Khi nông dân làm du lịch

Thanh Hà 24/04/2023 14:00

Những khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái được mở ra đang làm thay da đổi thịt ở xã thuần nông Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Phát triển du lịch được xem là hướng đi mới nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương này.

Ông Ngô Xuân Dũng (thôn Đông Sơn, xã Cự Nẫm) giới thiệu khu du lịch của gia đình với du khách.

Thời gian gần đây, dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, du khách rất dễ bắt gặp nhiều bảng hiệu, biển chỉ dẫn các điểm vui chơi, giải trí du lịch. Ngoài địa danh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các điểm du lịch sinh thái, khu vui chơi ngắm cảnh, Homestay, Farmstay đang ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách ghé thăm.

Tại khu du lịch sinh thái Đồi Dẻ của ông Ngô Xuân Dũng (52 tuổi, ở thôn Đông Sơn, xã Cự Nẫm) mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến tham quan chụp ảnh, tổ chức tiệc sự kiện, thưởng thức ẩm thực truyền thống…

Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Dũng cho biết, sau khi xuất ngũ, ông trở về quê hương lập nghiệp. Cuộc sống ở quê khó khăn, vợ chồng ông phải vào miền Nam tìm kế sinh nhai. Năm 2002, vợ chồng ông quyết định quay trở về quê hương mở trang trại nuôi lợn, kết hợp trồng tiêu và cao su để phát triển kinh tế.

“Gia đình tôi có một số diện tích đồi núi trồng tiêu, cao su và làm trang trại nuôi lợn. Sau đó tôi mua thêm ruộng ở khu vực khe suối của người dân để cải tạo làm ao nuôi cá. Kinh tế trang trại đầu ra không ổn định, giá cả thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng vọt nên việc phát triển kinh tế trang trại không mang lại hiệu quả” - ông Dũng nói.

Nhận thấy mảnh đất Cự Nẫm có tiềm năng phát triển du lịch, ông Dũng bàn bạc với vợ chuyển hướng từ kinh tế trang trại sang làm du lịch sinh thái. Năm 2020, vợ chồng ông Dũng xây dựng Khu du lịch Đồi Dẻ với diện tích 2,2ha.

“Từ người nông dân chuyển sang làm du lịch sinh thái, tôi làm từng giai đoạn vì không có vốn, vừa làm vừa học hỏi để hoàn thiện dần. Sau 2 năm đi vào hoạt động, Khu du lịch sinh thái Đồi Dẻ đã được du khách xa dần ghi nhận. Mỗi ngày chúng tôi đón khoảng 200 - 300 lượt khách và vào các dịp ngày lễ, Tết có thể lên đến trên 1.000 lượt khách” - ông Dũng chia sẻ.

Được biết, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Đề án “Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm” thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án xây dựng “Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm” thành khu du lịch hấp dẫn với hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển, làm điển hình cho việc phát triển du lịch cộng đồng. Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm được xây dựng có tổng diện tích 3.279ha.

Trong đó, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm..

Ông Nguyễn Văn Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Cự Nẫm cho biết, sau khi được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt Đề án “Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm”, Đảng bộ, chính quyền đã đưa vào các nghị quyết của địa phương, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân trong toàn xã được biết về mục đích, ý nghĩa của Đề án. UBND xã đã lập quy hoạch chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về các điểm được quy hoạch để thực hiện Đề án. Xã đang kêu gọi các nhà đầu tư về địa bàn để cùng phát triển du lịch.

“Chủ trương xây dựng Làng văn hóa Du lịch Cự Nẫm là bước đi đúng đắn, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên và nét văn hóa truyền thống vốn có của địa phương. Phát triển du lịch còn tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, đưa địa phương trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế” - ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân làm du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO