Khổ như sống cạnh nhà máy không phép

Ngô Hùng 21/11/2022 07:00

Ở xã Ấm Hạ (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đang diễn ra tình trạng hàng vạn m2 đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất bị san lấp, dựng lên những nhà máy sản xuất, chế biến gỗ quy mô lớn.

Nhiều nhà máy “khủng” xây dựng không phép trên đất rừng sản xuất và đất lúa.

Điệp khúc kiểm tra, rà soát và báo cáo cấp trên...

Đứng bên giàn phơi quần áo, chị Tuyết, vợ anh Lê Xuân Hải ở khu 6, xã Ấm Hạ không khỏi bức xúc, nói: “Quần áo tôi vừa phơi, giờ đã đen xì vì bám đầy bụi gỗ. Sân vừa quét cũng phủ đầy bụi, mấy năm nay nhà tôi khổ sở vì ở cạnh nhà máy sản xuất gỗ Thanh Thành. Tôi nhiều lần đã có ý kiến lên lãnh đạo xã nhưng không được giải quyết”.

“Nhà tôi làm nghề lắp ráp giường, tủ, nhưng chẳng dám hoàn thiện nhiều sản phẩm vì bụi bám vào, khi lau sẽ bị xước khiến “hàng” xấu. Ngoài bụi, nhà máy còn phả khói mùi khét lẹt, khiến người dân quanh vùng khó thở, tức ngực” - anh Hải cho biết.

Theo ông Lê Đức Anh - cán bộ địa chính xã Ấm Hạ, nhà máy sản xuất chế biến gỗ trên của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Minh Thành Phú Thọ, được xây dựng từ năm 2018 với diện tích khoảng 5.000m2, nguồn gốc là đất phi nông nghiệp. “Nhà máy này đã có chủ trương đầu tư, tuy nhiên, đơn vị đăng ký đến cuối năm 2022 mới chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh. Chưa chuyển đổi đất mà đã xây dựng, sản xuất, kinh doanh là sai, xã cũng đã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính rồi” - ông Đức Anh cho biết. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp những văn bản, giấy tờ trên thì ông Đức Anh nói: “để tôi tìm lại”.

Cũng tại khu 6, xã Ấm Hạ, xưởng sản xuất và kinh doanh ván ép của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Kim Nhung cũng đang có những vi phạm. “Nhà xưởng có diện tích khoảng 4.700m2 được xây trên diện tích đất trồng cây lâu năm” - ông Đức Anh cho biết.

Được biết, ngày 10/8/2022, ông Nguyễn Việt Dũng - Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa ký Quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư xưởng sản xuất và kinh doanh ván ép đối với hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Kim Nhung. Theo đó, diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 4.500 m2, tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, thời gian hoạt động 30 năm, địa chỉ thực hiện dự án ở khu 6, xã Ấm Hạ, từ tháng 1 đến tháng 5/2023 thực hiện xây dựng các hạng mục dự án. “Dự án phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ… trước khi triển khai xây dựng; đầu tư dự án theo đúng nội dung quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư” - Quyết định nêu.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Anh, nhà xưởng này đã san gạt và xây dựng từ tháng 1/2022.

Liên quan đến vi phạm của 2 nhà máy và nhà xưởng trên, ông Phạm Quốc Đại - Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ thừa nhận đúng là có vi phạm. “Xã sẽ kiểm tra, rà soát và có báo cáo lên cấp trên xử lý để các đơn vị thực hiện theo đúng quy định” - ông Đại cho biết.

Khu du lịch biến thành xưởng gỗ ép?

Cũng tại xã Ấm Hạ, người dân khu 7 bức xúc về việc năm 2019 trước sự chứng kiến của chính quyền xã Công ty TNHH Khánh An, Phú Thọ, thỏa thuận với người dân về việc chuyển nhượng diện tích đất trồng lúa thuộc cánh đồng Bồ Hòn để làm khu du lịch sinh thái. “Tại cuộc họp này, Công ty Khánh An đưa ra bản vẽ thiết kế khu du lịch sinh thái, cùng với đó là những lời hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho người dân, nên mọi người đã nhất trí bán cho công ty hơn 1ha đất trồng lúa với giá 25 triệu đồng/sào” - ông Nguyễn Ngọc Toản, trú tại khu 7 cho biết.

Còn theo ông Đinh Quang Bình, ngày 7/7/2022, khi thấy khu đất trên được san gạt, đào móng, xây dựng công trình, người dân tìm hiểu thì được biết đơn vị đang làm nhà xưởng sản xuất gỗ ép. Thấy vậy, người dân đã phản đối vì công ty không giữ lời hứa ban đầu, đồng thời xưởng gỗ ép gần khu dân cư sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngày 16/7/2022, nhiều người dân sống tại khu 7 đã làm đơn tập thể gửi đến UBND xã Ấm Hạ đề nghị kiểm tra, rà soát và có câu trả lời thỏa đáng cho người dân về sự việc trên.

“Sau khi kiểm tra thực địa, nhận thấy sự việc đã vượt quá thẩm quyền xử lý nên ngày 5/10, UBND xã Ấm Hạ đã có văn bản báo cáo nhanh về việc phát hiện vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hạ Hòa. Theo đó, khu vực đơn vị tự ý san hạ cốt nền hơn 2.500m2 (1.100m2 đất rừng sản xuất, hơn 1.400m2 đất trồng lúa), khối lượng đất san gạt khoảng 2.300m3” - ông Lê Đức Anh cho biết.

Khi được hỏi, sau khi xã có văn bản báo cáo, đến nay UBND huyện đã có ý kiến, trả lời gì chưa? ông Đức Anh trả lời: “chưa có”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khổ như sống cạnh nhà máy không phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO