Khó như... bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

THANH GIANG 02/08/2022 09:35

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng không đơn giản, rất muốn bảo vệ người tiêu dùng nhưng bản thân người tiêu dùng lại không biết tự bảo vệ mình...

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp.

Phát hiện nhiều vụ vi phạm

Bà Phong Lan thông tin, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố từng bắt 20 tấn thịt heo thối, nhìn là biết không thể ăn được. Nhưng để có thể tịch thu và tiêu hủy thì không đơn giản vì chủ hàng cãi là hàng có nguồn gốc rõ ràng. Cuối cùng, đơn vị phải cho hàng về kho chờ doanh nghiệp (DN) đem giấy tờ đến, đồng thời chờ kết quả kiểm nghiệm. 3 ngày sau, DN trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhưng lại đưa ra giấy tờ giả. Giấy tờ giả cộng với kết quả kiểm nghiệm đương nhiên không đạt nên bị tịch thu và tiêu hủy xử phạt nhưng DN lại bỏ trốn. Vậy là lại tiếp tục chờ 7 ngày UBND quận/huyện ra quyết định công nhận, thì DN đã trốn mất.

“Ngay khi nhận thông tin có địa chỉ ở quận 6 làm bánh trung thu bán một ngày mấy trăm cái đơn vị đã đến kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở không công bố chất lượng sản phẩm. Theo tôi, giờ mà nói đến những cơ sở chế biến tự công bố chất lượng sản phẩm thì có đến 30 - 40% cơ sở vi phạm, không đúng với những gì tự công bố”- bà Lan nói và cho biết thêm: Khó khăn trong quản lý hiện nay chính là bán hàng không phép và bản thân người tiêu dùng (NTD) cũng không biết tự bảo vệ mình.

Liên quan đến công tác quản lý hàng hóa và bảo vệ NTD, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, giai đoạn 2010 đến nay đã tiến hành kiểm tra 60.690 vụ thuộc các nhóm hành vi buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng cấm, buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, buôn bán hàng giá và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, có 51.995 vụ vi phạm đã xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1.105 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giai đoạn 2010 đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD thành phố đã thực hiện công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại của NTD gần 800 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành công là hơn 85%. Qua công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại NTD cho thấy, hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ NTD chủ yếu là khuyến mãi, quảng cáo không đúng quy định pháp luật, không trung thực, thông tin không rõ ràng, gây hiểu lầm hoặc lừa dối NTD. Từ đó làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.

Tăng cường kiểm tra

Ngoài những các vi phạm kể trên, theo cơ quan chức năng TPHCM, vấn đề quản lý thương mại điện tử (TMĐT) cũng cần được chú ý đến nhiều hơn. Một số chuyên gia kinh tế khẳng định, TMĐT phát triển mạnh song cũng xuất hiện những hệ lụy đi kèm. Bán hàng trực tuyến phải đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hóa, phải công khai chứng tờ hợp pháp.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho hay, TMĐT trên địa bàn TPHCM tăng trưởng ở mức 2 con số. Cụ thể, năm 2021, tăng 26%. Bên cạnh tiện lợi của TMĐT cũng có những bất cập đi kèm, như có trường hợp mua iphone nhưng được giao cho cục gạch. Theo ông Vũ, quản lý TMĐT có những khó khăn vì hình thức giao dịch, hợp đồng chưa được xác định trong quy phạm pháp luật.

Trước sự phát triển rất nhanh của TMĐT, TPHCM kiến nghị bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi NTD trong giao dịch có yếu tố đặc thù như: giao dịch từ xa, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch trên nền tảng công nghệ, TMĐT. Đây là những giao dịch có tính chất mới trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế trên nhiều lĩnh vực, nhiều phương thức. Bên cạnh đó, do lĩnh vực bảo vệ NTD chịu sự điều chỉnh của nhiều luật chuyên nghành, do vậy trong quá trình ban hành luật cần có sự nghiên cứu, tổng hợp để ban hành đồng bộ chính sách bảo vệ NTD giữa các luật. Mặc dù giải quyết được nhiều tranh chấp, khiếu nại cho NTD song cũng cần tháo gỡ khó khăn trong quản lý. Theo đó, cần có những quy định cụ thể về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng thương lượng cụ thể như: thủ tục thương lượng, quyền và nghĩa vụ các bên liên quan trong tranh chấp,...

Về phương án quản lý chất lượng hàng hóa, lãnh đạo ngành công thương TPHCM cho biết, thành phố chủ động thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra công tác bảo vệ NTD chứ không dừng lại ở việc xử lý theo các đơn thư, khiếu nại. Hàng năm kiểm tra 5 – 10 DN về luật bảo vệ quyền lợi NTD.

“Khi tiến hành thanh tra theo kế hoạch thì tính thực tế không cao, cần tăng cường thanh tra đột xuất. Mà muốn kiểm tra đột xuất hiệu quả phải nắm thông tin các cơ sở không đảm bảo để thực hiện tốt hơn”- Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó như... bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO