Cơ chế đặt hàng giúp khoa học công nghệ phát triển

Lê Anh 12/04/2016 08:01

Ngày 11/4, UBND TP HCM đã báo cáo kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học công nghệ (KH-CN) của thành phố trong giai đoạn 2005 - 2015.

Khoa học công nghệ đang được TP.HCM tận dụng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Ảnh: Hồng Phúc.

Qua 10 năm, TP HCM đã kịp thời xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển KH-CN, thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Theo đó, hoạt động KH-CN của thành phố được tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm, 9 ngành dịch vụ và 6 chương trình đột phá.

Cho đến nay, Sở KH-CN TP vẫn là cơ quan đầu mối, tham mưu cho UBND TP về tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động KH-CN và tập trung nghiên cứu, phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn như cơ khí - tự động hóa, thiết kế vi mạch, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng,...

Theo ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND TP, thời gian qua TP HCM đã chủ động trong việc hình thành một số cơ chế mới trong quản lý khoa học và phát triển công nghệ như cơ chế đặt hàng, mua sản phẩm nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu thực tế và sự phát triển của xã hội.

Hoạt động đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung vào một số đề tài, dự án nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng điểm, từng bước khắc phục tình trạng “đầu tư dàn trải” trước đây. Do đó, nhiều đề tài đặt hàng nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng trong thực tế, góp phần giải quyết các vấn đề “nóng” của thành phố.

Cũng theo ông Liêm, hiện thành phố đã thành lập và đưa Quỹ phát triển KH-CN Thành phố đi vào hoạt động từ 2007 với vốn điều lệ là 50 tỷ đồng nhằm hỗ trợ triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu có sản phẩm thương mại hóa cao.

Tính đến nay, chỉ tính riêng nguồn quỹ này đã thực hiện thẩm định 10 dự án với tổng số vốn đề nghị vay là 57,2 tỷ đồng, chiếm 39,5% trong tổng vốn đầu tư là 144,7 tỷ đồng. Các dự án cho vay đều phục vụ đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ theo đúng đối tượng.

Tính trung bình ngân sách thành phố chi cho KH-CN giai đoạn 2005 - 2010 chiếm tỷ lệ khoảng 2,83%, riêng giai đoạn 2011 - 2015 chiếm tỷ lệ trung bình 2,06% so với tổng chi ngân sách của thành phố, đạt trên mức 2% được quy định trong Luật KH-CN. Trong thời gian qua, thành phố cũng đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đáng chú ý, một Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán cũng đã đi vào hoạt động với sự tham gia của các nhà khoa học Việt kiều uy tín là lãnh đạo khoa học chủ chốt của Viện.

Sau hơn 6 năm hoạt động, hiện nay Viện đã đạt được nhiều kết quả tích cực về mọi mặt: xây dựng, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, tạo dựng mối quan hệ khoa học với cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thực hiện 57 công trình khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

GS.TS Đặng Lương Mô- cố vấn Giám đốc ĐHQG TP HCM cũng cho rằng, đã đến lúc KH-CN và CNTT cần phải coi là ngành mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, theo GS Mô thì thành phố cần phải định hướng lại cho phù hợp với tình hình mới vì hiện nay sự phát triển của ngành này đã vượt xa những ứng dụng mà Việt Nam còn sử dụng hiện nay.

Theo Sở Thông tin - Truyền thông TP, trong giai đoạn 2015 – 2020, thành phố sẽ chú trọng 5 khía cạnh phát triển ngành, bao gồm: Phát triển công nghiệp phần mềm, gia công CNTT; thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, vốn đã tạo được nền tảng trong đào tạo, thiết kế vi mạch; xây dựng hạ tầng CNTT, viễn thông, được xem là vấn đề rất quan trọng trong định hướng xây dựng Smart City; ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; đảm bảo an toàn an ninh thông tin, an ninh mạng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế đặt hàng giúp khoa học công nghệ phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO