Khoanh vùng dập dịch - kinh nghiệm từ Sơn Lôi

Nam Việt 04/03/2020 07:30

Ngày 13/2, sau khi ghi nhận ca thứ 6 nhiễm chủng mới virus Corona tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) công tác phong toả được tiến hành, với gần 11.000 người dân trong xã phải cách ly. Hôm nay, 4/3, sau hơn 20 ngày, xã Sơn Lôi được dỡ bỏ phong tỏa. Như vậy, công tác phòng chống dịch đối với xã này đã thành công ngoài mong đợi.

Khoanh vùng dập dịch - kinh nghiệm từ Sơn Lôi

Khoanh vùng, cách ly để dập dịch.

Còn nhớ, trước đây 3 tuần, khi thông tin phong tỏa xã Sơn Lôi vì Covid-19, dư luận đã bàn tán rất nhiều. Vì đó là việc làm có thể nói là “chưa có tiền lệ” trong việc khoanh vùng, dập dịch, xét về mức độ phong tỏa khi mà đối tượng cách ly là toàn bộ người dân, công nhân, người thuê trọ trong xã; cùng đó là thiết lập 12 chốt, trạm kiểm soát y tế đối với địa phương này.

Lúc bấy giờ, người ta e dè, phần nào kỳ thị không chỉ đối với người dân huyện Bình Xuyên, kể cả với người tỉnh Vĩnh Phúc. Đến độ lãnh đạo tỉnh này đã phải lên tiếng xin đừng kỳ thị.

Theo thời gian, đếm từng ngày, dư luận tập trung sự chú ý vào tâm điểm dịch Sơn Lôi. Vừa hồi hộp vừa mong cho sự an lành sẽ đến. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, đó là đạo lý truyền thống của người Việt Nam.

Đến hôm nay, việc phong tỏa xã Sơn Lôi được dỡ bỏ, niềm vui thật lớn. Không chỉ người dân xã Sơn Lôi mà cả tỉnh Vĩnh Phúc, cả nước đều vui mừng. Những hành động khẩn trương, quyết liệt ngăn chặn, phong tỏa, dập dịch đã thành công. Dù mới là bước đầu nhưng thành tích ấy là rất đáng tự hào, đặc biệt trong khi dịch Covid-19 đang lan rộng trên phạm vi thế giới.

Như vậy, theo đúng lịch, kể từ lúc 0 giờ ngày 4/3, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) sẽ hết thời hạn cách ly, dỡ bỏ phong tỏa vì dịch Covid-19. Đây là dấu mốc quan trọng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này tại Việt Nam.

Nói về công tác cách ly ở Sơn Lôi những ngày qua, ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Bộ (đến xã Sơn Lôi) cho biết, việc xã Sơn Lôi ngay lập tức rà soát, lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc gần với người nghi mắc bệnh hoặc đã xác định mắc bệnh, tổ chức cách ly triệt để người tiếp xúc gần, không được ra khỏi khu vực cách ly đã tạo nên sự thành công. Cán bộ y tế theo dõi tình hình sức khỏe, nhiệt độ những người cách ly ngày 2 lần và báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên. Lúc ấy, nếu người dân không chấp hành cách ly, chính quyền sẽ cưỡng chế cách ly. Cách xử lý ấy dù rất “rắn” nhưng không thể khác được, vì đó là trách nhiệm với cả cộng đồng rộng lớn, chứ không phải với riêng xã nào, huyện nào, tỉnh nào. Còn theo ông Phạm Quang Thái- Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), việc phong tỏa, cách ly cả một xã trong tình hình dịch bệnh là điều cần thiết để ngăn chặn không cho dịch lan rộng.

Điều đáng nói là trong suốt 3 tuần khoanh vùng, cách ly, cuộc sống của người dân xã Sơn Lôi không có nhiều thay đổi. Chính quyền vẫn lo để người dân có cuộc sống bình thường. Trong tuần đầu tiên buộc phải phong tỏa để dập dịch, một số người dân lo lắng hoặc cảm thấy buồn vì bị kì thị nhưng càng về sau mọi người đều thấy rằng đó là điều cần thiết. Nỗ lực của các cơ quan chức năng, của chính quyền đã khiến người dân an lòng.

Vậy, sau khi phong tỏa xã Sơn Lôi để chống dịch Covid-19 và đã thành công, bài học rút ra là gì? Tất nhiên có nhiều điều đáng nói, nhưng nổi lên hơn cả là việc kiên quyết khoanh vùng, cách ly. Điều đó cần phải được áp dụng trên diện rộng để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào nước ta, tất cả người nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch phải thực hiện việc khai báo y tế và kiểm dịch y tế tại cửa khẩu. Những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần được chuyển ngay tới các cơ sở y tế để cách ly.

Trong tất cả các cuộc họp liên quan tới phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh chống dịch phải như chống giặc; phải kiểm soát chặt chẽ từ đầu và phải khoanh vùng cách ly tập trung. Đó là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, và hiệu quả đã thể hiện trong thực tế, nhất là trong hoàn cảnh nước ta có đường biên giới dài chung với Trung Quốc, cư dân hai nước qua lại rất nhiều. Cùng đó, với Hàn Quốc- nơi bùng phát sau Trung Quốc- thì người Hàn sang Việt Nam làm ăn, du lịch nhiều, người Việt ở Hàn Quốc cũng nhiều (chưa nói đến các quốc gia khác) thì việc cảnh giác, quyết liệt lại càng phải làm thường xuyên, liên tục.

Kinh nghiệm từ “ổ dịch” Sơn Lôi cho thấy, chủ động, kiên quyết khoanh vùng, cách ly ngay từ đầu là biện pháp hữu hiệu nhất. Từ đó, ai ai cũng thấy đó là việc cần thiết, vì mình mà cũng vì cộng đồng. Còn nếu trù trừ, do dự thì hậu quả sẽ khôn lường.

Như vậy, theo đúng lịch, kể từ lúc 0 giờ ngày 4/3, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) sẽ hết thời hạn cách ly, dỡ bỏ phong tỏa vì dịch Covid-19. Đây là dấu mốc quan trọng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này tại Việt Nam. Niềm vui thật lớn. Không chỉ người dân xã Sơn Lôi mà cả tỉnh Vĩnh Phúc, cả nước đều vui mừng. Những hành động khẩn trương, quyết liệt ngăn chặn, phong tỏa, dập dịch đã thành công. Nếu không kiên quyết từ đầu thì không thể có thành công của ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoanh vùng dập dịch - kinh nghiệm từ Sơn Lôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO