Phát huy nguồn vốn ODA trong giáo dục

Đoàn Xá 21/09/2015 09:40

Hiện việc sử dụng nguồn vốn vay ODA cho ngành giáo dục vẫn còn nhiều nỗi lo. Thực tế khi nhận được các khoản tiền vay ODA, địa phương phải có những ràng buộc khắt khe của phía đối tác bỏ vốn. Đây cũng là chủ đề chính trong hội thảo về thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA trong giáo dục vừa được Ủy Ban văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội thảo luận cùng với các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành của nhiều địa phương tại TP HCM.

Phát huy nguồn vốn ODA trong giáo dục

Cần cân nhắc kỹ các dự án ODA trong giáo dục.

Nhiều trường lớp khang trang nhờ ODA

Theo Tiến sỹ Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội thì, việc làm sao thu hút nguồn vốn ODA và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này đang là một câu hỏi của lãnh đạo ngành giáo dục. Mặc dù so với nhiều ngành khác như giao thông, xây dựng, năng lượng… số vốn ODA dành cho giáo dục chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng ý nghĩa lại rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, lao động cho tương lai. Chính vì thế, việc thu hút vốn ODA cho ngành giáo dục là việc nên làm, cần phát huy triệt để hơn nữa trong khi nguồn ngân sách nhà nước dành cho ngành này vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, ông Bùi Hữu Thành Cát, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắc Lắc cho biết, thời gian qua địa phương này đã có một số trường được xây dựng kiên cố, các trang thiết bị, đồ dùng học tập, từ các nguồn tiền ODA với số tiền hàng chục tỷ đồng. Lợi ích của việc này là làm cho nhiều phòng học khang trang hơn, các thiết bị dạy và học tiên tiến được cung cấp, đưa tới nhiều trường học trên địa bàn, cả trường dân tộc nội trú để phục vụ việc dạy và học.

Tương tự, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng An Giang cũng xác nhận, nhằm chuẩn bị công việc dạy và học, đào tạo nghề phục vụ cho thị trường lao động các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trường này có chủ trương xin nguồn tài trợ các dự án ODA để mua các trang thiết bị, nâng cao công tác dạy và học trong nhà trường.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, thời gian qua, nhờ có các nguồn vốn ODA, rất nhiều trường học, trang thiết bị mới đã được đưa vào phục vụ học sinh. Thực tế theo lãnh đạo tỉnh này, nếu không có nguồn vốn ODA, việc thực hiện các dự án trên là vô cùng khó khăn vì bản thân Ninh Thuận là tỉnh nghèo, nguồn thu ít mà địa bàn rộng, ngân sách chi trả cho giáo dục hàng năm rất lớn.

Không chỉ toàn lợi thế

Phải nhìn nhận ngay rằng, ODA cũng là một hình thức hợp tác kinh tế thương mại. Nghĩa là những đối tác có tiền sẽ bỏ vốn đầu tư cho những đối tác đang phát triển theo hình thức cho vay không hoàn lại, cho vay lãi suất ưu đãi và cho vay thông thường. Ở chiều ngược lại, trong xuất phát điểm cần nguồn tài trợ, việc các địa phương sử dụng nguồn vốn ODA trong giáo dục và chấp nhận các điều kiện của những đối tác cũng là điều khá bình thường và thời gian hơn 10 năm qua đã chứng minh, nó mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, đặc biệt là giáo dục ở các địa phương khó khăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng, vốn ODA không chỉ toàn “lợi thế” mà lãnh đạo cần tỉnh táo khi tiếp nhận.

Tiến sỹ Dương Đức Ứng cho rằng, thực tế đã chứng minh, nguồn vốn ODA thời gian qua chủ yếu được đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề chứ chưa chú trọng vào việc phát triển giáo dục ở các vùng khó khăn, nông thôn hay miền núi. Nguyên nhân của tình trạng này, tất nhiên không phải do phía lãnh đạo ngành giáo dục mà chính là do các yêu cầu của đối tác.

Không khó để trả lời câu hỏi vì sao đối tác bỏ tiền tài trợ ODA chỉ đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề bởi đó là nơi mà chính các đối tác này, thông qua các dự án làm ăn liên doanh khác sẽ tuyển dụng, chiêu mộ những lao động đó. “Nôm na, họ bỏ tiền để chúng ta đào tạo, rồi họ sẽ cho các công ty đang làm dự án sử dụng lao động này”, TS Ứng nhận xét.

Có một thực tế là, nguồn vốn ODA trong ngành giáo dục chủ yếu được phân bổ theo cơ chế “xin - cho”. Vì thế đã nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là sự bất cập, thiếu đồng bộ. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum nhận định nhiều dự án ODA của tỉnh này được tài trợ đã xây dựng những ngôi trường rất lớn, đúng theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến khi họ cung cấp nguồn vốn.

Tuy nhiên, trang thiết bị dạy và học, hay thậm chí là bàn ghế lại thiếu đồng bộ vì không xin được dự án ODA nên chỉ sử dụng những sản phẩm cũ kỹ. Hay các dự án ODA rót vốn mua sắm trang thiết bị dạy học như máy tính, bảng tương tác, các thiết bị khoa học thông minh nhưng thực tế, không có tiền đầu tư để giúp giáo viên giảng dạy trên những thiết bị đó khiến nhiều thiết bị phải bỏ hoang gây lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy nguồn vốn ODA trong giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO