Khi trường tốp đầu cũng tuyển bổ sung

Th. Anh - L. Nhi 26/08/2016 08:00

Trong mùa tuyển sinh năm nay, ngay cả những trường tốp đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương cũng phải tuyển bổ sung. Về điều này, lãnh đạo các trường ĐH trên khẳng định, đó là việc khó tránh do tuyển sinh bao giờ cũng có ảo. Tuy nhiên, việc tuyển bổ sung của những trường tốp đầu cũng không gặp nhiều khó khăn. Đa số các trường đều khẳng định, sẽ luôn đặt chất lượng lên đầu.

Khi trường tốp đầu cũng tuyển bổ sung

Ảnh minh họa.

Tuyển sinh bao giờ cũng có ảo

Tại ĐH Kinh tế quốc dân, mặc dù trong đợt xét tuyển đầu tiên đã nhận được lượng hồ sơ tương đối, với khoảng 4.500 bộ hồ sơ nộp trực tiếp và bưu điện, đồng thời thêm khoảng 2.000 hồ sơ trực tuyến có nguyện vọng 1 vào trường. Thế nhưng, sau khi gọi thí sinh xác nhận nhập học, cũng mới chỉ đạt gần 100% số lượng thí sinh nộp giấy chứng nhận so với tổng số chỉ tiêu.

Theo lãnh đạo nhà trường, lượng hồ sơ đăng ký vào trường năm nay khác với các năm thí sinh đăng ký vào 1 trường. Bởi khi đó số hồ sơ có ý nghĩa cao, còn năm nay số hồ sơ này vẫn thấp do ảo lớn.

Cũng không kém bất ngờ, đó là ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội trong đợt xét tuyển đầu cũng không tuyển đủ chỉ tiêu, mặc dù điểm chuẩn của ngành đã giảm 0,75 điểm so với năm 2015. PGS. TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đã phải khẳng định: Một ngành tưởng như không có lượng thí sinh ảo, như ngành Y đa khoa thì thực chất vẫn tồn tại ảo. Chỉ duy nhất năm 2015, 100% số em chúng tôi gọi thì đều vào nhập học.

Theo thống kê, năm nào cũng có ảo, mức độ nhiều hay ít mà thôi. Năm nay, mức độ ảo là 10%. Trở lại những mùa tuyển sinh trước, có khi ảo đến 28,9% như năm 2011. Còn năm 2010 ảo 21,5%. Vài năm sau đó thì mức độ ảo ổn định hơn, như 5,41% vào năm 2014, 6,7% năm 2013. Phải xác định khi tuyển sinh hầu như bao giờ, ít hoặc nhiều cũng đều có tỉ lệ ảo. Lí do thì nhiều và rất khác nhau.

Từ năm 2010 trở lại đây, ông Hinh cho rằng, số ảo của ngành Y đa khoa hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép, không có gì ghê gớm cả. Còn có những ngành khác, ảo vô cùng nhiều. Chẳng hạn với ngành Y tế công cộng, có những năm ĐH Y Hà Nội gọi 5 em thì chỉ có 1 em nhập học, tới 80% là ảo.

Có nên hạ điểm chuẩn để thu hút thí sinh?

Để dự phòng cho vấn đề ảo trong năm nay, Bộ GD&ĐT đã có các cách giải quyết khác nhau, trong đó cho phép các nhà trường gọi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung với với quyền thay đổi điểm chuẩn.

Theo đó, một loạt trường ĐH đã thông báo xét tuyển bổ sung với mức điểm nhận hồ sơ thấp hơn nhiều so với điểm chuẩn ĐH đợt 1. Ví dụ, Trường ĐH Cần Thơ dự kiến xét tuyển bổ sung hơn 1.200 chỉ tiêu với mức điểm nhận hồ sơ của tất cả các ngành là 15 điểm. Trong khí đó, mức điểm trúng tuyển đợt 1 của trường là từ 15 – 22 điểm.

Trường ĐH Thương mại xét tuyển bổ sung 1.450 chỉ tiêu cho 12 ngành. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 17 – giảm từ 3 đến 6 điểm so với điểm chuẩn đợt 1 của trường (trên 21 điểm ở tất cả các ngành). Tương tự, tại Học viện Ngoại giao cũng thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của tất cả các tổ hợp môn thi (khối thi) ở các ngành đào tạo đạt 21 điểm trở lên.

Về vấn đề này, PGS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ: Cách làm của Bộ nhằm để giúp các trường có thể dễ dàng gọi các em, thuận lợi hơn trong công việc tuyển sinh của nhà trường. Nhưng đối với thí sinh, đây rõ ràng là một bất cập. Bởi vì chỉ trong vòng 2, 3 tuần có 2 nhóm vào học cách nhau từ 2 đến 3 điểm. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý các em, mà đối với việc đào tạo cũng sẽ có khó khăn nhất định.

Với thí sinh, các em nghiễm nhiên đỗ mặc dù cách đây vài tuần là trượt. Còn khi được vào học tại trường, thì trong một quần thể sẽ có hai nhóm tách biệt. Trong quá trình đào tạo nhóm quần thể chênh nhau 2, 3 điểm chắc chắn sẽ có sự khác biệt.

“Trong nhiều năm, khi làm đào tạo, chúng tôi nhận thấy nhóm những em 27 điểm với những em 24 điểm có sự khác biệt trên mọi phương diện. Vì từ xưa đến giờ các em cùng điểm học ở các chương trình khác nhau nên tương đối đồng nhất. Trong khi năm nay trong cùng 1 nhóm ngành, có 2 nhóm điểm cùng tham gia học, đây là tình trạng chưa gặp bao giờ, sẽ phải chờ phản hồi của các thầy cô qua quá trình dạy”.

Cũng theo ông Hinh, đợt xét tuyển bổ sung của Trường ĐH Y, chỉ có một ngành giảm thêm 1 điểm là ngành Y Đa khoa của phân hiệu của trường ở Thanh Hoá. Còn tất cả các ngành khác gọi thí sinh nộp hồ sơ ở mức thấp hơn 3 điểm so với nguyện vọng 1.

Tuy nhiên, về vấn đề này, nhiều trường ĐH cũng có ý kiến phản hồi rằng. Hiệu trưởng các trường là người chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động của nhà trường, trong đó có công tác tuyển sinh. Nếu trường nào đó mà thiếu quá nhiều thí sinh thì họ cũng sẽ phải tìm cách để có lượng sinh viên đủ, hoặc đảm bảo tới 85 - 90%. Việc có hạ điểm chuẩn hay không, chủ yếu phụ thuộc vào chỉ tiêu cũng như công tác đào tạo của từng trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi trường tốp đầu cũng tuyển bổ sung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO