Khi thực tế khác xa bản vẽ đẹp

Tuấn Việt 18/07/2017 10:35

Trái ngược với tốc độ phát triển đô thị và tăng dân số, lá phổi xanh của Hà Nội hiện chưa thực sự tương xứng, thậm chí ngày một teo tóp do thiên tai cũng như ý thức của con người. Tại Hà Nội, những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, nhưng song hành là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, còn cây xanh dường như chỉ là sự trang điểm, làm nền trên phông bạt, đồ chiếu.

Nhiều đường phố Hà Nội thiếu bóng mát cây xanh.

Các nhà khoa học đã chứng minh mỗi ha cây xanh có thể hấp thụ 1 tấn khí CO2 và nhả ra 0,73 tấn O2/ngày. Đồng thời, cây xanh hấp thụ chất độc, bụi bặm, diệt vi khuẩn, giảm tiếng ồn, ngăn chặn sự bốc hơi nước. Đặc biệt, cây xanh có tác dụng giảm nhiệt, tăng độ ẩm trong không khí. 1 ha cây xanh có hiệu quả hạ nhiệt tương đương 500 máy điều hòa nhiệt độ hoạt động trong 20 giờ. Cứ 20% diện tích cây xanh che phủ sẽ giúp nhiệt độ không khí giảm 2 - 3 độ C. Điều này rất quan trọng đối với Hà Nội, với sức tăng chóng mặt của dân cư và đô thị.

Trong khi đó, nếu so sánh thời điểm hiện tại với những năm 80 thế kỷ trước, cây xanh của Hà Nội hao hụt khoảng 1/3, do gãy đổ vì thiên tai, và do “sức tàn phá” của con người để làm nhà, làm đường. Cây xanh tại Hà Nội hiện chỉ còn tập trung chủ yếu ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, một phần Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy. Hình ảnh tuyến phố thiếu bóng cây không còn quá xa lạ với người Hà Nội vốn đầy ắp những ký ức về những hàng cây rợp bóng.

Hiện nay, theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, mật độ che phủ cây xanh của thành phố Hà Nội chỉ khoảng 2m2 cây xanh/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20 m2 - 25 m2 cây xanh/người). Nếu nhìn sang thủ đô Singapore diện tích cây xanh đạt 30,2m2/ người, Seoul đạt 41m2 /người, Kular Lumpur đạt 22,7m2/người… Rõ ràng lá phổi xanh của Hà Nội chưa thực tương xứng.

Trong khi tốc độ đô thị hóa lại ngày một mạnh mẽ thì vấn đề cây xanh lại càng trở nên quan trọng hơn. Theo PGS.TS Đỗ Tú Lan- Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vào năm 1998 đạt khoảng 24%, đến năm 2009 là 29,6% và năm 2012 đã tăng lên 31,9%. Năm 1990 cả nước có khoảng 500 đô thị, năm 2012 đã tăng lên 765 đô thị và đến tháng 12/2013, tăng lên thành 770 đô thị, tháng 4 năm 2017 là 805 đô thị. Nghịch lý là, cùng với tốc độ đô thị hóa cao, hệ thống cây xanh ở khu vực này ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng.

Nhiều đô thị bỏ quên việc trồng cây, điều này hoàn toàn có thể dễ nhận thấy khi so sánh thực tế với đề mô của đô thị. GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội từng nhận xét, nếu soi chiếu vào bức tranh đô thị Việt Nam, có một thực tế, những năm trở lại đây, việc trồng cây ở đô thị trở nên lộn xộn và chưa xứng tầm. Các khu đô thị mới mọc lên, chủ đầu tư đưa ra những thiết kế với những mảng cây xanh ngăn ngắt, song khi hoàn thành xây dựng chỉ có vài cây sơ sài.

Thậm chí, ở thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhiều chủ đầu tư cố tình bỏ quên việc tạo mảng xanh, trồng nhiều cây mà chỉ chăm chăm chồng lên cho thật cao tầng những tòa nhà vô hồn, nặng trịch. Một số nơi dành chút ít chi phí cho trồng cây xanh, nhưng cũng tùy hứng, thích gì trồng nấy, thiếu sự nghiên cứu và quy hoạch cần thiết.

Phải chăng tư duy ăn xổi, hay sự chi phối của “nhóm lợi ích” trong đầu tư, cho nên quy hoạch đô thị giờ được gói ghém trong việc làm sao gia tăng giá trị sử dụng đất cao nhất thay vì chú trọng đến chiều sâu của việc nâng cao chất lượng sống? Nỗi lo thiếu cây xanh trong đô thị từ lâu đã lớn hơn lời cảnh báo, nhưng dường như các cơ quan chức năng chưa tìm ra phương cách giải quyết vấn đề triệt để.

Chỉ tính riêng năm 2016, toàn thành phố Hà Nội có hơn 3.000 cây xanh bị gãy đổ, hơn 1.000 cây xanh phải di dời hoặc chặt bỏ nhường chỗ cho các công trình giao thông, công cộng. Năm 2007, dự kiến 1.300 cây bị di dời. Trong khi đó, gần 8 năm, mới có gần 6.000 cây được trồng ở 30 tuyến phố. “Công tác quản lý cây xanh hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, đảm bảo an toàn và tạo cảnh quan cho đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Kỳ vọng một đô thị xanh nhưng còn đó việc hàng trăm cây xanh lâu năm bị chặt hạ phũ phàng cách đây hai năm. Đô thị thì xây dựng nhiều nhà hàng khách sạn, còn việc trồng mới cây xanh lại nhạt nhòa và chậm chạp.

Rõ ràng, những gì đặt ra đầy kỳ vọng trong quy hoạch cây xanh vẫn chưa được triển khai bao nhiêu trong thực tế, nếu không muốn nói là có phần thụt lùi, khi nhìn từ góc độ quy hoạch cây xanh- theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam).

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững. Hà Nội dự kiến trồng 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020. Liệu đây có phải những kế hoạch “đẹp” trong khi thực tế cho thấy từ bản vẽ đến công trình lại khác nhau rất xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi thực tế khác xa bản vẽ đẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO