Không chỉ chạy tuổi

Hoàng Mai 22/08/2016 00:05

Tuần trước Ban Bí thư Trung ương có Thông báo số 13 về việc xác định tuổi của đảng viên. Việc ra thông báo này là việc làm cần thiết và cần làm ngay. Đây cũng là một cách lập lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Thực tế những năm gần đây có việc sửa lại tuổi của một số cán bộ, đảng viên, nhất là vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi

Thông báo cũng đã nêu lên một hệ lụy của việc “chạy tuổi” trong hồ sơ đảng viên. Đó là, nó đã gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác cán bộ; đồng thời tạo ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đọc Thông báo của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên, lại nhớ, 5 tháng trước trong Hội nghị cán bộ toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Cứ vào đại hội, cứ chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm lại râm ran chuyện vận động, mời nhau ăn uống, cho tiền, tặng quà. Có cái gì ‘luồn’ vào trong cái tình cảm ấy?”.

Đi thẳng vào vấn đề, Tổng Bí thư nhấn mạnh hơn đến dư luận xã hội, vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... “Bây giờ người ta đang nói chạy cả... luân chuyển. Cán bộ luân chuyển được một vài năm lại nhấp nhổm chạy về”. Và, ông cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật để xem mức độ đến đâu. Nhất là, nếu có (chuyện chạy) thì phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng. Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói?

Có lẽ, Tổng Bí thư đã có thông tin về chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy luân chuyển. Chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển thì dường như không còn mấy xa lạ với dư luận và với quần chúng nhân dân. Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang- vụ việc hiện vẫn đang được coi là “điểm nóng” trong công tác cán bộ, là một vụ điển hình khiến Tổng Bí thư phải trực tiếp chỉ đạo làm rõ. Nhưng chạy tuổi, chuyện tưởng chỉ có ở thời mà tiếp cận thông tin còn hạn chế; cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp chưa có nhiều kinh nghiệm thì nay lại nổi lên.

Không phải ngẫu nhiên mà Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Phạm Minh Chính thay mặt Ban Bí thư đã ký thông báo về việc xác định tuổi của đảng viên. Nếu không có sự gian lận về tuổi tác; hoặc giả sự gian lận ấy chỉ hiện diện trong một nhóm rất nhỏ thì chắc Ban Bí thư cũng không đưa ra một thông báo như vậy. Điều đó cũng có nghĩa, chạy tuổi hóa ra không phải chuyện cá biệt mà có vẻ đã trở thành chuyện phổ biến. Và, cũng vì lẽ đó, Tổng Bí thư đã hơn một lần nhắc đến chuyện chạy tuổi.

Vì sao không chỉ chạy quyền, chạy chức, chạy luân chuyển mà giờ người ta còn chạy tuổi. Bởi đơn giản, còn tuổi tức là còn khá năng giữ ghế, giữ chức; thậm chí có thể còn được luân chuyển sang chức vụ có nhiều bổng lộc hơn- đương nhiên là cần phải vận hành một “quy trình chạy”. Nếu chạy đúng quy trình thì chuyện thành công là điều không ngạc nhiên. Thế nên, hóa ra, chạy tuổi, chuyện tưởng như vô hại khi anh em, đồng chí giúp nhau có điều kiện cống hiến thêm một vài năm hóa ra chỉ là bước khởi đầu cho một quy trình chạy kế tiếp.

PGS.TS Lê Quốc Lý- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí đã nói đến những nguyên nhân chạy tuổi trong việc bổ nhiệm cũng như trong việc né tuổi hưu. Sẽ khó có lý giải nào hợp hơn với lý giải về sự “tham quyền cố vị” của các vị đảng viên giữ vị trí lãnh đạo các cấp.

Theo như Thông báo của Ban Bí thư, kể từ ngày 18/8, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Ban Bí thư cũng đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc xác định tuổi của đảng viên; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm túc thông báo kết luận về việc xác định tuổi của đảng viên.

Như thế, từ nay hai cơ quan sẽ giám sát để không xảy ra tình trạng khai man lý lịch trong đảng viên. Nhưng, nhìn ở khía cạnh ngược lại, rõ ràng, một khi đảng viên và cơ quan quản lý trực tiếp của đảng viên mà không thực hiện nghiêm, sợ rằng, có giám sát chặt đến đâu cũng khó tránh khỏi việc để sót lọt những trường hợp chạy tuổi. Mà, một khi đã có ý che giấu thì giám sát cũng khó chứ đừng nói đến chuyện phát hiện các trường hợp cố ý làm trái.

Vì thế, dù đã có Thông báo của Ban Bí thư nhưng vẫn rất cần sự tự giác của các cán bộ, đảng viên. Có giữ nghiêm kỷ luật đảng thì đảng viên mới thực hiện được tư tưởng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Có giữ nghiêm kỷ luật đảng mới xứng đáng với lời thề trước cở Đảng. Thế nhưng, với những trường hợp cố ý làm trái thì xử lý thế nào?

Rõ ràng, Thông báo đã ban hành, nếu vì bất cứ lý do gì mà làm trái thì cần phải xử lý nghiêm kể cả đương sự và kể cả người giúp đương sự làm trái. Đừng vì vị tình mà bỏ qua bởi cho rằng đó là chuyện nhỏ. Giữ được kỷ cương thì phép nước ắt được giữ vững. Trên có nghiêm dưới mới ổn- chân lý ấy chưa bao giờ sai.

Từ câu chuyện kiên quyết chặn chạy tuổi, rất cần mạnh tay hơn với các nạn “chạy” khác: chạy chức, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp... Để kỷ cương, phép nước được nghiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chỉ chạy tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO