Khốn khổ vì cát tặc

Điền Bắc 25/09/2020 08:27

Không những hủy hoại nguồn tài nguyên khoáng sản, cạnh tranh không sòng phẳng với những đơn vị được cấp phép, đóng thuế đầy đủ, nạn khai thác cát trái phép còn làm biến đổi dòng chảy, sạt lở đất sản xuất, thậm chí sạt lở luôn cả hệ thống kè đá hàng tỷ đồng, khiến người dân bất bình.

Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Lý bị sông nuốt chửng một đoạn vườn, nay khúc sân sau nhà lại tiếp tục bị đe dọa.

Những năm qua, do công tác kiểm tra triệt để nên tình trạng cát tặc trên sông Lam (Nghệ An) đã giảm bớt. Tuy nhiên hệ lụy của nó vẫn thật khủng khiếp. Đơn cử như tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương (Nghệ An), khoảng 2 năm trước, nạn cát tặc đã làm cho hàng chục hecta đất nông nghiệp bị nước cuốn trôi, người dân vô cùng lo lắng. Để khắc phục tình trạng trên, người dân địa phương đã dùng nhiều biện pháp để giữ từng tấc đất như ra sức kè, đắp, trồng tre, cắm lau sậy.. nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Qua từng mùa mưa lũ, dòng sông Lam cứ xói lở dần, buộc nhà nước phải lập dự án, bỏ tiền xây bờ kè chống sạt lở. Hơn 400m bờ kè tại địa phương này được xây dựng. Vậy nhưng, tình trạng cát tặc chưa được đẩy lùi triệt để nên kè chỗ này lại sạt lở chỗ khác. Hiện đoạn sông này đang xây dựng bờ kè hơn 80m chống sạt lở, nhưng vẫn có 3 tàu cát “khoét” lòng sông.

Ngay cả khi bờ kè bằng đá nhiều tỷ đồng được đắp vào vẫn không ngăn nổi tình trạng sạt lở. Nhiều tuyến kè bị nước cuốn phăng. Chẳng hạn như tại xóm Đồng Thượng, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An) có 3 hộ gia đình sống sát cạnh sông Lam. Vào tháng 10/2019 vừa qua, bờ kè sau nhà bỗng nhiên đổ sập dù mới xây dựng xong trước đó.

“Thời điểm đó, bờ kè vừa được Nhà nước xây dựng, tuy nhiên sau thời gian ngắn nó đổ xuống sông Lam. Từ đó đến nay, sông cứ ăn sâu dần vào nhà, khiến chúng tôi rất lo lắng” - ông Đinh Xuân Bưởi cho biết.

Bờ kè sông Lam dài 80m tại xóm 6, xã Thanh Lĩnh bị đổ sập xuống sông.

Còn ông Đinh Văn Mão, xóm 6, xã Thanh Lĩnh, một trong 3 nhà bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng sạt lở cho biết: Tính từ thời điểm cả bờ kè bị cuốn xuống sông, gần 1 năm qua, cứ mỗi lần lũ lớn, sóng đánh vào là từng mảng đất lớn bị trụt xuống sông. Để hạn chế sạt lở, gia đình đóng cọc tre ngăn đất lở, nhưng không hiệu quả.

Được biết, công trình kè chống sạt lở bờ sông Lam đoạn 2, xã Thanh Lĩnh có tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng ngày 28/12/2018. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 năm, trong đợt mưa từ ngày 14 - 17/10/2019, đoạn kè khoảng 80m đã bị sạt lở.

Ông Trần Đình Thơ – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết, việc khai thác cát ngoài khu vực mỏ gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương. Do khai thác không đúng điểm mỏ gây sạt lở bờ sông. Còn ông Trần Quốc Toản -Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi Nghệ An) cho biết, trước tình trạng sạt lở bờ sông, đê kè do khai thác cát trái phép, đơn vị đã có nhiều văn bản báo cáo với Sở NN&PTNT. UBND tỉnh có chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan xử lý nghiêm tình trạng trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khốn khổ vì cát tặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO