Khó không chỉ do Covid

An Hà 02/06/2021 07:19

Gần đây, buổi tọa đàm trực tuyến do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức và cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ VHTTDL, các cục, vụ chức năng có liên quan với 12 nhà hát thuộc bộ được giới trong ngành nghệ thuật biểu diễn rất quan tâm. Cùng đó là mong mỏi có được những giải pháp căn cơ mở lối cho hoạt động biểu diễn, không chỉ là lúc phải “khép màn” khi dịch Covid-19 hoành hành.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đại dịch bắt đầu từ năm 2020, tới nay lại càng phức tạp. Trong suốt thời gian dài đó, sân khấu, các nhà hát phần lớn phải ngừng biểu diễn. Nhiều người cho rằng, ngành nghệ thuật biểu diễn, nhất là các đơn vị nghệ thuật công lập đang phải đối diện với thực tế “kép”: Mất khán giả và bỏ nghề.

Làm sao đủ sống?

Nhưng, cũng không ít người cho rằng, thực tế đó không chỉ đợi đến dịch bệnh mới xuất hiện, mà nó đã có từ lâu. Việc các đoàn nghệ thuật công lập ít dần các buổi diễn, lại càng thiếu vắng những chương trình thu hút công chúng rộng rãi thì việc “mất khán giả” đã là thực tế từ lâu. Cũng từ đó dẫn đến thu nhập của người làm nghề thấp dần, nhiều người đành phải bỏ nghề vì cuộc mưu sinh.

Về việc này, nói như NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thì với nghệ thuật xiếc tuổi nghề rất ngắn, nữ chỉ làm việc đến 40 và nam thì 45 tuổi. “Là lãnh đạo, chúng tôi không thể “vắt chanh bỏ vỏ” khi để các nghệ sĩ không còn khả năng biểu diễn nghỉ việc. Thế nhưng, diễn viên trẻ là lực lượng biểu diễn nòng cốt, họ phải “nuôi” những người không thể làm việc. Liên đoàn hiện có 190 cán bộ, nghệ sĩ, trong đó 70 người thuộc diện hợp đồng, phần lớn là nghệ sĩ trẻ. Liên đoàn rất muốn giữ chân các em và mong được ký hợp đồng dài hạn, đưa vào biên chế, đóng bảo hiểm xã hội nhưng cơ quan chức năng lại không đồng ý và chỉ cho ký hợp đồng thời vụ” - NSND Tạ Duy Ánh nói.

Cũng lại chuyện áo cơm, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết bà có tới hơn 40 năm làm nghề nhưng cũng chưa đến 10 triệu đồng/tháng lương. Vậy thì với diễn viên trẻ ở diện hợp đồng vài ba triệu làm sao đủ sống. “Đó là một trong những lý do khiến rất nhiều nghệ sĩ tài năng bỏ nghề. Bài toán giữ người hiện nay vô cùng khó” - NSND Thanh Ngoan bộc bạch.

NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, Nhà hát Tuồng Việt Nam có nhiều NSƯT cũng đã phải bỏ việc để ra bên ngoài bươn chải. “Không có lương, nghệ sĩ không thể sống bằng niềm tin” - ông Tuấn nói.

Khó khăn khi tự chủ

“Chi tiết” hơn, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam phân tích: Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã quá lỗi thời. Mức 200.000 đồng/buổi diễn áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, chỉ đạo nghệ thuật là quá thấp.

Ở đây, chính là chế độ đãi ngộ và việc tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật công lập. Nhiều năm qua, thời thế đã thay đổi, cuộc sống ngày càng phát sinh nhiều nhu cầu hơn, nhưng công việc thì ít dần, người mua vé đi xem ít dần nên việc lãnh đạo các nhà hát, các đoàn nghệ thuật công lập như “ngồi trên lửa” cũng là điều dễ hiểu.

Cũng còn một thực tế nữa, đó là việc trả thù lao chênh lệch quá xa giữa “ông bầu” với đơn vị nghệ thuật họ công tác. Không nói đến những tài danh được trả thù lao ngất ngưởng, thì những người “tầm tầm” khi tham gia biểu diễn bên ngoài cũng được trả tương đối. Thu nhập phụ đã thành thu nhập chính, vì thế họ cũng không mấy tha thiết với những việc “làm công ăn lương”, người một nơi hồn một nẻo. Điều đó cũng thật khó trách.

Nhưng, một lý do rất quan trọng chính là các đoàn nghệ thuật công lập đã “ngủ quên” quá lâu, không bắt nhịp với cuộc sống bên ngoài. Trong khi ngày càng nhiều loại hình biểu diễn, thì các nhà hát “làm công ăn lương” vẫn đóng khung trong các chương trình, kịch mục không tiệm cận được với những làn sóng ào ạt bên ngoài.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng phải thừa nhận, việc tự chủ đối với các nhà hát công lập hiện nay đúng là vô cùng nan giải. Từ đó việc ổn định đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ cũng không dễ dàng chút nào. Ông Đông cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang gấp rút hoàn thiện “Đề án sắp xếp nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở trung ương”, trong đó sẽ đề xuất những cơ chế phù hợp với thực tế sẽ giúp ngành nghệ thuật biểu diễn tồn tại và phát triển với tầm nhìn lâu dài.

Còn tân Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ thành lập tổ nghiên cứu, rà soát mô hình phát triển của từng nhà hát theo hướng tinh gọn, tăng thẩm quyền cho ban giám đốc và hội đồng nghệ thuật. Sẽ cùng với các nhà hát rà soát lại các chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng để làm sao cân đối nhu cầu theo từng đơn vị, chấm dứt phân chia chỉ tiêu theo kiểu “cào bằng”.

Ông Hùng cũng yêu cầu khẩn trương rà soát văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật biểu diễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung, qua đó sớm khắc phục những bất cập. Trước mắt, lãnh đạo bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19.

Đó là những tín hiệu tốt từ nhà quản lý. Nhưng, như đã nói, nhiều nghệ sĩ, cán bộ quản lý nhà hát công lập cho rằng, dẫu sao thì khó khăn do Covid-19 mang lại cũng chỉ là trước mắt. Vả lại, thế giới cũng đã chuẩn bị tâm thế “sống chung” với dịch, thì cũng không thể “đánh cờ nước một”, cho dẫu thế cũng đã là quý. Quan trọng là cần nhìn vào một thực tế là làm gì để có thể phát triển căn cơ, bền vững. Vì, sự thực là khi chưa có dịch thì hầu hết các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập cũng không hút được khách và vẫn có nhiều nghệ sĩ chia tay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó không chỉ do Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO