Khóc với hoa sen

Trang Thanh 25/06/2021 09:00

Con đường ngang qua cánh đồng mênh mông lúa và bạt ngàn những đầm sen xanh ngần mùa hạ.

Con đường cỏ ấy cũng dẫn tới dòng sông đẹp đẽ và mộng tưởng nhất tuổi thơ tôi - là dòng sông nơi tôi thường được theo mẹ, theo chị đi hái ngô, hái đậu theo mùa. Vào ngày hạ, đầm sen tươi tốt chen chúc chờm cả lá hoa lên vệ cỏ, lá hoa chạm thơm vạt áo người đi qua. Những búp hoa hồng thơm cổ tích giấu mình lấp ló làm duyên dưới những tán dù sen óng xanh kiêu hãnh.

Tôi lặng lẽ lùi lại sau mẹ, sau chị trên con đường cỏ ướt, lặng lẽ một mình quan sát những giọt sương đang dần thu mình bé lại trên những dù sen xanh óng. Mắt tôi cứ nhìn như muốn hút lấy những giọt sương như thế, cho đến cuối cùng, chỉ còn một chấm nước nhỏ nhoi bất ngờ mất hút đi đâu dưới rực rỡ nắng trời. Và tôi đứng đó, đã cách xa mẹ và chị một quãng rất dài. Tôi nghe mẹ quay lại thất thanh gọi mắng, rằng không đi nhanh chân lên, cứ vớ vẩn gì ở đấy mãi thôi!

Phải, tôi rất là một đứa trẻ vớ vẩn! Tôi mộng mơ và yếu ớt, u buồn và lặng lẽ từ tấm bé. Cũng hay nghĩ những điều mà bọn bạn tôi không nghĩ từ tấm bé…

Lúc bấy giờ tôi thường hay nghĩ miên man về nhiều thứ, cũng toàn thứ vớ vẩn! Về những giọt sương đậu xuống rồi bay đi, mỗi đêm mỗi sáng, ngày nào cũng thế, trên cỏ, trên cây, trên những đầm sen. Nhưng sen chỉ mỗi năm một lần mùa đến. Còn một mùa là sen đi trốn. Tôi nghĩ vậy, sau này tôi được biết đó là mùa sen tu. Sen sẽ giấu mình sâu dưới bùn đen, giấu thôi, củ sen, ngó sen còn ở sâu trong lòng đất. Sen không chết đi, không biến mất, sen chỉ trốn đi để đợi hồi sinh, nhà Phật gọi đó là sen u vi. Cả cái mùa sen u vi ấy, là nàng sen đi tu. Đi tu để đợi luân hồi.

U vi – sen ẩn dưới bùn sâu, xa lìa trần thế, để âm thầm nuôi giấu những ngó sen trắng ngần, chờ đợi mùa xuân về sẽ thức dậy mùa xanh. Như người tu nén kìm tất thảy mọi thói thường trần tục, dâng hiến âm thầm để chờ ngày vươn lên cõi sáng, cõi giải thoát. Đầu tiên là những lá sen trang bám tròn mặt nước, rồi sau là búp lá cuốn chầm chậm vươn cao, gặp nắng mưa đầu hạ bật mở thành chiếc dù sen xanh biếc. Những dù sen khi mở lá bao giờ cũng hướng mặt lên trời cao, mạng gân lá lan tỏa khiến chiếc lá sen cũng đẹp, hứng lấy tất cả nắng mưa mà lòng sen từ bi hướng thiện, nhà Phật gọi đó là tế vi. Khi sen dù lên cao cũng là lúc sen ươm nụ. Mỗi dù sen sinh một nụ sen!

Trưa ấy tháng tám nắng rám má hồng. Một mùa hè mưa nhiều nắng dữ nên mùa sen năm ấy dày hoa thắm lá và kéo dài đến tận Trung thu, gọi là mùa sen trẻ. Tôi cùng một lũ chúng bạn đầu trần đội nắng đi học về trên con đường cỏ chan chan nắng và còn xanh ngút một trời sen. Em họ tôi bỗng kêu nắng quá, rủ chúng mình hái lá sen đội lên đầu cho mát đi. Một thoáng lưỡng lự. Chúng tôi đùn đẩy nhau xem cái lá sen cực to và đẹp đẽ nhường kia, ai có thể hái trước. Cuối cùng tôi hái trước. Tôi là chị mà!

Em cầm lấy một tay tôi kéo ngược lại phía con đường, tôi vươn tay kia thật xa về phía đầm, cố gắng hết sức mình để bứt lấy chiếc lá sen to đẹp đẽ. Chúng tôi như trong một phen kéo co. Khi chiếc lá trên tay tôi rồi thì đến lượt em do dự, em bảo sợ, không dám hái nữa. Tôi một mình ngơ ngẩn với chiếc lá sen đầy nắng trên tay…

Biết làm sao! Tôi đội chiếc lá lên đầu. Đã hái rồi mà! Thi thoảng tôi nhường lá cho em, mỗi đứa đội một đoạn đường. Trán chúng tôi lấm tấm mồ hôi và má chúng tôi ửng đỏ...

Đột nhiên, chiếc lá sen bất ngờ bị nhấc khỏi đầu tôi, bởi một người đàn ông lớn tuổi người cùng làng. Là chủ thầu đầm sen?! Anh ta tuyên bố: Chiếc lá năm nghìn; một chiếc lá là một bông sen – mười nghìn; một bông sen là một đài sen – mười lăm nghìn. Mang về cho bố mẹ chúng mày nộp phạt!

Anh ta phóng xe vù đi với chiếc nón sen. Lũ chúng tôi đầu trần ngơ ngác giữa đường trưa nắng gắt cùng nỗi lo sợ tột độ. Nhưng chúng tôi vẫn phải về nhà…

Chiếc roi tre nhỏ óng vàng cha tôi dựng sẵn ngoài hiên. Cha có tính cẩn thận đến nỗi roi đánh con ông cũng không để chà để chạc tre trên roi, phải vót nhẵn đi, sợ nó đâm vào da thịt con. Cha luôn nói đánh con để dạy con thì phải đánh vào mông, đùi, nơi phần mềm, không được đánh vào mặt vào đầu. Cha hay phê phán mấy người giận quá mất khôn cứ nhằm đầu, mặt con mà vụt. Lúc đó cha ngồi trong nhà nhìn đăm đăm ra sân nắng. Cha chờ tôi…

“Con hái trộm lá sen kia phải không?” – cha tôi hỏi. Tôi run lên: “Vâng, con hái, nhưng con không phải trộm. Con che đầu...”.

Cha không nói thêm gì nữa, ông lặng lẽ quất roi vào tôi…

Tôi không nhớ cha quất bao nhiêu roi. Ban đầu tôi quắn người vào chịu đựng. Cả đời cha mới quất nhẹ tôi một roi lúc đâu lên 6 lên 7, khi tôi đi bắt châu chấu cho chim ăn, thấy con cá rô lạch xạch trong chiếc rọ ai đó đơm bên bờ ao nhà mình, tôi bắt con cá mang về khoe với cha, không ngờ bị cha đánh. Cha dạy: Cái gì không phải của mình thì con không được lấy! Cái gì con không muốn người khác làm cho mình thì con không được làm nó cho người khác! Tôi hiểu là mình đã ăn trộm con cá rô?! Tôi nhận một roi cha phạt và mang con cá trả lại chiếc rọ người ta đơm ở bờ ao nhà tôi. Từ đó, tôi không bao giờ lấy gì của người khác.

Tôi lớn lên trong sự dạy bảo nghiêm khắc của người cha khéo léo, tài hoa, tâm hồn thấm đẫm chất nghệ sĩ đồng quê, nhưng vẫn ôm đậm tinh thần Nho học, sống đức độ, gìn giữ và khắc kỷ.

Tôi đã biết cha vô cùng nghiêm khắc, nhất là mỗi khi chị em tôi có hành động gì đó bị gắn với hai từ “ăn trộm”. Nhưng cha đã quất vào tôi nhiều quá. Sự giận dữ hay nỗi nhục bị vu to lên cho khắp làng trên xóm dưới, rằng có đứa con gái ăn cắp lá sen, đã khiến cha tôi phải đánh tôi đau đến thế?! Phải, cha đã đánh tôi vì cảm thấy bị người ta sỉ nhục! Người cha của đứa con gái ăn cắp! Và khi cha đã quất tôi có lẽ đến roi thứ vài chục rồi thì tôi không thể chịu đựng nổi nữa. Tôi la lối chửi thằng đầm sen. Tôi trách cha sao dám đánh tôi dữ thế?! Tôi nhìn thẳng vào mắt cha mà gào lên là sẽ bỏ nhà đi. Đó là trận đòn khủng khiếp duy nhất và cuối cùng...

Chị nhìn cha đánh tôi, chị khóc. Mẹ nhìn cha đánh tôi, mẹ cũng khóc. Hai người ngồi ở mép giường nhìn ra, không một ai dám cất lên một lời can ngăn cha. Hàng xóm cũng đổ xô ra ngõ, ngó vào nhà tôi nhưng không ai dám can ngăn cha. Sự đau đớn và uất ức lúc ấy chắc khiến tôi thảm thiết lắm. Tôi vùng chạy khỏi làn roi của cha. Tôi sẽ bỏ đi. Cha quẳng roi vào sân nắng, im lặng quay vào nhà ngồi phịch xuống chiếc ghế nơi mỗi ngày cha vẫn ngồi đó rít thuốc lào. Ở ghế đối diện là tôi ngồi chờ cha thuốc lào xong thì sẽ từ từ kể cho tôi nghe mọi chuyện của làng trên xóm dưới, đan xen vào đó sẽ là những lời cha răn dạy. Cha tôi lúc ấy tầm năm mươi nhưng vì sớm bị bệnh phổi nên đã gầy, già và yếu lắm. Cha mẹ cố sinh tôi là đứa con gái thứ tư với khao khát tôi sẽ là một cậu ấm nối dõi tông đường. Những năm tháng ấu thơ tôi chứng kiến cha đau ốm triền miên với những cơn ho tưởng chừng đứt ruột. Đến nỗi hôm nay chỉ đánh đòn tôi thôi cũng có thể khiến cha lên một cơn tắc nghẽn phế quản tức thì. Bây giờ cha ngồi đó, đang thở thắt ngực. Cơn nghẽn phế chắc đang kéo đến với cha. Cha không còn đủ sức ngăn chị đang chạy theo để giữ tôi lại. Còn mẹ thì đi tắt một lối khác, để đến nhà chủ đầm sen. Mẹ “tuyên án” hắn hành hạ trẻ con, cần phải dạy cho hắn một bài học!

Và tôi đầu trần chân đất trong đau đớn uất ức chạy đi. Đôi chân bỏng rát dẫn tôi ra đường cỏ. Mặt trời đứng bóng, không một bóng cây. Đường cỏ cũng khô ran. Lũ cỏ nhỏ nhoi rũ lả đi dưới làn nắng nóng thiêu đốt. Nhưng sen thì cả một trời hoa và hương sen thì trong ngát vô ngần. Tôi đột nhiên như thấy sen vươn cao vươn cao lên quá đầu tôi. Sen cũng sà vào sà mãi bên đường cỏ chạm tới người tôi. Tôi bỗng mát lịm đi như được sen che chắn bao bọc, sen đang ủ tôi trong lớp lớp lá xanh nhụy thắm và hương thơm. Không còn trong tôi cơn nắng dữ dội giờ trưa tháng tám, chiếc lá sen bứt vội che đầu, có ngờ đâu trở thành trò ăn cắp. Cả trận đòn nghiêng giời lệch đất vung lên liên tiếp dưới bàn tay vốn chỉ để làm những việc vén khéo tài hoa của cha. Ôi chao! Tôi im lặng trong sen, ẩn giấu trong sen, bé nhỏ trong sen. Từng búp sen vươn cao nhẹ rung trong gió, và trước mắt tôi khi ấy, trên những thuyền trăng hồng, lóng lánh những giọt ngọc hồng.

Tôi ngồi đó, ẩn giữa hoa sen. Từ lúc nào tôi đã ngâm đôi chân đang lằn lên những vệt roi rớm máu xuống nước đầm sen. Giờ thì, tôi khóc với hoa sen…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khóc với hoa sen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO