Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch

Đức Trân 27/12/2021 06:10

Trong ngày cuối tuần, Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục với gần 1.900 ca. Như vậy, liên tiếp 1 tuần qua số ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội cao nhất cả nước. Hiện Hà Nội chỉ còn 1 huyện “vùng xanh” duy nhất, 8 quận đã chuyển sang “vùng cam”. Hơn lúc nào hết, tuân thủ phòng, chống dịch là yêu cầu đặt ra cấp thiết, cần ý thức chấp hành nghiêm túc của mỗi người dân.

Theo chỉ đạo mới đây của UBND thành phố Hà Nội, đối với các quận nguy cơ cao, yêu cầu duy trì chế độ ứng trực thường xuyên, tăng cường hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng; tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao: Khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giao nhận hàng hóa, nơi tập trung đông người...

Các lực lượng chức năng tại cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Chú trọng phòng dịch ở địa bàn nguy cơ cao

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến Hà Nội có thêm 6 quận trung tâm chuyển cấp độ dịch từ “vàng” sang “cam”. Cụ thể là Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên. Trước đó, 2 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng cũng đã được xác định ở cấp độ 3. Như vậy tổng số quận ở “vùng cam” của Hà Nội hiện là 8.

Lý giải về nguyên nhân số ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh trong thời gian qua, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hà Nội có mật độ dân cư đông, giao thương, đi lại, di biến động của người dân từ Hà Nội với các tỉnh cũng như từ các tỉnh đến Hà Nội rất phức tạp. Hà Nội cũng là thành phố có nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhiều khu công nghiệp. Hơn nữa, số người nhập cảnh vào Hà Nội trong thời gian qua tăng cao.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, nếu thành phố Hà Nội không có các biện pháp để kiềm chế tốc độ lây lan, khả năng quá tải hệ thống y tế rất dễ xảy ra. Cùng với đó, ca mắc tăng nhanh đồng nghĩa với số F0 phải nhập viện, tử vong cũng tăng theo.

Ông Phu khuyến nghị thành phố nên có các biện pháp kiềm chế tốc độ lây lan như dừng một số hoạt động nguy cơ cao, không thiết yếu ở những địa bàn “vùng cam”, “vùng đỏ”; hạn chế đến mức thấp nhất sự kiện đông người trong phòng kín, các hoạt động vui chơi tập trung dịp lễ, Tết...

Trước tình trạng gia tăng các ca mắc Covid-19 thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu, bắt đầu từ 26/12, 8 quận ở “vùng cam” sẽ dừng các hoạt động không thiết yếu. Ngay sau khi có văn bản của thành phố, trên địa bàn các quận nói trên, những biện pháp siết chặt phòng, chống dịch khi nâng cấp độ dịch lên mức “nguy cơ cao” đã và đang được khẩn trương triển khai bao gồm: Hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung hơn 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

Đồng thời, tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người. Đối với dịch vụ nhà hàng, quán ăn, uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về, đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú hoạt động được phép hoạt động không quá 50% công suất.

Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Nhiều người còn chủ quan, lơ là với dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng

Dẫu đã được tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19 trong cộng đồng, song bên cạnh những hàng quán nghiêm túc thực hiện việc bán mang về, đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày để phòng chống dịch thì vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân kém ý thức, lơ là trước dịch bệnh.

Đơn cử như UBND quận Tây Hồ đã có văn bản yêu cầu các hàng quán trên địa bàn chỉ bán mang về từ 12 giờ ngày 26/12. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, vẫn còn không ít hàng quán chưa thực hiện theo thông báo này. Tại đường Thụy Khuê (Tây Hồ), ghi nhận nhiều thanh niên còn tụ tập tại những quán trà chanh, hay tại một số quán ăn cũng trên con đường này, vẫn còn không ít khách hàng đang dùng bữa trưa. Thậm chí, tại đường Trích Sài, ghi nhận một số thanh niên đang chạy bộ, tập thể dục ven Hồ Tây mà không hề đeo khẩu trang, mặc dù quận này đang được đánh giá là khu vực có nguy cơ cao.

Được biết, trong một tuần qua trên địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng đã xử phạt 96 vụ không chấp hành nghiêm các qui định phòng, chống Covid-19, với số tiền hơn 207 triệu đồng. Những hành vi vi phạm phổ biến như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch…

GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV khẳng định: Hơn lúc nào hết, người dân không được chủ quan với dịch Covid-19, không được lơ là với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chúng ta đã chống dịch bằng 5K, bằng vaccine, bằng công nghệ, bằng thuốc nhưng có một loại vaccine quan trọng nhất đó là tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe chính cá nhân mình, với sự an toàn của cộng đồng. Đó là loại vaccine xã hội cần thiết nhất, giá trị nhất mà ai cũng đang có.

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: Số ca mắc tăng là điều đã được dự đoán khi thực hiện chính sách nới lỏng, người dân không nên quá lo lắng, hoang mang mà phải xác định phòng bệnh là chính. Người dân không được nghĩ mình đã tiêm vaccine hay có xét nghiệm âm tính là cho phép bản thân chủ quan, không thực hiện 5K. Hiện nay rất nhiều trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Vì thế, người dân nên hạn chế các hoạt động đi chơi, hoạt động tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc gần, trong môi trường kín, đông người.

BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Triệt để trong phân loại F0 điều trị tại nhà

Với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 ở mức rất cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể khẳng định, đa phần người mắc Covid-19 tại nơi này chỉ ở mức độ nhẹ hoặc không triệu chứng.

Tuy nhiên, với số ca mắc tăng cao như hiện nay, dưới góc độ điều trị thì điều quan trọng nhất là cần tiến hành phân loại ca mắc Covid-19, tránh quá tải ở các cơ sở y tế. Cần phân loại rõ ca nhiễm nào có thể cách ly tại nhà, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc theo dõi những ca điều trị tại nhà đó và đáp ứng nhu cầu tư vấn, theo dõi sức khỏe của người bệnh. Tránh tình trạng người bệnh hoang mang, lo lắng khi không liên hệ được với nhân viên y tế dẫn đến tình trạng người dân tự ý tới những cơ sở y tế nằm ở tầng trên. Ngoài ra, các cơ sở điều trị Covid-19, các cơ sở y tế trên địa bàn cũng cần chuẩn bị, tăng cường số giường bệnh, huy động nhân lực, thiết bị để ứng phó trong trường hợp số ca chuyển nặng tăng cao.

Mặt khác, ở thời điểm này, người dân không nên tập trung nơi đông người, hạn chế đi lại, tiếp xúc gần trong môi trường kín. Đặc biệt, hạn chế thăm hỏi, một số hoạt động đông người nên trao đổi qua hình thức trực tuyến. Người dân không được nghĩ mình đã tiêm vaccine hay có xét nghiệm âm tính là cho phép bản thân chủ quan, không thực hiện 5K. Nhiều trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Vì thế, trong giao tiếp, tiếp xúc hằng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Thích nghi và an toàn với Covid-19

Hiện nguồn lây trong cộng đồng tại Hà Nội đang ở nguy cơ cao. Chính vì vậy mọi người dân không tụ tập, thực hiện theo chủ trương phòng, chống dịch của thành phố coi như đã đóng góp sức mình trong việc chống dịch của Thành phố cũng như cả nước.

Theo đó, hiện nay quan trọng nhất là chung sống, thích nghi và an toàn với Covid-19. Có 2 điểm quan trọng đó là hạn chế tối đa tử vong, thứ 2 là dập từng ổ dịch một cách triệt để. Việc này để hạn chế tối đa việc lây nhiễm cộng đồng, hạn chế số ca mắc Covid-19 tăng lên. Hạn chế được số ca mắc đồng nghĩa với không để hệ thống y tế bị quá tải, số người được điều trị kịp thời sẽ tăng cao, từ đó hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

N. Toàn (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO