Nam Định: Sáng tạo kỹ thuật làm lợi tiền tỷ

Duy Hưng 19/01/2020 11:51

Giải pháp “Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp để thu gom chất thải của tôm bằng dụng cụ siphong, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm tại xã Giao Long, Giao Thủy” (giải nhất lĩnh vực Nông nghiệp Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ VII) đã và đang giúp một cơ sở nuôi tôm thu lãi tới 15 tỷ đồng/năm.

Nam Định: Sáng tạo kỹ thuật làm lợi tiền tỷ

Hội thi vinh danh 35/94 giải pháp dự thi.

Tối ngày 18/1, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định phối hợp cùng một số đơn vị của tỉnh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ VII (2018-2019)...

Theo ban tổ chức, Hội thi lần này nhận được 94 giải pháp dự thi của các tác giả, nhóm tác giả đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Trong đó có 6 giải pháp thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; 15 giải pháp thuộc lĩnh vực Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông; 3 giải pháp thuộc lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng; 9 giải pháp thuộc lĩnh vực Nông lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; 5 giải pháp thuộc lĩnh vực Y dược; 56 giải pháp thuộc lĩnh vực Giáo dục.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố và trao 35 giải thưởng cho các giải pháp dự thi, bao gồm 2 giải nhất, 4 giải nhì, 9 giải ba, 20 giải khuyến khích.

Trong đó, 2 giải nhất được trao cho tác giả Trần Thị Hải Bình, Đỗ Văn Tiến (Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định) với giải pháp “Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp để thu gom chất thải của tôm bằng dụng cụ siphong, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm tại xã Giao Long, Giao Thủy” (thuộc lĩnh vực Nông lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường); tác giả Trần Thị Xuân Nhiệm, Trường PTTH Nam Trực với giải pháp “Giáo dục lòng yêu nước, tự hào về lịch sử địa phương khi tiếp cận hào khí Đông A trong văn học Lý-Trần (thuộc lĩnh vực Giáo dục).

Theo ông Lê Đức Ngân, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ VII ghi nhận tiếp tục có sự đa dạng về đối tượng dự thi, bao gồm cả công chức, viên chức, công nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, có tới 4 người có học vị tiến sỹ dự thi.

Các giải pháp được trao giải cao được đánh giá cao ở tính ứng dụng, trước khi dự thi đều đã được ứng dụng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống.

Trong đó, giải pháp “Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp để thu gom chất thải của tôm bằng dụng cụ siphong, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm tại xã Giao Long, Giao Thủy” (giải nhất lĩnh vực Nông nghiệp) đã và đang giúp một cơ sở nuôi tôm thu lãi tới 15 tỷ đồng/năm.

Giải pháp “Thiết kế dụng cụ vận chuyển cá bống bớp không cần nước và oxy, giữ cá sống từ 3-5 ngày trong điều kiện khắc nghiệt” (giải nhì lĩnh vực nông nghiệp) đang giúp một cơ sở sản xuất cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng gia tăng lợi nhuận khoảng 32 tỷ đồng/năm khi ứng dụng vận chuyển 1.000 tấn cá...

Hạn chế của Hội thi là có tới 4/6 lĩnh vực dự thi không phủ kín giải, trong đó lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông không có cả giải nhất và giải nhì; lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng chỉ có một giải khuyến khích...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Sáng tạo kỹ thuật làm lợi tiền tỷ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO