Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

H.Hương 14/11/2022 07:00

Các chỉ đạo không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu liên tiếp được đưa ra, vậy nhưng nhiều cây xăng vẫn ngừng bán hoặc hoạt động cầm chừng, khiến người dân phải xếp hàng dài, chờ đợi hàng chục phút mới mua được xăng, dầu.

Phải xác định giá sát thực tế nhập xăng dầu

Độ nóng của thị trường xăng dầu đã phần nào hạ nhiệt khi ngày 11/11, giá xăng đã được điều chỉnh tăng hơn 1.100 đồng/lít sau khi chi phí nhập xăng từ nước ngoài về Việt Nam đã được tính toán lại.

Sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn đề nghị Bộ Công thương, các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam. Thời hạn báo cáo trước 10 giờ ngày 15/11. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương rà soát đánh giá việc thực hiện và báo cáo các nội dung chi phí cụ thể bao gồm báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (lưu ý: các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định... không bao gồm VAT).

Vậy nhưng, đến thời điểm chiều ngày 13/11, thị trường xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, mỗi lần đi đổ xăng dầu vẫn thách thức lòng kiên nhẫn của người dân, nhất là tại Hà Nội. Tại cây xăng trên đường Hoàng Quốc Việt giao với phố Trần Cung, người dân xếp hàng đến 40 phút mới đến lượt được đổ xăng. Tại cây xăng trên đường Yên Phụ, người dân và phương tiện xếp hàng dài dằng dặc chờ đến lượt đổ xăng,tuy nhiên mỗi lần đổ cũng giới hạn 50.000 đồng/xe máy.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần đổi mới cách điều hành xăng dầu, để doanh nghiệp (DN) tự quyết chi phí kinh doanh xăng dầu để ổn định thị trường và tạo ra sự cạnh tranh, bình đẳng.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu cho rằng Luật Giá quy định, xăng dầu là một mặt hàng trong danh mục bình ổn giá và xăng dầu do Nhà nước định giá phải đảm bảo chi phí, lợi nhuận hợp lý cho DN.

“Đó là nguyên tắc đầu tiên của Luật Giá, nhưng trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải tìm ra phương thức hợp lý. Chúng tôi có kiến nghị, để đảm bảo các DN nhập xăng dầu về không bị lỗ thì nên sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp cho khoản lỗ. Đấy là biện pháp vừa làm dung hoà được giá bán cho người dùng và cũng hỗ trợ DN. Tuy nhiên, điều băn khoăn là cơ chế xử lý như thế liệu có đúng không khi chưa có quy định. Hoặc phương án thứ hai, trích từ những doanh nghiệp mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước cho DN nhập khẩu xăng dầu. Như vậy thì người tiêu dùng phải chịu giá cao nhưng nó đảm bảo bình đẳng đối với tất cả các DN, tổ chức kinh doanh”- ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng cho hay, giá xăng năm 2022 có lúc đã vượt qua mức giá 30.000 đồng/lít và chúng ta đã vượt qua bình thường. Tuy nhiên, còn 1 tháng rưỡi nữa sẽ bắt đầu trở lại việc hoàn thuế Bảo vệ môi trường, do đó, nếu không xử lý sớm thì việc tăng đột ngột sẽ càng khó cho DN.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay phải xác định cho sát với thực tế và hợp lý. Như vậy DN mới có thể tồn tại được. Ông Long cũng cho rằng, cần xem lại chính sách thuế, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong cung ứng xăng dầu và người tiêu dùng phải chia sẻ với DN.

Chủ động điều chỉnh giá theo quy định

Công điện mới nhất từ Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được Chính phủ giao chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công thương và các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của DN kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, chiều 11/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đồng chủ trì cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và DN đầu mối xăng dầu lớn về tình hình cung ứng xăng dầu.

Sau cuộc họp này, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện lượng xăng dầu đã đạt 18,6 triệu tấn trên tổng số 20 triệu tấn nhu cầu của cả năm nay, tương đương 90%.

Liên quan đến nguồn cung và kinh doanh xăng dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước mắt nên rà soát lại tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023. Từ đó có những kế hoạch nhập khẩu hoặc nhập hàng để đáp ứng nhu cầu.

“Nếu cần thiết thì phải có điều chỉnh để giá nhập về tương xứng với giá mua trong nước để các DN bình đẳng với nhau. Phải có cơ chế cụ thể giữa DN đầu mối và DN cung ứng, bán lẻ để các DN hoạt động độc lập. Mỗi DN độc lập phải tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh cũng như lãi lỗ từ đó đảm bảo tính cạnh tranh tốt hơn” - ông Thịnh nói và cho rằng về lâu dài Nhà nước chỉ định khung còn DN dần dần phải nới rộng ra để họ hoạt động độc lập, có quyền quyết định về giá, quyết định về chi phí. Nếu DN nào tiết kiệm được chi phí thì DN đó được hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO