Không chủ quan với sốt xuất huyết

THANH MAI 23/01/2022 10:10

Trong năm 2021, cả nước ghi nhận trên 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 20 ca tử vong. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số mắc sốt xuất huyết giảm hơn, tuy nhiên Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo không chủ quan khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người e ngại đi bệnh viện, có thể mắc bệnh mà không biết và dễ có nguy cơ chuyển nặng.

Điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Ngừa sốt xuất huyết và nguy cơ “dịch kép”

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện bệnh sốt xuất huyết (SHX) lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh này. Năm nay, dịch SXH tại Việt Nam diễn biến không phức tạp như những năm trước, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng không thể chủ quan, dự báo dịch còn tăng và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng đặc biệt là nguy cơ “dịch kép” với Covid-19.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, SXH được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính phức tạp, khả năng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng. SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn. Bệnh do virus dengue gây ra, đây là virus có thể tồn tại, phát triển lâu dài trong cơ thể muỗi Aedes aegypti, còn gọi là muỗi vằn. Thông qua muỗi vằn, virus dengue được truyền từ người mang virus sang người khác. Muỗi vằn nhiễm virus 6-12 ngày sau khi hút máu và có khả năng truyền bệnh suốt đời.

Cụ thể, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần. Nếu mới mắc SXH lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các típ virus còn lại.

Ông Phu cũng chỉ rõ, sự chủ động, phối hợp của người dân và các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch SXH tại một số địa phương chưa cao, việc triển khai biện pháp phun hoá chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để,… Ngoài ra, người dân còn có sự nhầm lẫn về loại muỗi truyền bệnh SXH và muỗi gây sốt rét (sống ngoài đường, bờ bụi), viêm não (sống ở chuồng trâu, chuồng bò). Trong khi muỗi vằn truyền bệnh SXH là loại chỉ ưa đẻ trứng ở những vùng nước sạch. Do đó, nếu người dân chỉ chú trọng tiêu diệt bọ gậy ở các ao tù, cống nước, chỗ bẩn là chưa đúng.

Nguy cơ biến chứng nặng

Tại BV Bạch Mai, trong năm 2021, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH Dengue phải nhập viện, đặc biệt có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính… Các bệnh nhân đến từ hầu hết các địa bàn quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Tài liệu của Viện Pasteurs cho biết, virus dengue dễ dàng bị diệt khi ra môi trường bên ngoài. Các hóa chất khử khuẩn thông thường (nhóm clo hoạt, nhóm alcol, các muối kim loại nặng, chất ôxy hóa, chất tẩy, xà phòng...) và nhiệt độ trên 56 độ C bất hoạt virus dengue chỉ trong vài chục phút.

Tuy nhiên, virus này có thể tồn tại lâu dài hơn (nhiều tháng, hàng năm) trong nhiệt độ âm sâu (-70 độ C). SXH nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Đáng lo ngại là bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý điều trị khi bị sốt mà phải đến các cơ sở y tế bởi nếu người bệnh mắc SXH mà không được phát hiện, điều trị kịp thời hậu quả sẽ nghiêm trọng khiến bệnh nhân nặng lên hoặc tử vong do biến chứng của bệnh SXH gây ra như: tràn dịch màng phổi, rối loạn đông máu, suy giảm tiểu cầu gây chảy máu cam dữ dội, xuất huyết đường tiêu hóa, suy tạng, xuất huyết não...

Các bác sĩ nhận định, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt, đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai), SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp. Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO