Khơi dậy sức dân

Anh Vũ 19/11/2020 10:00

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Dưới một mái nhà chung, trong vai trò “nhạc trưởng” việc phối hợp và thống nhất hành động giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tập hợp, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ký kết giao ước thi đua của khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức liên hiệp. Ảnh: Kỳ Anh.

Những con đường “lòng dân, sức dân”

Sau nhiều năm triển khai, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” do MTTQ Việt Nam chủ trì phát động, nhiều vùng quê đã trở nên ấm no, trù phú.

Ngày phát động phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), cả cán bộ lẫn người dân xã Phú Nhuận (Bảo Thắng, Lào Cai) vừa mừng vừa lo, khi nguồn lực vừa thiếu vừa yếu. Nhưng bây giờ, ai cũng ngạc nhiên khi đến Phú Nhuận được đi trên con đường bê tông rộng dài, thẳng tắp.

Ông Phạm Hữu Nhủ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Nhuận bảo rằng đó là những con đường “lòng dân, sức dân”. Nếu không có NTM thì không biết bao giờ người dân mới có những con đường thênh thang như thế.

Con đường mở lối làm ăn, giúp người nông dân thuận tiện trong tiêu thụ hàng hoá nông sản, từ đó có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Từ chủ trương “làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường”, Mặt trận đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong việc “đi từng gõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động tới từng đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng đồng thuận, hưởng ứng cùng xắn tay vào xây dựng NTM.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Lý - Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận, chính từ sự vào cuộc của Mặt trận và các đoàn thể, chủ trương làm đường giao thông nông thôn đã được đa số hộ dân ủng hộ.

Nhiều hộ dân đã tự nguyện phá dỡ tường rào, các công trình phụ, hiến đất, góp tiền và ngày công để xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, nhân dân trên địa bàn xã Phú Nhuận đã hiến hơn 10 nghìn m2 đất, đóng góp hàng triệu đồng và ngày công lao động để làm mới trên 30 km đường giao thông nông thôn.

Điều đáng nói ở đây là tất cả các tuyến đường được mở rộng và làm mới là do nhân dân các thôn tự hiến đất, chặt cây cối hoa màu trên đất và công lao động để làm mà không đòi hỏi sự đền bù của Nhà nước.

Cùng với hạ tầng giao thông, kinh tế Phú Nhuận trước đây cũng gặp nhiều cái khó do chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Đến mùa vụ, nhiều hàng hóa nông sản bà con làm ra bị tư thương ép giá. Điệp khúc “được mùa mất giá” luôn là nỗi lo lớn của người dân cũng như chính quyền địa phương.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, Mặt trận xã, Ban Công tác Mặt trận các thôn đã phối hợp với các tổ chức thành viên như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… tập trung vận động người dân đưa các loại giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăn nuôi để từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa về lúa, ngô, chè; nuôi trồng thủy sản.

Giờ đây, dọc đường lớn từ xã xuống từng thôn, bản, hai bên đường phủ đầy mầu xanh của những đồi chè. Ở những khu ruộng trũng, bà con cải tạo thành ao nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, thu nhập của người dân xã Phú Nhuận bình quân đạt xấp xỉ 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2019 chỉ còn dưới 7%. Phú Nhuận đặt mục tiêu phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao trước hai năm so với lộ trình đặt ra.

Làm đường giao thông nông thôn ở Simacai (Lào Cai).

Làm tốt vai trò “nhạc trưởng”

Câu chuyện xây dựng NTM của Phú Nhuận chỉ là một trong rất nhiều những cách làm sáng tạo đã minh chứng rõ nét việc Mặt trận các cấp đã làm tốt vai trò “nhạc trưởng” để phối hợp và thống nhất hành động cùng các tổ chức thành viên thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Thống kê của các địa phương trong 5 năm qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng, hiến hàng chục triệu m2 đất để xây dựng đường giao thông và các công trình dân sinh.

Nỗ lực cùng sự quyết tâm ấy đã góp phần tích cực vào kết quả xây dựng NTM của cả nước. Đến tháng 8/2020 cả nước đã có 5.350 xã (chiếm 60,23% tổng số xã) cùng 152 đơn vị cấp huyện, 2 đơn vị cấp tỉnh Đồng Nai, Nam Định đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

Cùng với đó thực hiện nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh, thông qua công tác tuyên truyền vận động của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh thông qua các hoạt động như: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực đô thị, xây dựng khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hóa; xây dựng các mô hình tự quản về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa trong kinh doanh, ứng xử, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị...

Đặc biệt, công tác chăm lo, giúp đỡ người nghèo tiếp tục được Mặt trận các cấp quan tâm triển khai với nhiều đổi mới về cả phương thức vận động và cách thức hỗ trợ.

Cùng với việc vận động các nguồn lực đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo”, Mặt trận các cấp đã kết nối các nguồn lực an sinh xã hội giúp cho vùng nghèo, người nghèo, đồng thời chủ trì hiệp thương để mỗi đoàn thể chính trị - xã hội nhận giúp đỡ các hộ nghèo với những địa chỉ cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, qua triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy được tinh thần sáng tạo, tự quản của người dân.

Hiệu quả thiết thực mang lại được thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh từ đó góp phần tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, góp phần quan trọng cùng Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam chủ trì phát động, như “Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực triển khai sâu rộng và cụ thể hóa thành các phong trào trong từng tổ chức thành viên, như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; Hội Nông dân Việt Nam triển khai phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Hội Cựu chiến binh có phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”; Đoàn Thanh niên với phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”…

Những phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa về kinh tế, xã hội của các tổ chức thành viên được nhân dân hưởng ứng đánh giá cao, góp phần hoàn thành tốt sứ mệnh của MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai 12 Chương trình phối hợp về giám sát. Đặc biệt Mặt trận đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm của nhiều tổ chức thành viên trong đó phải kể đến sự tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả cao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy sức dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO