Không bỏ lỡ chuyến tàu 4.0

Minh Phương 01/04/2019 08:00

Các kênh bán lẻ hiện đại ngày càng thâm nhập sâu rộng vào thị trường trong nước, robot dần thay thế con người trong nhiều khâu bán hàng, thanh toán… Điều đó đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt được xu thế để có thể trụ vững và bứt phá.

Không bỏ lỡ chuyến tàu 4.0

Hệ thống bán lẻ nội đã có những bứt phá ngoạn mục.

Theo xu hướng chung của thế giới, các kênh bán lẻ hiện đại sẽ ngày càng thâm nhập vào thị trường. Đáng chú ý, trên thế giới, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa robot thay thế dần con người vào các khâu bán hàng, thanh toán… nhằm mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng cần phải nắm bắt được xu thế này để có thể trụ vững và bứt phá trong bối cảnh hiện nay.

Robot thay thế dần con người

Giới chuyên gia nhận định, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, ngành bán lẻ thế giới cũng đang vận hành theo xu hướng đó. Tại nhiều nước trên thế giới, các DN bán lẻ đã đưa ra những ý tưởng mới, sử dụng công nghệ vào vận hành. Một số nước như Mỹ, Canada, nhiều nước châu Âu đã đưa cả robot vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán hàng… Tại Mỹ, robot được sử dụng thay thế người bán hàng, thay thế shipper, thay thế cả nhân viên thanh toán…

Theo bà Đặng Thúy Hà – đại diện Nielsen Việt Nam Khu vực phía Bắc, việc đưa robot vào các khâu bán hàng, giao hàng thanh toán được nhiều DN bán lẻ thế giới sử dụng giúp mang lại những lợi ích lớn cũng như sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Dần dần robot sẽ thay thế con người ở nhiều khâu và các DN bán lẻ Việt Nam cần phải nỗ lực chủ động để có thể đáp ứng xu hướng của thời đại.

Trên thực tế, thời gian gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục “đổ” vào ngành bán lẻ, các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam, những diễn biến đó buộc các DN bán lẻ nội không thể ngồi yên mà phải nỗ lực tìm cách chuyển mình.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, hiện tại thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình.

“Điểm đáng chú ý là tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa” – bà Nga nói.

Không bỏ lỡ chuyến tàu 4.0 - 1

Làn sóng công nghệ thâm nhập ngành bán lẻ.

Bán lẻ nội nỗ lực tăng tốc

Thời gian qua, các nhà bán lẻ nội cũng đã rất nỗ lực để có thể bắt kịp với xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của thế giới. Sự ra đời của hàng loạt các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni chính là một trong những hướng đi khẳng định vai trò của các nhà bán lẻ nội. Nhiều DN bán lẻ đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để tạo sự thuận lợi lớn nhất cho người tiêu dùng. Đơn cử một số chuỗi siêu thị đã đưa ra hình thức mua sắm và thanh toán “scan & go” nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm không mất thời gian đến tận cửa hàng mà chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện mọi giao dịch từ đặt mua, nhận hàng cho đến khâu thanh toán…

Tuy nhiên, bà Đặng Thúy Hà cũng khuyến cáo, ứng dụng công nghệ là một khía cạnh, một điều cần thiết hiện nay nữa là các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải có những ý tưởng mới mẻ hơn để có thể gây dựng, sáng tạo nên những nhãn hàng riêng nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm của mình một cách dễ dàng.

“Một số nhà bán lẻ ở Mỹ có ý tưởng tạo ra những sự khác biệt, đơn cử, chỉ cần sản phẩm có hình ảnh màu sắc riêng, khiến cho bất cứ người tiêu dùng nào nhìn thấy hình ảnh, màu sắc đó đều có thể biết được đó là sản phẩm họ đang lựa chọn, đang đi tìm” – bà Hà nhấn mạnh và cho rằng, các DN Việt Nam cũng cần phải tạo nét riêng, thương hiệu riêng để người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy và lựa chọn.

Có thể khẳng định, làn sóng của cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa, đòi hỏi các DN cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đầu tư công nghệ và đột phá bởi những ý tưởng mới, như vậy mới có thể trụ vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Bên cạnh đó, nhìn nhận từ góc độ DN, nhiều DN cho rằng, nhà quản lý cũng cần có những chính sách để tạo điều kiện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hai khu vực DN trong và ngoài nước.

Theo đại diện Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại. Nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ các DN trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; đồng thời để các DN có điều kiện tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không bỏ lỡ chuyến tàu 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO