Không bỏ loa phường

Vi Cầm 04/04/2017 08:35

Hà Nội không xóa sổ loa phường mà vẫn giữ nguyên hệ thống loa tại các huyện, thị xã, giảm tối đa hệ thống loa tại các quận. Đó là những thông tin mà UBND TP Hà Nội vừa thông báo. Việc điều chỉnh này đã nhận được đồng tình từ dư luận.

Cách thức truyền tin của loa phường cần sớm được điều chỉnh lại cho phù hợp và thiết thực với cuộc sống.

Tuy nhiên để loa phường thực sự hữu hiệu, UBND Thành phố yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông hoàn thiện Kế hoạch nâng cao hiệu quả và đổi mới hoạt động của Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn và thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác tuyên truyền trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, trước mắt vẫn giữ nguyên hệ thống loa truyền thanh tại các huyện, thị xã; giảm tối đa hệ thống loa truyền thanh tại các phường thuộc các quận (mỗi phường giữ lại từ 5-10 loa tại các vị trí phù hợp) đảm bảo phục vụ trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và tuyên truyền các thông tin, chỉ đạo cần thiết của Trung ương và thành phố. Sau 3 tháng báo cáo kết quả lên UBND thành phố để đánh giá, chỉ đạo phù hợp với điều kiện thực tế.

Thành phố cũng yêu cầu sắp xếp lại vị trí đặt loa; thời gian, thời lượng, nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp, hiệu quả; tránh gần trường học, bệnh viện; các cơ quan ngoại giao; khu người cao tuổi, người nước ngoài sinh sống; khu nhà cao tầng...

Việc giữ lại loa phường ở những địa bàn cần thiết và điều chỉnh vị trí lắp đặt cũng như thời gian, nội dung phát… đã nhận được sự đồng tình từ dư luận.

Trước đó trong một cuộc thăm dò về vai trò, sứ mệnh của loa phường, gần 90% người dân Hà Nội tham gia khảo sát đã đồng tình với việc bỏ hệ thống loa phường.

Dẫu thế, gần 4% ý kiến còn lại cho rằng cần giữ loa phường và hơn 6% ý kiến cho rằng cần thiết giữ loa phường nhưng phải đổi mới cũng là những điều đáng suy ngẫm.

Bởi trong ký ức của nhiều người dân Thủ đô thì loa phường cũng chính là một di sản, một kênh thông tin gắn bó với họ. Những người lớn tuổi vẫn nhớ về một thời chưa xa lắm, loa phường kêu gọi phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, thanh niên “Ba sẵn sàng ”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; nêu quyết tâm của hậu phương “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Loa kêu gọi cả xóm, cả làng “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; Loa báo tin bão đến, cần tăng cường phòng chống và phòng tránh bão, lũ, sơ tán dân…Nhiều người còn nhớ như in tiếng loa phường ở Trung tâm Hà Nội báo tin: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay Mỹ cách thành phố ta 150km, đề nghị mọi người nhanh chóng xuống hầm trú ẩn; các trận địa sẵn sàng chiến đấu”...; Loa phường báo tin nước sông Hồng dâng cao; Khi xảy ra cháy nổ, cần cứu thương, cần huy động sức dân….

Giờ đây thiết thực nhất là loa phường vẫn là kênh thông tin cho người dân về việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp; Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; Thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp hàng năm; Thông tin về việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự; Những vấn đề khám chữa bệnh cho người dân; Giải quyết chế độ chính sách…tới cộng đồng.

Với những người lớn tuổi không sử dụng thành thạo internet, không sử dụng điện thoại smart phone, cũng không có điều kiện đọc báo thường xuyên thì loa phường là kênh thông tin cần thiết và hữu hiệu.

Vì thế trước đó có tới gần 90% người được thăm dò đồng tình bỏ loa phường đã khiến cho gần 4% những người muốn giữ loa phường thấy trăn trở, bâng khuâng. Bởi cùng tồn tại với loa phường còn có trạm thông tin công cộng ở các phường nội thành.

Trạm thông tin ấy một thời từng là nét đẹp trong văn hóa đọc của người Hà Nội, nhưng trong xu thế phát triển của báo chí hiện nay, những trạm thông tin công cộng đang mất dần vai trò của mình trong xã hội.

Nếu bất ngờ gặp ở đó, sẽ thấy đối tượng độc giả chủ yếu là người cao tuổi, hoặc đã về hưu do thói quen không bỏ được thú vui đọc báo nơi công cộng. Rồi có lẽ đến một lúc nào đó những trạm thông tin- đọc báo công cộng cũng sẽ chỉ còn trong ký ức, trong hoài niệm của những người cao tuổi mà thôi.

Trước mắt không bỏ loa phường tại các địa bàn ngoại thành, nhưng điều quan trọng là ngay cả với những địa bàn này thì cách thức sử dụng loa phường ra sao cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

Bởi trước đó nhiều người muốn bỏ loa phường phần vì nó gây khó chịu, nhưng phần khác cũng chính là do hình thức truyền tin của loa phường đã cũ kỹ trong cuộc sống và nhịp sống hôm nay.

Hoặc cũng có những trường hợp loa phường gây phản cảm vì ngay giữa một quận nội thành của Thủ đô mà phát thanh viên nói ngọng, nói lắp, phát âm chưa tròn vành rõ chữ...

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, với các quận nội thành, hoặc nơi phố xá đông người, chật chội, thật là phản cảm nếu để loa phường phát oang oang vì nó sẽ gây ảnh hưởng, hoặc ức chế tới nhiều người, nhất là những người không có nhu cầu.

Vì thế ở những địa bàn mà người dân có đời sống sinh hoạt cao, có đầy đủ phương tiện nghe nhìn cũng như các kênh thông tin hỗ trợ thì loa phường chỉ nên phát trong những tình huống khẩn cấp. Còn một chương trình của trạm truyền thanh phường, xã nên khoảng 15 phút là đủ, nếu có sự kiện quan trọng thì có thể nâng lên 20 phút là vừa.

Như thế loa phường Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh của nó cùng với dòng chảy của xã hội hiện đại, bên cạnh những kênh thông tin hiện đại. Loa phường vẫn được trân trọng vốn như sự tồn tại của nó nhiều thập kỷ qua. Chỉ có điều cách thức truyền tin của loa phường cần sớm được điều chỉnh lại cho phù hợp và thiết thực với cuộc sống, cũng như nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không bỏ loa phường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO