Những ngày dịch bệnh bùng phát, người dân thôn Xuân Phượng (xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) không lúc nào thấy Trưởng thôn Phan Hữu Thi (71 tuổi, thương binh 3/4) hết việc. Thời chiến, ông Thi và nhiều thương, bệnh binh khác ở Hà Tĩnh đã để lại thanh xuân tươi đẹp và một phần thân thể nơi chiến trường. Giờ đây, trong cuộc chiến chống “giặc dịch”, họ tiếp tục là những người hăng hái đi đầu.
Trở về thời điểm cách đây hơn 1 tháng, ngoài thành phố Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà trở thành “tâm dịch” của tỉnh Hà Tĩnh khi toàn xã Thạch Kim và 6 tổ dân phố ở thị trấn Lộc Hà với hơn 12.000 dân nằm trong vùng cách ly y tế theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Những ngày cách ly, người dân thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim thường xuyên chứng kiến cảnh Trưởng thôn Phan Hữu Thi tất bật, vất vả với công tác phòng, chống dịch. Vừa là trưởng thôn, vừa là thành viên trong Tổ Covid cộng đồng của thôn Xuân Phượng, ông Thi luôn tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai báo y tế và thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà.
Đều đặn trong suốt những ngày thực hiện lệnh cách ly y tế toàn xã, ông Thi nhận hàng tiếp tế từ vòng ngoài và phân phối đến các hộ khó khăn trong thôn. Trên chiếc xe máy cà tàng, ông Thi cùng Tổ Covid cộng đồng đến nhắc nhở từng trường hợp F2 cũng như toàn bộ người dân trong thôn tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, thực hiện tốt thông điệp 5K.
Ông Thi chia sẻ: “Đặc thù của thôn Xuân Phượng là thôn ven biển, trong địa bàn thôn có cảng cá lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh nên lượng người ngoại tỉnh từ các tàu cá đến địa bàn đông. Thôn có 452 hộ, hầu hết đều làm nghề thương mại, dịch vụ, hậu cần nghề cá nên 16 Tổ Covid cộng đồng của thôn luôn trong trạng thái hoạt động tích cực để sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh”.
Dẫu vất vả, công việc luôn tay luôn chân nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, thương binh Phan Hữu Thi không nề hà bất cứ việc gì. Ông sẵn sàng làm tất cả mọi việc của vị trưởng thôn, dấn thân đi đầu, gương mẫu để bà con noi theo. “Mình vất vả một chút để nhân dân được bình yên. Người dân ấm no, an yên là tôi hạnh phúc lắm rồi, chẳng mong gì hơn…”, thương binh Phan Hữu Thi nở nụ cười hiền hậu nói.
Nhân dân tại Tổ dân phố Phú Xuân, thị trấn Lộc Hà cũng hết sức khâm phục trước bản lĩnh của thương binh Dương Đình Cúc (72 tuổi). Ngày 12/6, khi thực hiện lệnh cách ly y tế, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Phú Xuân đang thực hiện cách ly tại nhà do tiếp xúc với trường hợp F1 còn Tổ trưởng tổ dân phố gặp sự cố về sức khỏe nên không có ai điều hành việc chung.
Trước tình thế đó, thương binh Dương Đình Cúc tình nguyện đứng ra gánh vác việc chung, điều hành, khâu nối nhiệm vụ phòng, chống dịch của tổ dân phố. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ông Cúc đã phân việc cụ thể cho từng thành viên Ban công tác Mặt trận tổ dân phố, tiến hành lập danh sách, thiết lập bản đồ dân cư - dịch tễ và lịch trình tiếp xúc với các trường hợp F0, F1 để các lực lượng chức năng phân loại, lấy gần 10.000 mẫu xét nghiệm, đồng thời huy động lực lượng lập các chốt kiểm soát người ra vào tổ dân phố.
Ròng rã nửa tháng trời, dù tuổi đã cao lại mang trong mình di chứng của chiến tranh, ông Cúc vẫn không quản mưa gió, cùng với các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ từ sáng đến đêm. Ngoài nhiệm vụ căng thẳng đó, ông Cúc còn đứng ra vận động, kêu gọi bà con trong tổ dân phố quyên góp tiền, nhu yếu phẩm hỗ trợ các gia đình khó khăn.
“Với tâm thế của người lính khi ra trận, sẵn sàng đối mặt với gian khổ, hy sinh nên dù có khó khăn, nhiệm vụ nào tôi cũng quyết tâm hoàn thành. Mình là Bộ đội Cụ Hồ nên càng phải gương mẫu để mọi người cùng noi theo”, ông Cúc chia sẻ.
Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn ghi nhận công lao to lớn, sự nhiệt huyết, tích cực, năng nổ của thương binh, bệnh binh, đội ngũ cựu chiến binh.
“Tham gia trong trận tuyến chống giặc Covid-19, cùng với các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân sự và các tổ chức đoàn thể khác, lực lượng cựu chiến binh, đặc biệt là các thương binh đã rất nhiệt tình xông pha. Phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ giữa thời bình, nhiều thương binh trên địa bàn đã tham gia trực chốt kiểm soát dịch và là những thành viên năng nổ trong các Tổ Covid cộng đồng. Dù ở nhiệm vụ nào, khó khăn đến đâu, họ cũng đều hoàn thành”, ông Hoàn nói.
Ông Thi, ông Cúc là hai trong số nhiều những thương binh, cựu chiến binh tích cực tham gia tuyến đầu chống giặc dịch ở Hà Tĩnh. Với những thương binh khác, tuổi đã cao họ lại chọn cách gửi gắm “sức của” để sẻ chia với công cuộc chống dịch của toàn dân tộc.
Đó là hình ảnh cụ Nguyễn Chưởng (97 tuổi, thương binh chống Pháp) ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh viết tâm thư và gửi 10 triệu đồng trong số tiền dành dụm được để góp thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Hay thương binh 4/4 Phạm Đình Chín (77 tuổi) ở thôn Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, đạp xe lên UBND xã góp 1 tháng tiền phụ cấp thương binh của mình động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch vào tháng 4/2020.
Theo ông Trương Văn Nhỏ-Trưởng ban phong trào, Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng cựu chiến binh, đặc biệt là các thương binh rất hăng hái tham gia các “mặt trận” trong cuộc chiến chống giặc Covid-19.
Hầu hết thành viên Chi hội Cựu chiến binh ở cơ sở đều tích cực tham gia trong các Tổ Covid cộng đồng, tổ trực chốt phòng dịch và có nhiều cách tuyên truyền hay, hiệu quả hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.
Với tinh thần và trách nhiệm của mình, từ tháng 4/2021 đến nay, các hội viên Hội Cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã quyên góp 2,7 tỷ đồng và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ nhân dân vùng cách ly y tế và tuyến đầu chống dịch.
Trong thời chiến, thương bệnh binh là những người lính, họ đã để lại thanh xuân tươi đẹp nhất cùng một phần thân thể nơi chiến trường. Khi trở về đời thường, vượt qua đau thương mất mát, dù bệnh tật nhưng họ vẫn luôn mang trong mình tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, hăng hái xây dựng quê hương và trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.