Khơi dậy khát vọng cống hiến

MINH HẢI - NGUYỄN PHƯỢNG (thực hiện) 28/03/2022 05:56

Trò chuyện với Tinh hoa Việt nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022), Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới công tác Đoàn trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là việc tổ chức Đoàn khơi dậy khát vọng cống hiến trong mỗi bạn trẻ.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Nếu như trước đây, trong thời kỳ kháng chiến khốc liệt, thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, giữ vững toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của dân tộc thì ngày nay tuổi trẻ Việt Nam tình nguyện đi đến những nơi khó khăn, gian khổ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Ông Nguyễn Tường Lâm: Các đoàn viên, thanh niên Việt Nam hiện nay kế thừa và phát huy rất tốt truyền thống của các thế hệ cha, anh đi trước, đó là chủ nghĩa anh hùng dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần sẵn sàng dấn thân, hi sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt trong những năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng vạn đoàn viên, thanh niên, y, bác sĩ trẻ đã lên đường đến tuyến đầu để hỗ trợ lực lượng chức năng chống dịch. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng những truyền thống, phẩm chất của các thế hệ đi trước đã được thanh niên Việt Nam ngày nay kế thừa và phát huy. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, các bạn rất nhạy bén trong mọi hoạt động và luôn muốn đóng góp sức lực, trí lực để xây dựng và phát triển đất nước.

Tình hình thế giới, khu vực và đất nước hiện nay đặt ra nhiều vấn đề mới đối với thanh niên so với thời kỳ trước đây, như: suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19; xu hướng già hóa dân số nhanh; quá trình phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa, mặt trái của nền kinh tế thị trường, mạng xã hội; sự thay đổi nhanh của công nghệ, tự động hóa, nghề nghiệp mới, tính chất công việc và kỹ năng làm việc cần thiết của nền kinh tế hiện đại… Đây là những tác động và thách thức đối với học tập, lao động, việc làm, đời sống, sức khỏe của thanh niên, đòi hỏi thanh niên phải thích ứng, biến đổi để bắt kịp xu thế.

Trước lễ kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đúng 1 ngày, chiều 25/3, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn có cuộc đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước, với chủ đề “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên”. Ông có thể cho biết thông điệp, kỳ vọng mà Trung ương Đoàn muốn gửi đến đoàn viên, thanh niên qua cuộc đối thoại?

- Quan điểm của Đảng ta, xây dựng Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước, có Đoàn viên ưu tú mới có Đảng viên tốt, vì vậy xây dựng đội ngũ đoàn viên, thanh niên có phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa, khát vọng cống hiến công sức vì cộng đồng, xã hội là công việc Đoàn hết sức quan tâm. Điều mong muốn nhất của chúng tôi là phải khơi dậy được khát vọng cống hiến của thanh niên để xây dựng lẽ sống đẹp, lẽ sống đúng. Khi chúng ta đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của đất nước lên trên hết thì mỗi người sẽ xác định được lẽ sống đúng đắn của mình.

Chương trình đối thoại của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được tổ chức hằng năm trong dịp 26/3, mục đích quan trọng nhất của chương trình là để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, từ đó một mặt giải đáp cho các bạn, để các bạn biết về công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu niên hiện nay, mặt khác cũng rất quan trọng là từ kiến nghị của các bạn sẽ gợi mở cho tổ chức Đoàn có nghiên cứu xây dựng chương trình, hoạt động phù hợp.

Chương trình lần này, nội dung đối thoại trọng tâm là về khát vọng cống hiến, khát vọng xây dựng đất nước, khát vọng cống hiến vì lý tưởng xây dựng bảo vệ Tổ quốc của thanh niên hiện nay. Qua đó, Đoàn cũng lắng nghe các bạn chia sẻ về lẽ sống của mình và từ đó Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn sẽ có những định hướng, giải đáp cụ thể. Bên cạnh đó, trong thời điểm đang chuẩn bị văn kiện hiện nay, chương trình cuộc đối thoại còn có ý nghĩa để Đoàn tìm ra những giải pháp mới bổ sung vào phương hướng nhiệm kỳ XII sắp tới.

Vừa qua, tổ chức Đoàn, Hội các cấp và đoàn viên, thanh niên đã để lại dấu ấn tốt đẹp làm lay động xã hội, nhất là trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Vậy, theo ông những việc làm ấy có phải là lẽ sống tốt đẹp của thanh niên hiện nay?

- Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, yêu thương đồng bào lại bùng cháy trong mỗi bạn trẻ. Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương có nhiều hoạt động ý nghĩa, được xã hội và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao.

Đặc biệt, trong thời điểm cả xã hội giãn cách, mọi hoạt động đình trệ, nhiều bà con nhân dân, trong đó có cả các bạn đoàn viên, thanh niên bị ảnh hưởng thì Đoàn, Hội các cấp cũng là đơn vị đầu tiên phát động chương trình “Triệu túi an sinh”, “Triệu bữa cơm” để mang lương thực, thực phẩm đến cho những bệnh nhân nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây, sau đợt dịch Covid-19 tại TPHCM, nhiều em thiếu nhi bị mồ côi cả cha lẫn mẹ bởi đại dịch, thì Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phát động chương trình “Nối vòng tay yêu thương” để bao bọc, nuôi nấng, giúp đỡ các em đến năm 18 tuổi. Qua đó, hàng nghìn em nhỏ đã được thụ hưởng lợi ích mà chương trình mang lại.

Khi thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng là một trong những tổ chức Hội tiêu biểu của thanh niên, giúp ích rất nhiều trong công tác xã hội, từ thiện. Vừa qua, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức tuyên dương 10 gương mặt trẻ thầy thuốc có nhiều cống hiến trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Những thầy thuốc trẻ này đại diện cho hàng chục nghìn lượt các y, bác sĩ trẻ sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Điều đó cho thấy thanh niên Việt Nam không bao giờ vì những khó khăn, vất vả trước mắt đấy mà chùn chân, nhụt bước. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng xây dựng mạng lưới bác sĩ trẻ đồng hành cùng F0 vượt khó. Ở đây, các y, bác sĩ ngồi lại để giải đáp các câu hỏi và khám chữa bệnh từ xa. Hình ảnh các chiến sĩ áo trắng trong phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các chiến sĩ của thanh niên rất ý nghĩa, làm lay động xã hội sâu sắc.

Thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân khởi công xây nhà nhân ái tại xã Ea Uy, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Luôn vận động, thích ứng là yêu cầu bức thiết trong công tác Đoàn, nhất là trong thời điểm hiện nay. Để quản lý và tổ chức hoạt động cho thanh niên thì Đoàn cần có những biện pháp như thế nào, thưa ông?

- Yêu cầu về đổi mới trong công tác Đoàn là yêu cầu mà tổ chức Đoàn luôn đặt ra và là yêu cầu quan trọng. Thanh niên thay đổi từng ngày theo xu thế của xã hội. Nếu Đoàn mà không có sự đổi mới, không tự đổi mới mình thì không thể theo kịp sự phát triển của thanh niên. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi cũng xác định việc ứng dụng công nghệ trong việc tổ chức các chương trình, các hoạt động của đoàn là một giải pháp để thu hút, tập hợp đoàn viên.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc ứng dụng các công nghệ của đoàn đã được xác lập. Khi dịch diễn biến phức tạp, chúng ta không tổ chức được các hoạt động đông người mà vốn đó là hoạt động truyền thống. Do vậy, chúng tôi đã chuyển sang các hoạt động trên không gian mạng như tổ chức các cuộc thi trực tuyến thu hút hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Các hoạt động như vậy từ cấp Trung ương xuống địa phương được tổ chức đều đặn. Chúng tôi cho rằng, cách thức tổ chức như vậy phù hợp với các đối tượng thanh niên trong hoàn cảnh hiện tại.

Vậy những việc đó đã được thực hiện đến đâu, thưa ông? Việc đẩy mạnh, phát triển không gian mạng là cần thiết, nhưng theo ông, tổ chức Đoàn cần có giải pháp nào để hấp dẫn, lôi cuốn các bạn trẻ hơn?

- Vừa qua, Trung ương Đoàn tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Giáo dục đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên Việt Nam trên không gian mạng”. Đề án này vừa được ban hành đầu tháng 3/2022, để hưởng ứng tháng thanh niên. Đây có thể coi là công cụ, là điều kiện hết sức thuận lợi để Trung ương Đoàn thực hiện nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mạng xã hội tác động rất lớn đến thanh niên.

Để hấp dẫn và ngày càng lôi cuốn thanh niên, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, mang tính đột phá. Trong đó, có một giải pháp mà chúng tôi đã triển khai từ năm 2020 là xây dựng ứng dụng thanh niên Việt Nam. Ứng dụng này có nhiều chức năng có thể cung cấp thông tin trong các cuộc thi trực tuyến, có các trương trình giáo dục, bồi dưỡng cho các bạn thanh niên. Từ khi ra đời cho đến nay, có khoảng 3 triệu người sử dụng ứng dụng này.

Chúng tôi đã có kế hoạch để mở rộng kết nối và triển khai ứng dụng tiếp trong giai đoạn sau. Tức là kết hợp ứng dụng đó với việc quản lý đoàn viên. Trước đây, chúng ta quản lý đoàn viên bằng sổ sách, bằng thẻ đoàn viên. Với ứng dụng thanh niên Việt Nam thì khi chúng ta quản lý, tổ chức sẽ vững vàng, chặt chẽ, hiệu quả tổ chức sẽ rõ ràng hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, các hình thức đổi mới của Đoàn cũng phải được xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt, thực tế và đi vào cuộc sống, nếu không thì nó cũng chỉ là khẩu hiệu mà thôi.

Chúng tôi cũng xác định các hoạt động đoàn phải thu hút đoàn viên và sự tham gia đoàn của đoàn viên phải là mong muốn tự thân chứ không phải mình tổ chức ra rồi kêu gọi thì các bạn mới tìm đến.

Một trong những “sản phẩm” của Đoàn là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tạo động lực cũng như niềm tin cho thanh niên vào tổ chức Đoàn. Vậy hoạt động này được triển khai như thế nào trong thời gian qua?

- Nói về khởi nghiệp, đối với Trung ương đoàn có lẽ chúng tôi cũng là một trong những tổ chức xác định được từ rất sớm, từ năm 2016 khi Thủ tướng nói về câu chuyện Quốc gia khởi nghiệp thì Trung ương Đoàn đã xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia. Sau đó là xây dựng một đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2018 - 2022, đề án tập trung vào các các giải pháp từ đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên, đến các doanh nhân trẻ, thanh niên nông thôn…

Quan điểm của đoàn là khởi nghiệp phải rộng hơn, chứ không chỉ là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như người ta thường nhìn thấy là kêu gọi được số vốn triệu đô hay tỉ đô. Khởi nghiệp của chúng tôi đi từ việc nhỏ và thiết thực. Ví dụ trực tiếp tham gia hỗ trợ các bạn đoàn viên thanh niên ở nông thôn làm các sản phẩm nông nghiệp. Các bạn đổi mới sáng tạo các sản phẩm như thế nào để tăng hiệu quả kinh tế. Hay học sinh sinh viên có sáng tạo khởi nghiệp thì phải hỗ trợ các bạn ấy ra sao… đó là những sản phẩm cụ thể đoàn triển khai.

Ông Nguyễn Tường Lâm (đứng thứ 2, từ trái sang) khảo sát tại một dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn.

Chúng tôi đã xây dựng được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp quốc gia, các tỉnh và thành phố đều có. Đặc biệt cứ 2 năm 1 lần chúng tôi mời Thủ tướng đối thoại với thanh niên khởi nghiệp. Đó là một chương trình rất lớn được Thủ tướng quan tâm và luôn lắng nghe ý kiến của thanh niên khởi nghiệp. Phải nói rằng không khí khởi nghiệp tham gia của tổ chức Đoàn, hệ thống Đoàn trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp rất sôi nổi, hiệu quả. Bây giờ đi xuống bất cứ cơ sở nào hỏi mô hình đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp người ta sẽ dẫn bạn tới tham quan ngay.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng cán bộ đoàn hiện nay, nhất là cán bộ đoàn cấp cơ sở, vì phong trào đoàn có lớn mạnh được hay không thì cấp cơ sở bao giờ cũng có tính chất quyết định nhất?

- Phải nhìn nhận một thực tế có những nơi cán bộ đoàn cơ sở vừa yếu, vừa thiếu. Chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ, đề án phải xây dựng trọng tâm trong thời gian tới. Hiện nay, chúng tôi đang trong giai đoạn tổng kết các kết luật để nâng cao hiệu quả cán bộ Đoàn, tổ chức cơ sở Đoàn ở địa bàn dân cư. Đội ngũ cán bộ cơ sở Đoàn còn nhiều bất cập nên cần có những giải pháp căn cơ và lâu dài.

Có một thực tế, tại nhiều địa bàn nông thôn, một xã Đoàn chỉ còn chưa đến 200 đoàn viên nhưng có một Bí thư đoàn xã và một Phó bí thư Đoàn kiêm nhiệm. Nhưng nếu đi đến một phường của TPHCM, nơi nhiều khu công nghiệp thì có hàng trăm, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên vẫn cũng chỉ có một Bí thư Đoàn phường và một Phó bí thư Đoàn kiêm nhiệm. Do đó việc thu hút, tập hợp thanh niên, tổ chức hoạt động rất khó vì thiếu cán bộ Đoàn.

Chúng ta vẫn nói thanh niên là rường cột của nước nhà, hiện nay, bên cạnh những thanh niên tiêu biểu thực tế còn có một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin và ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, dễ bị kích động… Với những đối tượng thanh niên như vậy thì Đoàn đã có cách thức nào để cảm hóa họ?

- Dễ nhận thấy công tác đoàn tác động tới đối tượng thanh niên tốt, thanh niên tiêu biểu, thanh niên ưu tú rất hiệu quả, nhưng đối với những thanh niên chưa được như mong muốn thì việc tiếp cận còn có nhiều khó khăn. Trước mắt chúng tôi cũng triển khai các hoạt động để cảm hóa những đối tượng này. Muốn cảm hóa được thanh niên thì chúng ta phải tiếp cận với các bạn ấy.

Đoàn là một tổ chức chính trị xã hội của thanh niên, bên cạnh đó chúng tôi có những tổ chức khác như: Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam là các tổ chức xã hội rộng khắp, cùng tham gia để làm sao thu hút được những đối tượng đó. Đầu tiên phải có các hoạt động phù hợp để các bạn cùng tham gia, như các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Từ đó mới lồng ghép các hoạt động mang tính mục đích giáo dục, tuyên truyền nhiều hơn, dần dần mới có hiệu quả như mong muốn.

Trong đại hội nhiệm kỳ trước, Trung ương Đoàn đặt ra nhiệm vụ mỗi đoàn viên phải thu hút được một bạn thanh niên tham gia cùng hoạt động của Đoàn, của Hội. Bây giờ chúng tôi vẫn trong giai đoạn tổng kết lại, đánh giá lại xem việc thực hiện đến đâu. Chúng tôi cho rằng số lượng 6 triệu đoàn viên thanh niên mà thu hút được thêm 6 triệu bạn thanh niên tham gia với tổ chức mình thì điều đó thực sự rất tốt.

Thưa ông, dù vậy đâu đó cũng có ý kiến cho rằng thanh niên, đoàn viên tham gia các phong trào hiện nay ít sôi nổi hơn và có cảm giác “thiếu lửa” so với trước đây. Bên cạnh đó có một số hoạt động Đoàn chưa thực sự hiệu quả để thu hút thanh niên, ông có thấy như vậy không?

- Nhận định này không phải là không có, chúng tôi cũng nghe và biết những câu chuyện đó. Có rất nhiều nguyên nhân, có thể nói bây giờ thanh niên cũng có nhiều vấn đề thu hút các bạn, các bạn bị phân tâm nhiều hơn đến các hoạt động của riêng mình và lo lắng cho đời sống. Thứ hai là từ các cơ sở Đoàn đôi khi cũng chưa sáng tạo trong tổ chức các hoạt động của mình. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất là phải xây dựng các hoạt động làm sao để đáp ứng được với mong muốn, nguyện vọng của các bạn thanh niên ở địa bàn đó, đồng thời nhiệm vụ đổi mới công tác Đoàn phải được đặt lên hàng đầu.

Trong thời gian tới, nhằm khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, theo ông mỗi đoàn viên, thanh niên cần làm gì?

- Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số, nền văn hóa Việt Nam đang hội nhập, giao thoa ngày càng sâu rộng với nền văn hóa thế giới. Những giá trị văn hóa từ nước ngoài xâm nhập tạo ra không ít tác động tiêu cực vào nhận thức, tư tưởng và lối sống, làm xói mòn các giá trị xã hội truyền thống, ảnh hưởng trực tiếp đến thiếu nhi. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên chưa quan tâm đúng mức đến giá trị văn hóa dân tộc. Những sự thay đổi đó tác động mạnh mẽ đến khát vọng, lẽ sống của thanh niên, đặt ra những thách thức to lớn đối với việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Mỗi thanh niên tự chọn cho mình những hoài bão và có những cách thức khác nhau để đi trên con đường hiện thực hóa khát vọng của bản thân và của đất nước. Trách nhiệm của xã hội, trong đó, có tổ chức Đoàn Thanh niên là tạo môi trường giáo dục, thử thách, trao quyền và tin tưởng ở thanh niên và khơi dậy, phát huy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, để khát vọng của mỗi thanh niên Việt Nam trở thành khát vọng của cả dân tộc về một đất nước Việt Nam hùng cường.

Việc khơi dậy, phát huy khát vọng phát triển của thanh niên dựa trên định hướng giá trị văn hóa Việt Nam là sự chuẩn bị cho thế hệ trẻ Việt Nam - chủ nhân tương lai của đất nước, có sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, phong phú về tâm hồn, trong sáng về đạo đức; có ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại.

Đây vừa là một nhiệm vụ, đòi hỏi cấp thiết trong định hướng phát triển thanh niên Việt Nam; đồng thời, là yêu cầu nhằm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Bản thân mỗi thanh niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; “dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn”, ra sức đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, ích kỷ; chống tâm lý ngại khó, ngại khổ, để cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việc khơi dậy, phát huy khát vọng phát triển của thanh niên dựa trên định hướng giá trị văn hóa Việt Nam là sự chuẩn bị cho thế hệ trẻ Việt Nam - chủ nhân tương lai của đất nước, có sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, phong phú về tâm hồn, trong sáng về đạo đức; có ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Đây vừa là một nhiệm vụ, đòi hỏi cấp thiết trong định hướng phát triển thanh niên Việt Nam; đồng thời, là yêu cầu nhằm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy khát vọng cống hiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO