Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Thủy Anh - Ngân Hà 10/09/2015 01:07

Năm học mới 2015-2016 đã chính thức bắt đầu. Ngoài việc học tập của học sinh, các nhà trường lại xôn xao những câu chuyện nộp các khoản đóng góp đầu năm từ thu quỹ lớp đến bảo hiểm y tế, hay những việc chấn chỉnh nội quy năm học mới… Tuy nhiên, làm thế nào để không ảnh hưởng tới việc dạy và học. Làm thế nào để nội quy cũng như nề nếp được thực hiện tốt nhưng không ảnh hướng tới tâm lý cũng như chuyện học tập của các em lại là cả vấn đề lớn.

Các em HS phấn khởi bước vào năm học mới.

Ôm đồm nhiều việc dễ tạo nên áp lực

Cứ đầu năm học tới, phụ huynh học sinh lại đau đầu với các khoản thu của từng trường. Năm nay, mức phí bảo hiểm y tế bỗng dưng tăng vọt lại càng khiến họ mệt mỏi thêm, nhất là những gia đình khó khăn, hay có vài ba con cùng đang đi học.

Tuy nhiên, nói về điều này các phụ huynh thường không biết kêu ai, mà chỉ biết kêu với giáo viên chủ nhiệm. Mặc dù giáo viên chủ nhiệm cũng chỉ là người đi thu hộ. Điều này cũng tạo những áp lực không nhỏ cho giáo viên.

Theo chia sẻ của một giáo viên trường THCS-THPT Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An): Những năm trước, nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm phải thu tiền bảo hiểm của HS.

Những giờ sinh hoạt 15 phút đầu giờ giáo viên chẳng khác gì “chủ nợ” đi đòi tiền HS. Thậm chí có em sắp hết năm học vẫn không nộp tiền, giáo viên lại phải đến tận nhà để hỏi nguyên nhân. Có trường hợp do gia đình không có tiền, song có em bố mẹ cho tiền nhưng lại không nộp để chơi game…

Tại một số nhà trường, giáo viên chủ nhiệm còn phải ôm đồm quá nhiều việc khiến sự mệt mỏi, áp lực lại càng lớn thêm. Theo chia sẻ của một giáo viên dạy cấp 2 tại Lai Châu cho biết: Cô là giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, nên số tiết dạy ít hơn các giáo viên khác. Thay vào đó, cô được giao nhiệm vụ chủ nhiệm một lớp 7, kiêm quản lý kho của nhà trường.

Cô cho biết đã từng gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm chủ nhiệm lớp và cũng không được học về quản lý kho… Đã có lúc cô cảm thấy vô cùng áp lực khi công việc không hoàn thành như mong muốn.

Hiện nay, tại một số trường trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về công tác đảm bảo đội mũ bảo hiểm đến trường đối với HS. Tuy nhiên cách làm của nhiều nhà trường đã khiến nhiều phụ huynh, HS cảm thấy áp lực. Dù rằng việc chấn chỉnh nội quy nếu được nhà trường giải quyết khéo léo sẽ tạo nên một nề nếp tốt.

Chẳng hạn, ở một trường THCS tại Hà Nội, từ khi bước vào năm học mới đã cho một đội quân các em HS “túc trực” ngoài cổng trường từ sáng sớm để ghi vào sổ đỏ danh sách những bạn nào đã đội mũ bảo hiểm, hoặc bạn nào không đội. Ngoài ra còn ghi tên trừ điểm thi đua HS nếu như phụ huynh của các em cũng không đội mũ bảo hiểm khi đưa đến trường.

Có em đã phải khóc cả buổi sáng để xin bạn cờ đỏ không ghi tên trừ thi đua khi bố quên không đội mũ. Cũng có em đã không thèm nói chuyện với mẹ vì lỡ không thực hiện đúng nội quy.

Có thể nói, việc giáo dục HS là trách nhiệm của các nhà trường. Nếu mỗi nhà trường cùng góp sức với các cơ quan đoàn thể khác tập trung đảm bảo nề nếp cho HS khi đến trường thì sẽ rất tốt, và được cả xã hội ủng hộ. Nhưng thiết nghĩ, vấn đề thực hiện nội quy của các nhà trường cũng cần được xem lại một cách nghiêm túc.

HS có cần thiết phải đứng ở cổng trường để soi xét xem hôm nay ai đã đội mũ bảo hiểm, ai không đội? Hoặc những thứ đó có nên đánh vào các điểm thi đua, hạnh kiểm của HS để tạo áp lực nặng nề trong các em không? Việc giám sát đội mũ bảo hiểm của phụ huynh cũng như HS, có nên để có các cán bộ công an phường đảm nhiệm để các em có thể toàn tâm, toàn lực học hành?

Có những nhà trường như trường THPT Tiến Thịnh trong các buổi chào cờ mỗi tuần đều lồng ghép các tiết mục kịch về an toàn giao thông, về giáo dục sức khỏe sinh sản… dạy HS. Đó cũng là một cách để các em HS đến trường trong niềm vui, phấn khởi.

Cần phối hợp tốt giữa phụ huynh và nhà trường

PGS. TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã từng chia sẻ rằng: Các giáo viên hiện nay đang làm cả những việc không thuộc bổn phận của mình, chẳng hạn như tư vấn tâm lý…

Các giáo viên có phải “ba đầu sáu tay” đâu mà có thể làm hết các việc đó? Hoặc là các vấn đề đó có thuộc chuyên môn của các giáo viên chủ nhiệm đâu mà có thể tư vấn được…

Mỗi người có bổn phận riêng, và cần phải làm tốt bổn phận ấy. Các nhà trường có thể có thêm những bộ phận khác như tư vấn học đường, nhưng những người ấy phải có bằng cấp hẳn hoi, được đào tạo bài bản.

Từ thực tế đang có nhiều áp lực cho giáo viên chủ nhiệm, cũng như tất cả các giáo viên đang trong guồng quay của đổi mới giáo dục, một số nhà trường đã có những phương án tổ chức lớp học, công việc của các giáo viên khoa học hơn.

Cô Phạm Thị Quang, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B trường Tiểu học Cẩm Thành 1(Thanh Hóa) chia sẻ: Hiện nay cô vừa là giáo viên chủ nhiệm kiêm Chủ tịch công đoàn nhà trường. Vì thế cô được nhà trường giảm cho số tiết dạy, chỉ phải dạy 16 tiết/tuần. Thêm vào đó mỗi lớp cũng có thêm các thầy cô là phó chủ nhiệm nên công việc của các giáo viên chủ nhiệm đỡ vất vả hơn.

Hoặc trường hợp cụ thể ở trường Tiểu học Đồng Trúc (Thạch Thất, HN), cô giáo Triệu Thị Thanh Nga cho biết: Từ năm ngoái giáo viên chủ nhiệm đã không phải thu các khoản phí đầu năm, kể cả sách giáo khoa. Công việc này được giao cho thủ quỹ.

Còn tiền bảo hiểm y tế, hay việc quán xuyến HS đội mũ bảo hiểm tới trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em HS chứ không đánh vào thi đua, hạnh kiểm…

Theo một số giáo viên, để có thể làm tốt các công tác thu chi, cũng như thực hiện nề nếp đầu năm, các bậc phụ huynh cần phối hợp tốt với các nhà trường trong công tác giáo dục nề nếp con trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO