Không dám đi làm vì sợ công an bắt?

Bắc Phong 28/02/2023 05:40

Thật ngạc nhiên khi ông Nguyễn Tô An - Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nhiều đăng kiểm viên không dám đi làm vì sợ bị công an bắt. Nhiều đăng kiểm viên vừa làm vừa lo bị bắt. Nhiều người làm đơn xin nghỉ việc. Nhiều người báo ốm, đi chữa bệnh rồi tự nghỉ. Theo ông An, vì thế việc đăng kiểm xe cơ giới gặp khó khăn, dẫn tới nguy cơ bị đứt gãy khi nhân sự bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính toán số phương tiện đến hạn đăng kiểm cho thấy đến tháng 3 năng lực kiểm định của các trung tâm còn lại chỉ đạt 52% (tại Hà Nội) và 53% tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4, tại các đơn vị kiểm định ở TPHCM có thể ùn tắc nghiêm trọng do năng suất chỉ đạt 31% nhu cầu.

Để có một nhân viên đăng kiểm cũng không dễ. Theo quy định, từ lúc thông báo tuyển dụng đăng kiểm viên đến khi tổ chức thi tuyển, chấm điểm, công bố sẽ mất 2 tháng. Sau đó, nhân sự được đào tạo, thực hành ít nhất 1 năm mới được thi cấp chứng chỉ đăng kiểm viên thường. Đăng kiểm viên bậc cao cần ít nhất 3 năm kinh nghiệm kiểm định và phải vượt qua các kỳ sát hạch. Do đó, một đăng kiểm viên phải qua 4-5 năm mới trở thành đăng kiểm viên bậc cao. Theo quy định hiện hành yêu cầu mỗi dây chuyền hoạt động phải có ít nhất 1 đăng kiểm viên bậc cao chịu trách nhiệm ký duyệt kết quả kiểm định.

Khó là thế nên nhiều nhân viên đăng kiểm bị bắt cũng ít nhiều ảnh hưởng lớn tới việc đăng kiểm xe cơ giới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vì sao nhiều cán bộ, nhân viên đăng kiểm bị bắt? Vì sao nhiều trạm đăng kiểm phải dừng hoạt động? Tuy nhiên, nếu còn tiếp tục sai phạm, người bị bắt, trạm bị dừng thì cho dù cho phép ký hợp đồng lao động để giảm thời gian tuyển dụng đăng kiểm viên cũng như sửa đổi quy định cho phép 2 đăng kiểm viên thực hiện một dây chuyền kiểm định (quy định hiện hành cần 3 người) để giảm số lao động, thì tình thế vẫn không xoay chuyển.

Quan trọng nhất và căn bản nhất là không nhận tiền đút lót, không vi phạm pháp luật.

Suốt thời gian qua, nhiều vụ sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm nhiều địa phương trên cả nước đã bị xử lý. Ngày 11/1, công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về tội "nhận hối lộ". Ngay sau đó, ngày 17/2, Công an TPHCM bắt tiếp ông Trần Kỳ Hình - nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Xác định, giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 8/2021, với vai trò là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Hình đã trực tiếp hoặc gián tiếp nhận tiền hối lộ của một số giám đốc trung tâm đăng kiểm để ký duyệt cấp mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm, mặc dù các trung tâm đăng kiểm này không đủ các điều kiện theo quy định.

Cùng bị bắt với 2 vị Cục trưởng, nguyên Cục trưởng là nhiều thuộc cấp, nhiều nhân viên tại các trạm đăng kiểm. Chỉ riêng việc xử lý của Công an TPHCM, tính đến giữa tháng 1/2023, đã khởi tố vụ án, khởi tố và ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của 84 bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Trong đó, 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và các đối tượng môi giới.

Cùng thời gian, trên phạm vi cả nước, nhà chức trách đã khám xét hơn 50 trung tâm, khởi tố gần 300 bị can với các tội danh nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác và sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Thế mới biết sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới lớn đến mức nào.

Ngày 16/1, tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng ghi nhận những kết quả Cục đã đạt được trong gần 60 năm xây dựng và phát triển. Tuy nhiên ông Thắng cũng rất phiền lòng trước những sai phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ. “Đây là vụ việc để lại hậu quả đau xót đối với các thế hệ lãnh đạo, những người đã và đang là công chức, viên chức, người lao động của Cục Đăng kiểm Việt Nam nói riêng và Bộ Giao thông vận tải nói chung. Không còn con đường nào khác, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải nhìn thẳng vào sự thật, tự soi tự sửa, vấp ngã phải đứng dậy” - Bộ trưởng nói và nhấn mạnh lãnh đạo Cục Đăng kiểm cần nhận thức sâu sắc những sai phạm, thay vì tìm cách trốn tránh, phải đối mặt thẳng thắn nhận trách nhiệm và nghiêm túc sửa chữa.

Trở lại vấn đề, nói như ông Nguyễn Tô An - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thì nhiều đăng kiểm viên không dám đi làm vì sợ bị công an bắt. Thực ra, nhân viên đăng kiểm có chăng cũng chỉ là người làm công ăn lương, họ khó có khả năng ăn đút lót nếu như lãnh đạo của họ liêm chính. Vậy thì họ không việc gì phải sợ bị bắt nếu không thực hiện hành vi sai trái do chỉ đạo của cấp trên.

Khó khăn thì khắc phục. Thiết nghĩ đây chính là lúc cần quyết liệt làm trong sạch lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới. Không việc gì phải sợ bị bắt nếu mình không làm sai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không dám đi làm vì sợ công an bắt?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO