Khỏi Covid-19 vẫn cảm thấy sốt, lạnh

NAM AN 14/12/2021 17:04

Bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi điều trị khỏi sẽ xuất hiện một số di chứng, trong đó có triệu chứng cảm thấy sốt, lạnh. Có những người khỏi Covid-19  tới 3-4 tháng nay, nhưng thấy người hay ớn lạnh, nhất là khi tôi làm việc tiếp xúc với nước.

Trên thế giới, khái niệm PASC (post-acute sequelae of SARS-CoV-2 infection) - di chứng sau nhiễm cấp tính virus SARS-CoV-2 được nhiều người nhắc tới và đang là từ khóa quan trọng cho các nghiên cứu tập trung về loại virus này.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày cơ sở 3 (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), khi mắc Covid-19 thì một trong những triệu chứng thường gặp là sốt và ớn lạnh. Tình trạng ớn lạnh là khi các cơ trong cơ thể liên tục co bóp và thư giãn để tạo nhiệt. Tăng nhiệt độ là một phần của phản ứng của hệ thống miễn dịch để chống lại khả năng sinh sản của virus. Trong một số trường hợp bệnh do virus nhẹ, sốt có thể kéo dài một vài ngày, hoặc có thể kéo dài hằng tuần đến hằng tháng với các bệnh nhiễm trùng toàn thân.

Nếu ớn lạnh mà kèm sốt thì cần tìm hiểu nguồn gốc của sốt dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng khác. Lúc này rất nhiều nguyên nhân có thể xảy ra như: Cảm lạnh và cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm dạ dày, tăng bạch cầu đơn nhân, viêm tai, viêm xoang, nhiễm trùng tiết niệu...

Nếu ớn lạnh không kèm sốt có thể gặp trong suy giáp, máu lưu thông kém, thiếu chất sắt, mất nước, thiếu vitamin B12, thiếu ngủ, căng thẳng, mệt mỏi, cơ thể quá gầy…

Theo Ths.BS Kiều Xuân Thy và BS Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, trong các triệu chứng "Covid-19 kéo dài", cảm giác sốt, sợ lạnh thường khiến người bệnh lo lắng, nghi ngờ về nguy cơ tái nhiễm. Theo đó, cảm giác sốt khiến người bệnh vẫn có có cảm giác nóng, thường ở vùng ngực, cổ gáy, lòng bàn tay chân khi đo thân nhiệt cơ thể vẫn trong giới hạn bình thường (36.0 - 37.4 độ C); Cảm giác sợ lạnh (hay ớn lạnh), người bệnh sẽ cảm giác một bộ phận trên cơ thể (thường là bàn tay, bàn chân) hoặc cả người lạnh, sợ gió, có thể kèm hiện tượng "nổi da gà" mặc dù nhiệt độ môi trường bên ngoài không hạ thấp hay thay đổi đột ngột. Đôi khi mặc thêm áo ấm cũng không làm giảm cảm giác sợ lạnh.

Phân tích thêm, BS Huỳnh Tấn Vũ cho biết, ớn lạnh cũng có thể là phản ứng của cảm xúc, sợ hãi hoặc lo lắng là nguyên nhân thường làm chúng ta thấy lạnh người.

Bên cạnh đó, khi thấy triệu trứng ớn lạnh, cần xem có đang dùng loại thuốc để điều trị bệnh lý nào không? Theo các bác sĩ, một số thuốc cũng có thể có tác dụng phụ là gây ớn lạnh.

Để điều trị, ThS.BS Kiều Xuân Thy và BS Phạm Ánh Ngân, trong Y học cổ truyền, tùy theo giai đoạn bệnh mà triệu chứng sợ lạnh được xếp theo chứng "ố hàn" - khi tà khí còn chưa được giải hết, hoặc "khí hư, dương hư" - khi chính khí của cơ thể hư suy sau một đợt cảm nhiễm ngoại tà.

Cảm giác sốt thường được đánh giá có đi kèm cảm giác sợ lạnh hay không, xếp theo chứng "phát nhiệt", một trong những cơ chế là do phục tà (tà khí sau giai đoạn cảm nhiễm còn lưu lại trong cơ thể) chưa giải hết, uất bế phần dương khí không cho điều đạt ra bì phu, gây nên cảm giác nóng sốt. Để loại bỏ phục tà, bồi phục chính khí, có thể áp dụng nhiều phương pháp kết hợp trong y học cổ truyền như: sử dụng thuốc thang, cứu ấm, châm, tập dưỡng sinh…

Các vị thuốc bắc như: Phòng phong, Khương hoạt, Thuyền thoái, Ngưu bàng tử… có tác dụng tuyên tán ngoại tà, giải cơ thấu biểu, khi kết hợp gia giảm với các vị thuốc giúp nâng chính khí cơ thể như: Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật… sẽ giúp thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể.

Đối với triệu chứng ớn lạnh, sợ lạnh, việc sử dụng phương pháp cứu ấm tại các huyệt: Đại chùy, Phong trì, Thái uyên, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý…, giúp điều hòa khí trong kinh lạc để cố biểu. Trong điều trị chứng "phát nhiệt", kết hợp thủ pháp châm tại các huyệt: Thương dương, Hợp cốc, Khúc trì, Hậu khê, Đại chùy,… để tả tà khí theo kinh lạc, góp phần mở đường cho chính khí lưu thông. Việc sử dụng phương pháp châm cứu ngoài tác dụng kích thích các huyệt lạc, còn giúp người bệnh thư giãn, cảm giác được chăm sóc.

Các bác sĩ lưu ý, bên cạnh dùng thuốc và châm cứu, các bài tập thở theo phương pháp dưỡng sinh sẽ giúp người bệnh giải tỏa căng thẳng như: thở bốn thời, xoa ngũ quan, xoa trung tiêu, chào mặt trời… giúp sớm đạt trạng thái cân bằng, cũng như quá trình tiếp nhận thuốc và châm cứu được hiệu quả hơn. N

Box:

Theo PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường - Trưởng Cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TPHCM, thời gian hồi phục sau nhiễm Covid-19 đối với mỗi người bệnh là khác nhau. Nhiều người cảm thấy tốt hơn trong vài ngày hoặc vài tuần và hầu hết sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 12 tuần. Nhưng đối với một số người, các triệu chứng có thể kéo dài hơn.

Các triệu chứng “Covid kéo dài” sau khi khỏi bệnh thường gặp gồm ho kéo dài; đau họng, khô họng, như có dị vật ở họng, nuốt vào không trôi mà khạc không ra; thay đổi khứu giác hoặc vị giác: giảm cảm giác khi ăn uống, dẫn đến không muốn ăn, suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp triệu chứng mệt mỏi, cơ thể cảm giác không có năng lượng sống; khó thở với nhiều mức độ; các vấn đề với trí nhớ và tập trung; mất ngủ với nhiều mức độ và biểu hiện như khó vào giấc, trằn trọc, giật mình khi ngủ...; đau đầu; đau ngực hoặc tức ngực; tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực.

Ngoài ra, còn có triệu chứng chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế hoặc liên tục, có thể kèm cảm giác buồn nôn, nôn; cảm giác châm chích cơ thể; đau nhức các khớp; trầm cảm và lo âu; ù tai, đau tai; các rối loạn tiêu hóa; rối loạn thân nhiệt; phát ban da.

F0 không được cách ly tại nhà nếu gia đình có người nguy cơ

 HẢI ANH

Sở Y tế TPHCM vừa cho phép F0 được cách ly tại nhà khi trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, mắc bệnh nền, béo phì, mang thai... Nội dung này là điểm mới trong Hướng dẫn gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 do Sở Y tế TPHCM cập nhật ngày 23/11, thay thế cho phiên bản trước đó hồi cuối tháng 8.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số F0 tăng cao, kéo theo bệnh nhân nặng tăng; người già có nhiều bệnh nền lại mắc thêm Covid-19 nên nguy cơ tử vong rất cao. Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong thời gian qua, dù độ phủ vaccine tốt nhưng khi F0 tăng có khoảng 15-20% diễn tiến nặng, chủ yếu là người cao tuổi, kèm bệnh nền. Trong 15-20% này có 5% chuyển biến thực sự rất nặng.

Trong hướng dẫn mới, tiêu chí cách ly tại nhà khác vẫn được giữ nguyên là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không suy hô hấp, chỉ số SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút. Ngoài ra, F0 tuổi từ 1 đến 50, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì. Nếu không đủ điều kiện này, F0 vẫn có thể xem xét cách ly tại nhà nếu bệnh nền ổn định, tiêm đủ hai mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên.

F0 cách ly tại nhà phải có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh; biết cách đo thân nhiệt, sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát khi có tình trạng khẩn cấp. F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân thì phải có người hỗ trợ.

F0 tại nhà được phát tờ rơi hướng dẫn tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc điều trị Covid-19. Cụ thể, F0 không triệu chứng được cấp ngay gói thuốc A (thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng), có triệu chứng nhẹ được cấp gói A và C (thuốc kháng virus molnupiravir theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế).

F0 cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần một phút hoặc đo SpO2 dưới 96%) cần liên hệ ngay nhân viên y tế đang quản lý F0 để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh dùng một liều duy nhất thuốc B (thuốc kháng viêm và chống đông) trước khi chuyển viện.

Trong hướng dẫn mới lần này, gói thuốc B không được cấp phát đại trà. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện thuốc B do trạm y tế quản lý và chỉ phát sau khi bác sĩ khám, chỉ định dùng, tùy mức độ bệnh. Bệnh nhân sẽ được cho sử dụng một liều sau đó đưa vào bệnh viện để điều trị tiếp. Sở Y tế thành phố rút bớt số lượng túi B và cho sử dụng khi người bệnh vào các cơ sở điều trị, theo phác đồ của Bộ Y tế.

Người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn, xử trí cấp cứu, tổ phản ứng nhanh vận chuyển đến bệnh viện. Dấu hiệu chuyển nặng của người lớn là khó thở (biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần một phút), li bì, lừ đừ, tím tái môi, đau chi, SpO2 < 94%. Ở trẻ em, dấu hiệu này bao gồm thở nhanh theo tuổi (1-5 tuổi: trên 40 lần/phút, 5-12 tuổi: trên 30 lần/phút, từ 12 tuổi: trên 20 lần một phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, ăn uống, tím tái môi, đầu chi, SpO2 dưới 95%.

F0 được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên) vào ngày thứ 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Người cùng nhà hoặc chăm sóc F0 khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19 cũng được lấy mẫu xét nghiệm. n

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khỏi Covid-19 vẫn cảm thấy sốt, lạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO