Khó thu hồi ô tô hết 'đát', vì sao?

Hạnh Nhân 07/01/2021 08:00

Cả nước hiện có gần 223.000 xe hết niên hạn sử dụng, gồm hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở người. Tính riêng năm 2020, toàn quốc có gần 16.500 xe ô tô hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, rất ít chủ phương tiện có phương tiện hết niên hạn nộp lại biển số và đăng ký cho Cục CSGT.

Ô tô hết niên hạn sử dụng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tất cả trường hợp xe hết niên hạn đều được đăng tải công khai (biển số, địa chủ chủ xe) trên trang điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam để phục vụ lực lượng chức năng, người dân tra cứu. Đồng thời, chương trình phần mềm quản lý kiểm định cũng tự động chặn kiểm định đối với xe hết niên hạn. Do đó, chưa xảy ra trường hợp nào xe ô tô hết niên hạn “lọt” đăng kiểm. Tại mỗi địa phương, các trung tâm đăng kiểm được giao nhiệm vụ cập nhật và thông báo danh sách xe hết niên hạn cho Phòng CSGT, Thanh tra Sở GTVT để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo quy định, xe cơ giới không được phép lưu thông trên đường khi đã hết niên hạn sử dụng. Chủ phương tiện phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số và kiểm định cho cơ quan chức năng. Nhưng rất ít trường hợp chủ phương tiện chấp hành quy định nộp lại đăng ký, biển số. Tính chung cả nước, chưa đầy 10% phương tiện hết niên hạn chấp hành quy định này.

Tại Hà Nội, hai năm qua cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 3 trên tổng số gần 2.100 xe hết niên hạn sử dụng. Các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, không thể thu hồi cũng không thể quản lý loại phương tiện này. Tính trên phạm vi toàn quốc, đến hết năm 2019, Cục CSGT chỉ thu hồi được biển số và đăng ký của hơn 14.000 phương tiện.

Cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông của ô tô hết niên hạn sử dụng, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, về tiêu chuẩn kỹ thuật, xe hết niên hạn không còn bảo đảm an toàn, không được phép sử dụng và không được lưu thông. Nhưng những phương tiện này vẫn sử dụng để chở hàng hóa, thậm chí dùng vào việc chở khách, đưa đón học sinh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe hết niên hạn gây ra. Tuy vậy, tỷ lệ thu hồi phương tiện này đạt rất thấp.

Trên thực tế, quy định để phân biệt xe hết niên hạn sử dụng đã có, nhưng lại không đi kèm chế tài xử lý. Nghị định 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện. Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an cũng quy định sẽ thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe hết niên hạn sử dụng nhưng không có điều khoản nào xử phạt trong trường hợp chủ phương tiện không chấp hành. Luật Giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm việc sử dụng xe hết niên hạn tham gia giao thông, song chưa có điều khoản nào nêu rõ, sẽ bị thu hồi hay bị tiêu hủy.

Như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do chưa có chế tài xử phạt chủ phương tiện không nộp lại đăng ký, biển số, khiến nhiều chủ xe chưa chấp hành. Bởi nhiều người vẫn giữ quan niệm chiếc xe là một tài sản.

Đề xuất giải pháp thu hồi xe quá tải của ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam được dư luận quan tâm khi cho rằng, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện chấp hành, thay mới phương tiện, nhiều trường hợp đó còn là phương tiện mưu sinh. Bởi vậy, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách cùng nguồn lực xã hội hóa, với cách làm linh hoạt. Khi chủ xe thấy việc tiêu hủy phương tiện dễ dàng và có lợi hơn là chịu rủi ro khi lưu hành phương tiện hết niên hạn, lúc đó chế tài mới phát huy hiệu quả.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), niên hạn sử dụng được tính từ năm sản xuất xe, trong đó xe tải có niên hạn sử dụng không quá 25 năm, xe chở người không quá 20 năm. Trách nhiệm của lực lượng CSGT là cấp biển số cho các xe đúng niên hạn, hết niên hạn sẽ thu hồi đăng ký xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó thu hồi ô tô hết 'đát', vì sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO