Không có chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải nộp 30% tiền chênh lệch thu chi

Tuệ Phương 10/06/2019 20:52

Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tại cuộc trao đổi với báo chí vào chiều 10 /6 liên quan tới vụ việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng “tố” cơ quan chủ quản.

Không có chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải nộp 30% tiền chênh lệch thu chi

Quang cảnh cuộc họp báo.

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin Trường ĐH Tôn Đức Thắng “tố” Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ Việt Nam) yêu cầu trường phải nộp 30% số tiền chênh lệch thu chi.

Trước thực tế này, chiều 10/6, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức thông tin chính thức sự việc trên.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định: “Tổng LĐLĐ chưa bao giờ có văn bản yêu cầu trường Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải nộp 30% số tiền chênh lệch thu chi. Gần đây, trong lần kiểm tra năm 2017, Đoàn Kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường có kiến nghị: “Tổng LĐLĐ Việt Nam hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng LĐLĐ Việt Nam theo quy định”.

Theo Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”. Về việc lãnh đạo nhà trường cho rằng Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu Trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế Công đoàn (CĐ) là thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Ngoài ra, trong văn bản góp ý của các ban Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có tiếp tục nêu lại nội dung này, tuy nhiên căn cứ Quyết định 158 ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định không thu của trường. Việc nêu nội dung trên chỉ là kiến nghị của đoàn kiểm tra và ý kiến của ban chuyên môn Tổng LĐLĐ Việt Nam không phải là chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hằng năm Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng không giao dự toán phải nộp nghĩa vụ cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào.

Về việc lãnh đạo nhà trường cho rằng Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu Trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế CĐ là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Thiết chế công đoàn được thực hiện 2 năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống tổ chức CĐ từ cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng được hình thành từ chủ trương của LĐLĐ TP HCM nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và của TP HCM trong những năm đầu đổi mới, dù qua nhiều lần thay đổi nhưng toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức CĐ.

Số tiền, tài sản mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hỗ trợ Trường Đại học Tôn Đức Thắng hàng nghìn tỷ đồng bao gồm nhiều hình thức: Cấp, cho vay, giao quản lý, sử dụng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất, chứ không phải duy nhất là hình thức cấp như một số báo nêu. Từ nguồn tài sản này, cùng với sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, đến nay khối tài sản đã gia tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm, “về việc lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhất là hiệu trưởng Lê Vinh Danh nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam như: không đồng ý để Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán nhà trường và Kiểm toán nhà nước phải có công văn gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam; không đồng ý cho Đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật; sau khi có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra thì nhà trường tiếp tục phản ứng; Đoàn giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát nhà trường, khi có báo cáo kết quả thì trường phản ứng gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội với những lời lẽ không đúng mực về Báo cáo của Đoàn. Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 5 lần mời Ban Giám hiệu ĐH Tôn Đức Thắng ra họp bàn về sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên đến 31/5/2019, Ban Giám hiệu mới cử 2 hiệu phó nhà trường ra dự họp. Hiệu trưởng nhà trường không tham dự”.

Về dấu hiệu lạm quyền của hiệu trưởng, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Hiệu trưởng nhà trường có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường- là Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Vì lý do đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp, tuy nhiên Hiệu trưởng nhà trường vẫn chủ trì cuộc họp và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ Trường Đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ toạ cuộc họp Hội đồng trường.

Ông Ngọ Duy Hiểu nói thêm, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận một cách dân chủ với nhà trường về những vấn đề nhà trường quan tâm, đề xuất… nhưng đáng tiếc lãnh đạo nhà trường đã sử dụng diễn đàn truyền thông để có những phát ngôn không đúng về Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thực tế đã khẳng định, trường Đại học Tôn Đức Thắng có được như ngày hôm nay chắc chắn có sự lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, hiệu quả và tôn trọng quyền tự chủ của cơ quan cấp trên là Tổng LĐLĐ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải nộp 30% tiền chênh lệch thu chi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO