rủi ro về sức khỏe, mất đi sức lao động, lão hóa nhanh, suy giảm chức năng... Còn đối với những người được cấy ghép thận thì đó là rủi ro mắc các loại bệnh di truyền như HIV và viêm gan C.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi những quả thận được mua bán như đồ vật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO