Khi nông nghiệp gắn với đô thị

LAM HỒNG 30/03/2023 06:40

Đô thị hóa nhanh chóng, đi kèm với đó là sự gia tăng về dân số, điều này đã đặt ra nhiều thách thức về an ninh, an toàn lương thực. Do vậy, triển khai các mô hình nông nghiệp gắn với đô thị đang được nhiều địa phương áp dụng.

Ngày càng có nhiều địa phương áp dụng công nghệ tiên tiến để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trung tâm Khuyến nông TPHCM cho biết, thành phố đang trong tiến trình đô thị hóa với tốc độ nhanh và đến nay diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ còn hơn 70.000ha, trung bình 10 năm qua, diện tích đất nông nghiệp giảm khoảng 900 ha/năm. Từ thực tế đó, mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi đã được thành phố tập trung thực hiện từ năm 2000. Thành phố dự kiến từ nay đến năm 2030, mỗi năm giảm thêm khoảng hơn 1000ha đất nông nghiệp.

TS Trần Viết Mỹ - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM đánh giá, trải qua nhiều giai đoạn với hơn 10 năm thực hiện, kinh tế nông nghiệp TPHCM đã chuyển dịch đúng hướng, cụ thể: diện tích đất lúa giảm còn dưới 70%, trong khi diện tích các cây trồng, vật nuôi trọng điểm như rau, hoa, cá cảnh, bò sữa tăng…Với việc chuyển dịch này và cơ cấu cây trồng hiện tại, nông nghiệp đô thị tại thành phố đã hình thành và đang phát triển. “Tăng dân số ở đô thị là kết quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nên việc xây dựng nông nghiệp đô thị cũng chính là phát triển nông nghiệp bền vững” - ông Mỹ nói.

Phát triển nông nghiệp công nghiệp cũng đang được nhiều địa phương chú trọng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong số trên 10.000ha sản xuất rau, hoa tại Đà Lạt thì diện tích ứng dụng công nghệ cao hơn 50%, tạo ra sản phẩm hàng hóa khá lớn với hơn 300.000 tấn rau và 1,5 tỷ cành hoa phục vụ cho nhu cầu ngày càng lớn của xã hội. Trong 15 năm qua, nhờ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Đà Lạt đã tạo được cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 3.000 lượt người về kiến thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, triển khai được nhiều mô hình sản xuất nông sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia như HACCP, GlobalGAP, VietGAP…Hiện ngành nông nghiệp Lâm Đồng có trên 100 giống rau, 60 giống hoa, trong đó tỷ lệ giống mới trong các loại rau chiếm tới 80%...

Trong khi đó, Thừa Thiên Huế với hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và đầm Lăng Cô với tổng diện tích hàng vạn ha có điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Ông Châu Ngọc Phi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh cho biết: “Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất, vùng ương giống tập trung để nuôi tôm chân trắng trên cát và thu được kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500ha nuôi tôm chân trắng với năng suất nuôi trung bình gần 15 tấn/ha/vụ”. Ngoài ra, một số mô hình nuôi có hiệu quả được người dân và các doanh nghiệp áp dụng như: ương tôm 30 ngày sau đó thả vào ao nuôi, rút ngắn thời gian nuôi và hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường trong ao nuôi; mô hình đưa các lồng cá rô phi nuôi ở giữa ao nuôi tôm chân trắng còn giúp cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tại hội thảo “Khuyến nông với sự phát triển đô thị” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại TPHCM, vấn đề phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp, đầu tư công nghệ cao được quan tâm. Bởi trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chính là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Theo TS Trần Viết Mỹ, thời gian tới, rất cần sự phối hợp chặt chẽ với các cấp quản lý của địa phương để cùng hỗ trợ thiết thực cho hoạt động khuyến nông. Tăng cường mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu như các viện, trường để cập nhật kiến thức khoa học, bồi dưỡng khả năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ; tăng cường mối liên kết nhà sản xuất và doanh nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp...

Là người có nhiều thành tựu nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay, ở nhiều đô thị, bà con nông dân đã sử các nhà màng vào sản xuất nông nghiệp. Tại hầu hết các nhà màng, nhà kính, người ta đã áp dụng công nghệ cao nhằm điều chỉnh khí hậu thích hợp để trồng được rau cải thu hoạch nhanh và ngăn ngừa sâu bệnh, điển hình như nông nghiệp ở Đà Lạt đang áp dụng công nghệ sản xuất, hiện không thua gì các nước trên thế giới. “Mỗi đô thị có những đặc điểm, thế mạnh riêng do vậy, chọn lựa phát triển khía cạnh nào, nuôi trồng sản phẩm gì cho phù hợp với điều kiện kinh tế và nguồn nhân lực địa phương mới là điều quan trọng” - ông Xuân gợi mở.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông TPHCM, riêng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố năm 2022 đạt trên 19.000 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ, trong đó, trồng trọt tăng 3,4% so cùng kỳ, chăn nuôi tăng 2,3%, thủy sản tăng 5,9%; giá trị sản xuất bình quân trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp năm qua ước đạt 570 triệu đồng/ha, tăng 14,5% .

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông nghiệp gắn với đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO