Không có đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp khó tồn tại

Minh Phương 15/04/2021 16:12

Đó là thông điệp được đưa ra trong Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam xây dựng.

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" giới thiệu nội dung Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Trưởng Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam", phê duyệt và ban hành Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn và tổ chức triển khai bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong đời sống xã hội.

Chú trọng thực hiện đạo đức kinh doanh sẽ giúp DN phát triển bền vững.

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Cuộc vận động chia sẻ, Việt Nam đang quan tâm đến phát triển văn hóa kinh doanh, đây là hướng đi đúng để phát triển bền vững. Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng Bộ Tiêu chí văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và Quy chế tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu. Tất cả nội dung trên đã qua nhiều lần hội thảo góp ý, xin ý kiến tại nhiều địa phương trên cả nước cùng cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia.

Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm 2 phần. Phần đầu gồm 5 tiêu chí đánh giá bắt buộc với việc kinh doanh của doanh nghiệp: Không buôn lậu, không trốn thuế; không làm hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại người khác; không vi phạm pháp luật.

Phần 2 gồm các tiêu chí xếp hạng, đánh giá ở 5 nhóm tiêu chí với 19 tiêu chí cụ thể về: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.

Theo giới chuyên gia, việc thực thi văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, trong đó đạo đức kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu, đã và đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng và toàn xã hội. Thực hiện tốt đạo đức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp khó tồn tại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO