Không còn lo mất tiền oan

Lê Anh Đức 09/07/2016 12:08

Theo Thông tư số 17/2016/TT-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) ban hành, quy định về quy trình cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động (có hiệu lực thi hành từ ngày 12/8), thì các nhà mạng không được phép tự ý kích hoạt dịch vụ nếu không được khách hàng đồng ý. Theo đó, quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ được đảm bảo, không còn nỗi lo bị mất tiền oan.

Không còn lo mất tiền oan

Quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ được đảm bảo.

Trao đổi với phóng viên, anh Đinh Xuân Thu (ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, anh sử dụng điện thoại di động chủ yếu là để nghe, gọi, nhắn tin cho công việc làm ăn, không có nhu cầu sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng. Song, đôi khi tài khoản của anh bị trừ nhiều một cách bất thường, khi kiểm tra lại thì mới biết một vài dịch vụ gia tăng đã được kích hoạt. Khiếu nại với nhà mạng thì được trả lời gọn lỏn: “Không đăng ký thì làm sao mà chúng tôi kích hoạt được”.

Không chỉ tự ý kích hoạt dịch vụ mà khách hàng không đăng ký, hầu hết các nhà mạng hiện nay đều cho mình cái quyền không cần hỏi ý kiến khách hàng.

Để bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ trên mạng di động, tránh việc các nhà mạng tự tung tự tác để thu tiền của khách hàng như lâu nay, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BTTTT, quy định về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động. Theo đó, quyền lợi người sử dụng dịch vụ trên các mạng di động sẽ được pháp luật bảo hộ, không còn cảnh “mất tiền mua nỗi bực vào người” nữa.

Theo quy định tại Điều 7, Thông tư 17 của Bộ TT-TT, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động ngoài việc phải có nghĩa vụ thực hiện theo quy định tại Điều 28, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, còn phải thực hiện việc thỏa thuận sử dụng dịch vụ gia tăng với khách hàng.

Cụ thể, theo quy định của Thông tư 17, các tổ chức, doanh nghiệp viễn thông phải xây dựng, công khai thỏa thuận cung cấp, sử dụng dịch vụ nội dung thông tin cho người sử dụng trước khi cung cấp dịch vụ phù hợp theo quy định tại Nghị định số 72. “Đối với các dịch vụ cung cấp theo định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm,...), tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ, gia hạn sử dụng dịch vụ sau khi có xác nhận sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ bằng tin nhắn hoặc điện thoại hoặc các hình thức khác” – Thông tư 17 quy định.

Để không có sự “hiểu nhầm” quy định, Thông tư 17 quy định chi tiết hơn: Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động phải bảo đảm cho người sử dụng khả năng từ chối, hủy, tra cứu về các dịch vụ nội dung thông tin đã đăng ký bằng hình thức phù hợp mà không bị thu phí (nhắn tin tới số dịch vụ, gọi điện đến tổng đài hỗ trợ, truy cập vào trang thông tin điện tử cung cấp thông tin của doanh nghiệp, các hình thức khác).

Khi quảng cáo về dịch vụ nội dung thông tin cung cấp trên mạng viễn thông di động và trước khi bắt đầu hoặc gia hạn tiếp tục cung cấp dịch vụ nội dung thông tin cho người sử dụng, tổ chức, doanh nghiệp phải thông báo đến người sử dụng tối thiểu các thông tin: Giá cước và cách thức tính cước đối với dịch vụ nội dung thông tin do tổ chức, doanh nghiệp cung cấp; tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; số điện thoại liên hệ, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng; cách thức đăng ký, gia hạn, hủy, từ chối sử dụng dịch vụ. Cùng với đó, người sử dụng được khiếu nại về các vấn đề liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trong thời hạn 90 ngày kể từ khi việc cung ứng dịch vụ được hoàn thành. Việc giải quyết khiếu nại phải được thực hiện trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không còn lo mất tiền oan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO