Khi ‘xã 135’ làm nông thôn mới

Quảng Nghĩa 21/11/2020 13:00

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã tìm được cách làm riêng phù hợp với địa phương nên đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Và Hương Hóa cũng là xã 135 đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo ở xã Hương Hóa.

Hương Hóa là xã miền núi, nằm sát biên giới Việt Nam - Lào, giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh, có diện tích đất tự nhiên hơn 10.200 ha. Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa cho biết, thực hiện xây dựng nông thôn mới, địa phương đã triển khai bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực và quan trọng nhất là biết phát huy sức mạnh cộng đồng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng NTM.

Theo ông Linh, nếu như trước đây, hệ thống đường giao thông ở trên địa bàn xã hầu hết là bụi đất và chật hẹp. Muốn mở rộng và cứng hóa thì phải có kinh phí, nhưng lại không thể ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các thôn tổ chức họp dân, vận động người dân hiến đất mở đường.

Hiện nay các tuyến đường trong xã đã được xây dựng, mở rộng, trên 90% các tuyến đường đã được bê tông hóa, sạch đẹp. Hàng trăm hộ gia đình trong xã đã tự nguyện hiến đất, hiến hàng rào, cây cối… với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Nhà văn hóa các thôn được xây dựng khang trang, rộng rãi gắn liền với khu thể thao, tạo điều kiện thuận lợi để bà con sinh hoạt cộng đồng; giao lưu, phát triển các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. 9 năm qua, xã Hương Hóa đã huy động gần 68 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và phát triển sản xuất.

Một trong những kết quả nổi bật qua thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Hương Hóa là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở xã Hương Hóa đã tích cực vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều cách làm hiệu quả.

Phát huy lợi thế, tiềm năng đất gò đồi, thời gian gần đây, xã Hương Hóa đã từng bước vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây ăn quả vào trồng trên diện tích đất vườn đồi, vườn nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những loại cây được bà con trồng chủ yếu là bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam sành, cam bù và hồng xiêm. Đặc biệt, là địa phương ở vùng giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều đặc sản là bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây nổi tiếng, trong những năm qua, xã Hương Hóa khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp để trồng cam, bưởi từ nguồn giống của địa phương bạn. Do có sự tương đồng về đất đai, khí hậu cho nên các loại cây đặc sản này ở Hương Hóa ngon không kém trồng tại Hà Tĩnh. Giá cam, bưởi tại Hương Hóa khá cao, lại được thu mua ngay tại gốc cho nên thu nhập của người dân được nâng lên.

Đến nay toàn xã Hương Hóa đã có trên 30ha cây ăn quả, hàng năm cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Trong đó, riêng cây bưởi Phúc Trạch chiếm trên 50% diện tích, giá trị thu được mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Cùng với trồng cây ăn quả, hiện nay, toàn xã Hương Hóa có trên 700 ha diện tích trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Theo thống kê, có khoảng 500 hộ gia đình trong xã tham gia phát triển trồng rừng. Từ sản xuất, nuôi trồng đã giúp người dân Hương Hóa thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Từ một xã nghèo thuộc chương trình 135, qua 10 năm xây dựng NTM, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở địa phương này đạt 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,3%, hộ nghèo còn 7,8%. Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế phục vụ đời sống dân sinh được xây dựng đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hương Hóa chia sẻ, điều đáng được ghi nhận ở xã Hương Hóa nữa là người dân đã phát huy được tinh thần đoàn kết, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Xã đã xây dựng được 36 tổ liên gia tự quản. Các tổ liên gia tự quản đã phát huy được hiệu quả, có nhiều hoạt động phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, thành lập tổ tiết kiệm giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn… tạo sự gắn kết giữa các thôn, xóm.

Bằng những định hướng, giải pháp phù hợp cộng với tính chủ động, cần cù, dám nghĩ dám làm của người dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Hương Hóa được triển khai thực hiện hiệu quả. Nhất là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương ngày càng lan tỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi ‘xã 135’ làm nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO